THƯ MỤC ĐỊA CHÍ GIA LAI
Mô tả Số lần tải Tải về
TM Địa chí GL T.3 136
TM Địa chí GL T.1 171
TM Địa chí GL T.2 102
Ý kiến - Góp ý
      

Tra cứu từ điển
 
Liên kết website
Giới thiệu sách online
Văn bản pháp quy
Nhạc phố núi
Ảnh Tây Nguyên
Thống kê truy cập
Tổng số truy cập: 2,355,199
Hôm nay: 597
Đang xem: 319
"Tết lúa mới" của dân tộc Jrai, Bahnar (19/10/2010)

Với người dân Tây Nguyên, các lễ hội thường được tổ chức sau khi các công việc đồng áng đã xong xuôi, lúa đã đầy gùi. Người ta yên tâm hưởng thành quả lao động và đặc biệt là giành mọi điều kiện kinh tế, thời gian để "trả nợ", đền đáp với thế giới siêu nhiên. Lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thường diễn ra theo chu kỳ, vẫn tồn tại đến hôm nay mà chúng ta đang thấy gồm có 3 loại: Lễ hội theo vòng đời người như lễ thổi tai, lễ trưởng thành...; lễ hội theo cây trồng như lễ phát rẫy, lễ mừng lúa mới...; lễ hội và các lễ tục khác như lễ mừng nhà rông mới, lễ đâm trâu gia đình... Với đồng bào Jrai và Bahnar lễ mừng lúa mới là cái “Tết” thực sự và lớn nhất cả về chiều sâu, bề rộng và ý nghĩa của nó nếu đem so sánh với các lễ hội khác. Lễ mừng lúa mới thường diễn ra nhiều ngày, liên tục trong làng nên người Jrai, Bahnar thường gọi là mùa lễ hội - lễ mừng lúa mới. Tiếng Jrai gọi là Bơng tơ kul thum và tiếng Bahnar là Samok.

Khi vào mùa khô, hoa cúc quỳ chớm nở rực rỡ trên những sườn đồi, càng tôn thêm vẻ đẹp của buôn làng trên nền trời, tạo nên chất sử thi mê hoặc lòng người. Những hạt lúa sớm trên nương rẫy đã bắt đầu chín tới, con chim chơ-rao liệng bay mỏi cánh như muốn chia sẻ niềm vui với lũ làng báo hiệu chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch thì người Jrai, Bahnar lại tổ chức lễ mừng cơm mới để tỏ lòng biết ơn Yàng (Trời) đã cho mưa thuận, gió hòa, ngăn con chuột, con sâu,... không phá hoại cây lúa và cầu xin Yàng giúp cho cây lúa năm sau tươi tốt hơn, cho những bông lúa lúc lỉu như lũ con gái, con trai bụ bẫm, và cho lũ làng khỏe mạnh đủ sức lên cái ná, bắt cái rẫy phải cho nhiều lúa.

Để có một cái Tết trọn vẹn và có buổi làm cơm mới cúng Yàng phải trải qua những công đoạn hết sức kỳ công, có khi là khắc nghiệt. Người Jrai và người Bahnar cũng vậy, trong đám rẫy của mình, người chủ nhà phải chọn một vạt đất nhỏ thật màu mỡ, tương đối bằng phẳng để gieo lúa sau này làm cơm cúng lễ. Vạt đất đó gọi là “đất thiêng”, ngoài người chủ gia đình không ai được bước chân vào, kể cả thấy con chuột, con heo rừng đến phá... thì chỉ đứng ở xa đuổi nó đi chứ không được lại gần. Giống lúa gieo ở “đất thiêng” phải là giống lúa tốt, gạo ngon và dẻo thơm nhất. Gieo hạt rồi phải chăm sóc chu đáo để cây lúa phát triển tốt, dù có hạn hán đến mấy, mưa dầm ngâm đất đến bao nhiêu cũng không được phép để cây lúa một mình cô quạnh chống chọi với thiên nhiên, không để nó rũ xuống. Khi lúa chín tới đích thân người chủ phải chọn lấy cái gùi mới, đẹp và chắc chắn nhất mà đích thân mình đan. Lúc tuốt lúa không được dùng đến bất cứ một phương tiện gì mà phải dùng tay tuốt lúa dù có đau đến mấy hoặc chẩy máu, người Tây Nguyên quan niệm như thế mới thật cái bụng của mình với Yàng. Tất cả các khâu từ khi tuốt lúa đến nấu cơm cúng tuyệt đối phải để lúa, gạo, cơm ở những nơi cao ráo, sạch sẽ và không chạm trực tiếp xuống đất. Nếu bất cẩn lúa, gạo, cơm cúng chạm đất sẽ mất linh thiêng. Sau khi tuốt lúa về phải phơi thật khô, sẩy sạch, giã đều, không làm mất đi vỏ lụa hạt gạo hồng mịn như cánh áo, như thế khi nấu lên hạt gạo có mùi cơm thơm nức, người trên rẫy cũng ngủi thấy mùi mà phát thèm, con chim trong rừng đón gió mà bay đậu trên nóc nhà hót líu lô gọi đàn.

 Lễ vật cúng, ngoài cơm mới, rượu cần còn có heo, gà, trâu, thịt rừng hiến tế, thường trong lễ mừng cơm mới hay tổ chức lễ đâm trâu, vì vậy nhiều người vẫn nhầm tưởng là “lễ hội đâm trâu”, nhưng thật sự không phải như vậy, đâm trâu chỉ là một nghi lễ thường có trong các lễ hội lớn thôi. Chuẩn bị xong lễ vật, người được chọn làm chủ lễ thường là già làng có uy tín nhất, ăn mặc sạch sẽ, trang nghiêm trực tiếp lấy máu con vật hiến tế bôi lên kho lúa (jăng pelai - tiếng Jrai, sumpa - tiếng Bahnar), bôi lên miệng-tai ghè rượu, bôi lên cần hút rượu. Tiếp đó lấy ít rượu đổ ra rẫy, lên kho lúa, cho cái rẫy, cái kho lúa được ăn uống, chia vui cùng với dân làng.

Sau khi bài trí xong, người chủ lễ quỳ xuống dâng chén cơm hoặc nắm cơm mới lên ngang ngực mắt hướng lên trời mời chủ nhà ra nhận lễ rồi tiếp tục cúng (khấn), theo tiếng Jrai, vang vọng vào rừng sâu, núi thẳm băng qua chín suối, mười đèo đến với tai Yàng: “Ơ... ơ Yàng! Yàng Bơdai, Yàng Ia, Yàng Chu... Yàng ră bơrơi bơngăt bơdai glăi hăng ară plơipla, sang nơ...”. Và tiếng Bahnar: “Ơ... ơ Yàng! Yàng Ba, Yàng Đak, Yàng Kông... Yàng akhan kơba athei vih tơ pơlei, vihtơ unh hnam...”. Tạm dịch là: “Ơi Yàng! Yàng Lúa, Yàng Nước, Yàng Núi... cảm ơn Yàng đã cho cây lúa già, hạt lúa nhiều, hạt lúa chắc... Yàng hãy bảo con chuột, con chim... không được ăn lúa. Yàng hãy bảo hồn lúa đừng sợ. Yàng hãy bảo hồn lúa về với gia đình...”.

Cúng xong, những người trong gia đình cầm một cành lá nhỏ nhúng vào bát rượu rồi đi vẩy lên người nhau. Lên vạt rẫy, lên dàn chiêng, bếp lửa, kho lúa, cầu thang... tỏ ý chúc sức khỏe lẫn nhau và cùng hưởng những phần Yàng cho. Lúc bấy giờ rượu ghè đã xếp thành hàng vịn vào những cột nhà, cái cây, người già uống trước, lũ trẻ uống sau và cứ thế họ mời nhau hết đêm này sang đêm khác, cái cồng con chiêng ngấm rượu ngả nghiêng, thức suốt đêm không biết mỏi với những vòng xoang (múa) nối tiếp ngược kim đồng hồ, lũ con trai, lũ con gái nhìn nhau qua ánh lửa tình tứ...Mặt khác lễ hội còn tác động vào tư tưởng, tình cảm con người không chỉ trong những ngày lễ hội, mà cả những ngày sau đó nữa. Ngày hội không chỉ thu hút cá nhân trong một buôn làng, mà còn thu hút cả cộng đồng lân cận một cách tự nguyện và tham gia hết mình. Họ tìm thấy trong lễ hội những giải đáp nhiều mặt cho đời sống của họ, họ gửi gắm vào các nghi lễ của ngày hội những ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi.

Không biết lễ mừng lúa mới xuất hiện tự bao giờ, song nó cũng xuất phát của văn minh lúa nước. Lễ mừng lúa mới là điểm hội tụ, hòa quyện với nhiều yếu tố văn nghệ dân gian như ẩm thực, đan lát... đã tiếp sức cho con người, văn hóa nơi đây đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới một cuộc sống thánh thiện đầy chất sử thi, và trong tâm tưởng lễ mừng lúa mới chính là cái Tết của người dân Tây Nguyên hòa quyện tâm linh giữa trời và đất khi một mùa mới sang.

 
Các tin khác
NHẬN XÉT BẠN ĐỌC
(Chưa có ý kiến nào được viết)
Đăng nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Thành tích khen thưởng
Sách mới Bổ sung
Chọn trang
1. Tây du ký / Ngô Thừa Ân,Thụy Đình,Chu Thiên .- 2014 Chi tiết
2. Tây du ký / Ngô Thừa Ân,Thụy Đình,Chu Thiên .- 2014 Chi tiết
3. Tây du ký / Ngô Thừa Ân,Thụy Đình,Chu Thiên .- 2014 Chi tiết
4. Tây du ký / Ngô Thừa Ân .- 2014 Chi tiết
5. Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng / Hoàng Hải Vân,Tấn Tú .- 2023 Chi tiết
Tài liệu số hoá mới
Chọn trang
1. “Thấm” âm nhạc Ba Na / Phương Thảo .-  Chi tiết
2. Thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay: Từ thực tiễn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên / Vũ Mạnh Hùng .-  Chi tiết
3. Thứ trưởng Lê Văn Tuyến thăm, làm việc tại Công an tỉnh Gia Lai / Văn Thành .-  Chi tiết
4. Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên / Mai Thủy .-  Chi tiết
5. Thúc đẩy thương mại vùng sâu, vùng xa / Thanh Trúc .-  Chi tiết
Tài liệu của Thư viện
1. Sách lẻ: 79487 
2. Bài trích: 17656 
3. Sách tập: 9419 
4. Sách bộ: 2341 
5. Ấn phẩm định kỳ: 1199 
6. Đĩa CD-ROM: 832 
SÁCH HUYỆN
Tặng sách cho Việt Kiều ở Lào & CPC
Cơ quan chủ quản: SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH GIA LAI
Bản quyền: THƯ VIỆN TỈNH GIA LAI
30 - Phạm Văn Đồng - TP. Pleiku - Tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (059).6250708.
 Website: http://www.thuvientinhgialai.vn ; E-mail:  thuvientinh_gli@vnn.vn ; gialaitv@yahoo.com
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Thư viện tỉnh Gia Lai

Giấy phép do Sở TT&TT Gia Lai cấp số: 05/GPTTĐT-STTTT, ngày 13 tháng 6 năm 2014.