THƯ MỤC ĐỊA CHÍ GIA LAI
Mô tả Số lần tải Tải về
TM Địa chí GL T.3 138
TM Địa chí GL T.1 171
TM Địa chí GL T.2 102
Ý kiến - Góp ý
      

Tra cứu từ điển
 
Liên kết website
Giới thiệu sách online
Văn bản pháp quy
Nhạc phố núi
Ảnh Tây Nguyên
Thống kê truy cập
Tổng số truy cập: 2,702,418
Hôm nay: 1,115
Đang xem: 663
Thư mục toàn văn chuyên đề: "Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - 2018" (08/11/2018)

Lêi nãi ®Çu 

Ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền miệng và di sản phi vật thể của nhân loại.
           Nhằm biểu dương giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa này trong đời sống đương đại, tháng 11/2018, Festival Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên năm 2018 sẽ được tổ chức tại tỉnh Gia Lai.
          Nhân sự kiện này, Thư viện tỉnh Gia Lai biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc tập Thư mục toàn văn chuyên đề: “Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - 2018”.
Nội dung Thư mục gồm có 2 phần:
Phần 1: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Phần 2: Cồng chiêng trong lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
Các bài viết đưa vào tập Thư mục toàn văn chuyên đề: “Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - 2018”, được chúng tôi chọn lọc từ các sách, báo, tạp chí đã được lưu trữ trong Thư viện tỉnh Gia Lai. Trên mỗi bài trích, chúng tôi đều có mô tả thư mục về hình thức của tài liệu.
Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm từ tài liệu gốc, xin vui lòng liên hệ với Thư viện chúng tôi để được phục vụ. Bạn đọc cũng có thể truy cập  vào trang Website: “thuvientinhgialai.vn” để đọc tài liệu về “Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - 2018”, trong mục “Thư mục chuyên đề” .
Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã hết sức cố gắng, nhưng chắc chắn không tránh được sai sót xảy ra. Thư viện tỉnh Gia Lai mong nhận được ý kiến của bạn đọc để “Thư mục toàn văn chuyên đề” ngày càng có chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu đọc của bạn đọc.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                              THƯ VIỆN TỈNH GIA LAI                                                                                     
  KHÔNG GIAN VĂN HÓA 
CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN

Giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên / Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Chí Bền biên soạn; Bùi Hoài Sơn, Nguyễn Văn Sự, Nguyễn Kim Chi... dịch // Sách Kiệt tác di sản truyền miệng và phi vật thể của nhân loại - không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. - H. : Thế giới, 2006. - Tr. 34-50, 51

1. Giá trị nổi bật ngang tầm kiệt tác sáng tạo của nhân loại
- Cồng chiêng trở thành sức mạnh tinh thần và là biểu tượng của toàn cộng đồng trong thế ứng xử với thiên nhiên, xã hội; đồng thời là nhân tố gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng. Văn hóa và âm nhạc cồng chiêng vừa là kết quả sáng tạo, vừa là sở hữu chung của cộng đồng tộc người. Nó song hành với cuộc sống mỗi con người và mỗi giai đoạn phát triển lịch sử của cộng đồng.
- Phương pháp chỉnh sửa chiêng cộng với cái tai âm nhạc nhạy cảm của nghệ nhân sửa chiêng thể hiện trình độ thẩm âm tinh tế và hiểu biết cặn kẽ về chế độ rung và lan truyền âm thanh trên mặt chiêng và trong không gian. Có hai phương pháp chỉnh sửa mà người nghệ nhân ở Tây Nguyên sử dụng: gõ, gò theo hình vảy tê tê và gõ, gò theo hình lượn sóng. Do vậy, kỹ thuật gõ, gò theo đường tròn trên những điểm khác nhau quanh tâm điểm của từng chiếc chiêng là một phát hiện vật lý đúng đắn, khoa học, mặc dầu trình độ phát triển xã hội xưa của người Tây Nguyên chưa biết đến vật lý học. Đây là sáng tạo lớn của cư dân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
- Để đáp ứng các yêu cầu thể hiện bằng âm nhạc khác nhau, các tộc Tây Nguyên đã lựa chọn nhiều biên chế dàn chiêng cồng (gong ensemble’s composition) không giống nhau:
+ Những dàn chiêng có hai chiếc hay ba chiếc có chức năng giữ nhịp điệu rõ ràng (rhythm keeping). Bằng các cao độ trầm - cao hay trầm - giữa - cao dàn chiêng khắc họa các loại nhịp cần thiết cho các hành động nghi lễ hoặc các bước múa. Biên chế này tuy nhỏ nhưng theo quan niệm của nhiều tộc người Tây Nguyên, đây là biên chế cổ xưa nhất. Dàn hai chiêng bằng, gọi là chiêng Tha, của người Brâu; dàn ba cồng núm của người Chu Ru, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng v.v... thuộc loại này. Người Ba Na gọi là chiêng cổ xưa (Chiêng xo xơh). Các tộc này chỉ dùng loại chiêng cổ xưa trong những lễ quan trọng như Đâm trâu, Chúc sức khỏe, Cầu an cho lúa và gia súc.
Biên chế 6 chiêng phổ biến ở nhiều tộc người. Đó có thể là 6 chiêng bằng của người Mạ, dàn Stang của người Xơ Đăng; dàn chiêng của các nhóm Gar, Noong, Prơng thuộc dân tộc Mnông; dàn chiêng Diek của nhóm Kpạ người Ê Đê. Cũng có dàn gồm 6 cồng núm như trường hợp của nhóm Bih thuộc dân tộc Ê Đê. Dàn chiêng 6 chiếc có thể đảm trách nhịp điệu như dàn cồng núm của nhóm Bih dân tộc Ê Đê, dàn Diek của nhóm Kpạ dân tộc Ê Đê, dàn chiêng của nhóm Noong dân tộc Mnông. Trong trường hợp dàn chiêng 6 chiếc của người Mạ, nhóm Gar dân tộc Mnông thì lại là sự đối đáp giữa các chiêng như trong một cuộc “đối thoại” hay “đàm thoại”.
Ở các tộc người Gia Rai (ngành Aráp), Ba Na (ngành Tồ Lồ, Kon K’Đeh), người Xơ Đăng (ngành Steng) có biên chế hỗn hợp các cồng núm và chiêng bằng. Nguyên tắc chung là sự kết hợp của một dàn ba cồng núm “cổ xưa” và một bộ phận gồm 8-9 chiếc chiêng bằng. Trong nhiều trường hợp dàn ba cồng núm được tăng cường thêm bằng các cồng núm có cùng cao độ hay có cao độ cách một quãng tám so với ba cồng chính. Các cồng núm làm nhiệm vụ giữ nhịp, đặc biệt là nhịp trì tục (ostinato rhythm). Các chiêng bằng thể hiện giai điệu và hòa âm. Bài bản của các dàn chiêng hỗn hợp này thường có hình thức nhạc chủ điệu (homophony).
Từ các dàn có biên chế ba chiêng trở lên thường có chiếc trống lớn và cặp chũm chọe. Riêng dàn ba cồng núm của người Chu Ru thì phải có chiếc khèn 6 âm phối hợp.
- Ở hầu hết các tộc người ở Tây Nguyên, nghệ nhân đánh chiêng cồng phải là nam giới kể cả hai tộc người Ê Đê, Gia Rai đang duy trì chế độ mẫu hệ hoặc người Ba Na, Xơ Đăng đang duy trì cả chế độ mẫu hệ lẫn chế độ phụ hệ. Ở các tộc này, người đàn ông được phân công đại diện cộng đồng tiếp xúc với thần linh, tổ chức các nghi lễ, khấn vái, đánh chiêng cồng. Người đàn bà chỉ còn đảm trách nhiệm vụ liên quan đến tín ngưỡng Mẹ Lúa và Thần đất.
Riêng ở ngành Bih tộc người Ê Đê, chỉ nữ giới mới được đánh cồng, ở người Mạ thì cả hai giới đều được đánh chiêng nhưng thường chia làm hai dàn: Dàn chiêng nam, dàn chiêng nữ. Ngày nay đã có lúc bắt gặp dàn chiêng hỗn hợp các nghệ nhân cả nam lẫn nữ. Đó cũng là trường hợp các dàn chiêng cồng của các nhóm thuộc dân tộc Mnông (ở người Mường cư trú ở phía Bắc Việt Nam cũng có dàn 9 cồng núm do phụ nữ chơi trong hát sắc bùa). Việc nữ giới đánh chiêng cho thấy vị trí xã hội và vai trò quan trọng của họ trong văn hóa tâm linh các tộc người này.
Ngoài ra, ở nhiều tộc người như Chu Ru, Xơ Đăng, Mnông, và đặc biệt tộc Gia Rai, Ba Na, phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ, làm thành một dàn múa đồng hành với bản nhạc chiêng. Điều đáng nói là các điệu múa này được coi là thành tố không thể thiếu của việc diễn tấu các bài chiêng cồng. Chúng không được dùng bên ngoài diễn tấu chiêng cồng hoặc trình diễn cho giải trí. Nói cách khác, sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên là sinh hoạt cộng đồng, cuốn hút tất cả các thành viên của cộng đồng tham gia, là thời điểm mạnh trong sinh hoạt cộng đồng. Đây là bằng chứng chứng tỏ lịch sử lâu đời của cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
- Phần lớn các tộc người ở Tây Nguyên đánh chiêng cồng trình diễn xung quanh trung tâm biểu tượng thiêng như cây nêu hay nhà mồ hoặc con trâu hiến sinh. Mỗi nghệ nhân chỉ sử dụng 1 chiếc cồng chiêng. Họ đi thành hàng một, đi đầu thường là một cái trống, tiếp theo là các chiêng cồng với thứ tự cái có cao độ trầm đi trước, cái có cao độ cao lần lượt theo sau. Họ đi thong thả, vừa nhún nhảy vừa đánh chiêng, vẽ nên một đường tròn và tạo nên một trường âm thanh (sound field) quanh trung tâm thiêng.
Theo các nghệ nhân chiêng cồng, đường tròn giúp cho tiếng của mọi cái chiêng cồng đều đến trung tâm thiêng, nơi các thần linh bay về ngự trị, một khoảng cách bằng nhau và do đó, các thần linh không bỏ sót bất cứ tiếng của cái chiêng nào.
Người nghệ nhân ngành Kpạ và Bih của dân tộc Ê Đê ngồi trên một cái ghế dài được coi là vật thiêng trong nhà: ghế k’pan. Riêng ngành Bih dân tộc Ê Đê còn đánh cồng quanh trung tâm thiêng trong một số lễ hội nông nghiệp.
Người nghệ nhân Tây Nguyên đánh chiêng theo hai cách chính; dùng nắm tay đấm hay dùng dùi gõ vào chiêng. Với cồng núm, nắm tay chỉ đấm vào núm mới có tiếng trong, vang. Nhưng với chiêng bằng thì nắm đấm luôn phải đấm vào một điểm giữa tâm và vành ngoài của mặt phải chiêng. Có ba loại dùi: cứng, mềm và bọc vải hoặc da. Dùi bọc vải thường dùng cho cồng núm tạo ra một âm thành tròn, mềm. Dùi cứng và dùi gỗ mềm không bọc vải thường dùng cho chiêng bằng, gõ vào tâm mặt trong của chiêng. Tuy nhiên trong quá trình hòa tấu mỗi tiếng chiêng vang lên xong lại phải được ngắt đi. Nếu không thì các bồi âm của chiêng đó sẽ làm nhiễu các âm của các chiêng tiếp theo. Tùy từng tộc người và tùy theo yêu cầu nghệ thuật của bài chiêng mà người ta dùng bàn tay xoa vào, đặt vào mặt trong của chiêng bằng, hoặc dùng các ngón tay chặn trên vành ngoài của chiêng. Cũng có nghệ nhân dùng cùi tay chặn vào mặt chiêng bằng. Ngắt tiếng ở cồng núm khó hơn vì cồng núm có hệ bồi âm lớn và độ lan truyền dài hơn. Nghệ nhân phải tỳ đùi hay lấy tay bịt trực tiếp vào đỉnh núm hay chân núm mới được. Các cách ngắt chiêng khác nhau đã cho những sắc thái âm thanh phong phú, làm tăng thêm sức diễn cảm và vẻ độc đáo của bài nhạc chiêng.
- Là nhạc cụ nghi lễ, các bài nhạc cồng chiêng trước hết là đáp ứng cho yêu cầu của mỗi lễ thức và được coi như một thành tố hữu cơ của lễ thức đó. Như thế, mỗi nghi lễ có ít nhất một bài nhạc chiêng cho nó. Trong mỗi nghi lễ, lại có thể có nhiều công đoạn có nhạc chiêng riêng. Chẳng hạn, ngành Aráp dân tộc Gia Rai ở vùng Ea H’Leo tỉnh Đắc Lắc có các bài chiêng cho các lễ sau đây:
+ Đâm trâu;
+ Khóc người chết trong tang lễ;
+ Bỏ mả;
+ Mừng nhà rông mới;
+ Mừng chiến thắng;
+ Lễ xuống giống;
+ Lễ cầu an cho lúa;
+ Mùa gặt.
Ngoài ra cũng còn có những bài chiêng dùng cho các sinh hoạt cộng đồng như lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, mừng nhà mới, chúc sức khỏe v.v...
Các bài chiêng cũng đã đạt đến một trình độ biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng huống tình cảm của con người trong mỗi nghi lễ. Chẳng hạn chiêng tang lễ hay bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn. Chiêng mùa gặt thì thánh thót, vui tươi. Chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã v.v...
- Từ thành phần âm của các chiêng cồng trong dàn chiêng và các âm được dùng trong các bài chiêng chúng ta có thể rút ra một số hàng âm thanh (musical scales) có thành phần âm khác nhau. Điển hình nhất là việc thiết lập các hàng âm thanh trên cơ sở một đơn vị âm hạt nhân. Đơn vị này bao gồm ba âm có quan hệ cao độ ổn định. 
Từ đơn vị này tiếp nối thêm các đơn vị khác trên một cao độ khác theo một quy luật nhất định ta sẽ có hàng âm thanh của các tộc người này. 
Hai đơn vị nối tiếp nhau bằng một quãng hai nhỏ, các âm cùng bậc ở hai đơn vị liền kề cách nhau một quãng năm đúng. Âm thứ nhất và âm thứ ba mỗi đơn vị cách nhau một quãng bốn lớn hơn bốn đúng, nhỏ hơn bốn thăng. Ngoài ra ta thấy cách cấu tạo hàng âm này không lấy quãng tám làm khung cố định. Hơn nữa âm thứ nhất của đơn vị 1 và âm thứ ba của đơn vị 2 không cách nhau một quãng tám đúng tuy rằng chúng có cùng một tên gọi (Do - Do ). Cũng ở tình trạng này là quãng cách giữa âm thứ nhất của đơn vị 2 và âm thứ ba của đơn vị 3 (Son - Son ).
Cũng cùng một phương pháp đó nhưng chỉ khác nhau về quan hệ quãng giữa các âm trong một đơn vị là trường hợp của các dân tộc sau:
Dân tộc Mạ: Sol La Si - Do Re Mi
Nhóm Noong dân tộc Mnông: Mi Sol La - Si Re Mi
Nhóm Gar dân tộc Mnông: b Si Do Re - b Mi Fa Sol
Người Tây Nguyên đặt tên cho các đơn vị tiếp nối nhau theo quan hệ các thế hệ con người: cha mẹ / con cái / cháu. Ví dụ: Tên gọi của người Ba Na
Đơn vị 1
Glơng
P’gle Hlaw
P’gle Ati
Đơn vị 2
Kon Glơng
Kon P’gle Hlaw
Kon P’gle Ati
Đơn vị 3
Sau Glơng
Sau P’gle Hlaw
Sau P’gle Ati
(Ghi chú: Trong tiếng Ba Na kon có nghĩa là con, saucó nghĩa là cháu)
- Về mặt bài bản, trừ trường hợp ngoại lệ, mỗi bài nhạc cồng chiêng chỉ là một giai điệu không dài, ngắn nhất chỉ nằm trong một nhịp (a measure of the metre 2/4) 2/4 hoặc dài hơn cũng chỉ đến 4 nhịp 2/4 (four measures of the metre 2/4).
Trong những bài chiêng có tính hòa điệu (harmonie music) do dàn chiêng gồm mỗi nghệ nhân một chiêng, giai điệu phải được diễn tấu lần lượt từ nghệ nhân này sang nghệ nhân kia.
Để đảm bảo cho sự liên tiếp của giai điệu; đồng thời, của hòa âm, người Tây Nguyên đã sáng tạo một cách phân công diễn tấu cho mỗi cái chiêng chỉ chơi một mô hình nhịp điệu (rhythmical module). Ghép các mô hình này trong diễn tấu ta sẽ vừa có giai diệu lại vừa có hòa âm.
Với các bài nhạc có tính chất nhịp điệu (rhythmical music) thì các mô hình này lại càng dễ thực hiện hơn.
Có thể nói, văn hóa và âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa - nghệ thuật ở đỉnh cao của các tộc người Tây Nguyên. Đó là sáng tạo văn hóa rất độc đáo của cư dân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng các dân tộc ở Tây Nguyên rất đa dạng, nhưng rất thống nhất. Đây chính là đặc điểm rất cơ bản của vùng văn hóa Tây Nguyên, nhưng cũng là đặc điểm của văn hóa Việt Nam.
2. Bắt rễ từ truyền thống văn hóa và truyền thống lịch sử của cộng đồng có liên quan
- Từ cơ tầng văn hóa Đông Nam Á thời tiền sử, vào khoảng cuối của nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, trên đất nước Việt Nam ngày nay đã hình thành và phát triển 3 trung tâm văn hóa lớn thuộc thời đại đồ đồng (Bronze Age): đó là văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc; văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung; văn hóa Đồng Nai ở miền Nam Bộ. Các cộng đồng dân cư của 3 trung tâm trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa của mình đã có những mối giao lưu văn hóa thường xuyên và nhiều chiều với nhau. Cả ba trung tâm đã có kỹ nghệ đúc đồng đặc biệt phát triển. Họ đã sáng tạo nên những công cụ vũ khí, đồ trang sức, đặc biệt là các loại nhạc cụ bằng đồng rất độc đáo. Các hiện vật khảo cổ của văn hóa Đông Sơn như trống đồng, cây đèn Lạch Trường đều có những hình chạm khắc cách chơi các loại nhạc cụ đó.
Khu vực Tây Nguyên hiện nay cũng nằm trong các tuyến văn hóa truyền thống giao thoa và phát triển của 3 trung tâm đó, đồng thời cũng nằm trong nền cảnh chung của khu vực Đông Nam Á. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Lung Leng (tỉnh Kon Tum), cũng như ở các di chỉ khảo cổ khác ở Tây Nguyên nhiều hiện vật đồ đồng, đồ sắt, nhất là khuôn đúc rìu đồng. Nghĩa là, cư dân cổ xưa ở Tây Nguyên đã từng có một kỹ nghệ đúc đồng, một nền văn hóa thời kim khí.
Điều đáng nói là tất cả các nhạc cụ trên, nhất là chiêng cồng, đều tiếp tục được sử dụng và tồn tại đến ngày nay như một thành tố hữu cơ trong nền âm nhạc các dân tộc Việt Nam, dù là họ sinh sống ở phía Bắc hay ở duyên hải miền Trung.
- Trong xã hội cổ truyền, con người có ít nhất ba mối quan hệ: đó là quan hệ với thiên nhiên thông qua quá trình canh tác cây trồng, quan hệ với xã hội thông qua các tục lệ và tín ngưỡng, quan hệ với dòng đời mỗi con người thành viên. Để hiện thực hóa các mối quan hệ đó, con người tổ chức các nghi lễ, các hoạt động văn hóa trong cộng đồng và tất nhiên cồng chiêng có mặt đầy đủ trong các nghi lễ hay hoạt động đó như một thành tố không thể thiếu. Đối với dòng đời người chẳng hạn, có các lễ:
+ Lễ thổi tai (theo quan niệm của đồng bào khi được đẻ ra, tai đứa trẻ chưa được thông. Nay đem cái chiêng đến đánh bên tai nó, nó sẽ nhn được lời răn dạy của tổ tiên và khi lớn lên, nó sẽ sống theo phong tục và phẩm chất đòi hỏi của dân tộc mình.
+ Lễ cưới
+ Lễ mừng lên lão
+ Lễ tang
+ Lễ bỏ mả
+ Lễ dựng nhà mới
Đối với cây trồng và tâm linh cộng đồng người ta thường nhắc đến các lễ thức uy nghi, hoành tráng như lễ đâm trâu mừng sức khỏe, lễ mừng chiến thắng, lễ xuống giống, lễ ăn cốm, lễ gặt lúa, lễ đưa lúa vào kho. Cũng có cả lễ cúng bến nước, lễ cúng vía lúa, cúng vía trâu, bò v.v...
3. Cồng chiêng đóng vai trò là phương tiện khẳng định cộng đồng bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Di sản văn hóa của các thế hệ cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên gồm có kho tàng ngữ văn dân gian, nghệ thuật điêu khắc dân gian, tri thức dân gian nhưng nổi trội nhất phải là sử thi và cồng chiêng. Để ứng xử với thiên nhiên, người dân nơi đây có cồng chiêng, để cầu xin, giãi bày với thần linh, tổ tiên, người dân lại dùng cồng chiêng, để đối thoại với cộng đồng, thậm chí với cả chính mình, người dân nơi đây vẫn dùng cồng chiêng. Khó có nhạc khí nào, sinh hoạt văn hóa nào lại có nhiều vai trò đến như vậy. Với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, phương tiện để khẳng định cộng đồng và bản sắc cộng đồng là cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng.
Như đã trình bày tại các mục trên, mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có một cách tổ chức dàn cồng chiêng khác nhau, cách chơi cũng khác nhau. Có thể nói bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện khá rõ nét trong văn hóa cồng chiêng. Ít nhất có ba phong cách âm nhạc lớn của cồng chiêng Tây Nguyên:
+ Cồng chiêng Ê Đê nhịp điệu phức hợp, tốc độ nhanh, cường độ lớn. Cả bài nhạc là những chùm âm giàu màu sắc nối tiếp và đan xen nhau.
+ Cồng chiêng Mnông cường độ không lớn mặc dầu tốc độ khá nhanh, nhưng bản nhạc lại là cuộc đối thoại vui vẻ của những cái chiêng, giàu chất tự sự.
+ Cồng chiêng Ba Na - Gia Rai thiên về tính chất chủ điệu (homophonie), một bè trầm của các cái cồng có núm vang lên âm sắc đầy đặn, vững chãi, hùng tráng. Bên trên là bè giai điệu thánh thót của các cái chiêng (không có núm) với âm sắc đanh gọn, lảnh lót. Hai bè hòa vào nhau trong thế đối thoại, thêm vào đó là chất giọng nằng nặng của cái trống cầm chịch và âm thanh vui vẻ, rạn vỡ của hai cặp chũm choẹ xoa liên tục.
Trong mỗi phong cách lại có nhiều sắc thái khác nhau, cùng là phong cách tự sự nhưng nhóm Mnông Gar lại khác nhóm Mnông Noong, cùng là phong cách Ê Đê nhưng nhóm Ê Đê Atham khác với nhóm Ê Đê Bih, cùng phong cách Ba Na nhưng nhóm Ba Na T’Lô khác nhóm Ba Na Kon K’Đe.
Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thể hiện đậm đà nhất trong cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật tạo hình, múa dân gian và ẩm thực dân gian v.v... đều thể hiện, gắn bó mật thiết với cồng chiêng. Ví dụ: Các tượng tròn ở các nhà mồ của các dân tộc ở đây chỉ trở nên đẹp hơn trong ngày lễ bỏ mả với một không gian huyền ảo đầy những tiếng chiêng cồng sâu lắng.
Với các dân tộc Tây Nguyên, phương tiện để nối kết cộng đồng cũng lại là cồng chiêng. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, con người được nâng lên trên đôi cánh thần kỳ của âm nhạc để nối kết cá thể với cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác của cùng một dân tộc. Điều đáng lưu ý là Tây Nguyên có nhiều dân tộc, nhưng các dân tộc luôn hòa hợp lẫn nhau trong văn hóa cồng chiêng mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không có hiện tượng loại trừ hay đồng hóa văn hóa của nhau trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Các dân tộc đều có thể đến với nhau khi sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng luôn đem đến một cảm xúc rạo rực khó tả trong mỗi con người, để họ tìm đến với nhau.
4. Sự điêu luyện trong việc áp dụng những kỹ năng và chất lượng kỹ thuật
Như đã nói ở trên, cư dân các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã đạt đến những hiểu biết sâu và có các kỹ thuật điêu luyện trong việc sử dụng cồng chiêng trong văn hóa và âm nhạc của mình. Điều đó thể hiện ở việc chỉnh âm chiêng mua về để nó trở thành một bộ phận hữu cơ của dàn chiêng cồng dân tộc; thể hiện ở việc lựa chọn các biên chế dàn chiêng, ở việc quy định giới tính, tư thế diễn tấu, các kỹ xảo sử dụng dùi hay tay người và các kỹ xảo ngắt tiếng. Ngoài ra họ còn sáng tác nhiều bài bản nhạc chiêng cho những công dụng khác nhau. Và từ tất cả những thành tựu đó, họ đã tìm ra cho văn hóa và âm nhạc cồng chiêng của mình những hàng âm thanh độc đáo, hiếm thấy.
5. Giá trị của nó như một bằng chứng độc đáo của đặc trưng truyền thống văn hóa
- Chiêng cồng đã trở thành biểu tượng đặc trưng cho văn hóa vùng Tây Nguyên. Có một quan niệm chung là nếu khách đến Tây Nguyên mà chưa một lần được nghe chiêng cồng thì cũng như là chưa đến đây.
Tiếng chiêng cồng còn là biểu tượng cho cuộc sống các dân tộc ở Tây Nguyên. Nghe bài nhạc chiêng, người dân bình thường ở vùng đất này cũng có thể nhận ra đó là chiêng cồng của tộc người nào và họ đang tiến hành nghi lễ hay hoạt động văn hóa gì.
Xưa kia cư dân các tộc người Tây Nguyên chỉ trồng một vụ lúa rẫy bắt đầu từ khi có cơn mưa đầu mùa vào khoảng tháng 5 dương lịch và gặt vào khoảng tháng 11 dương lịch. Một thời gian dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa khô, con người no đủ và tổ chức các loại nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng. Do đó, trong không gian vùng đất này, đêm cũng như ngày, thường không vắng tiếng chiêng cồng. Người Tây Nguyên gọi thời gian này là THÁNG NINH NƠNG (Khei Ninh Nơng).
- Cồng chiêng có mặt trong nền văn hóa của nhiều nước trên thế giới, của châu Á. Tuy nhiên, dạng cồng chiêng được tổ chức thành dàn để diễn tấu độc lập hoặc kết hợp với các nhạc cụ khác thì chủ yếu thấy ở các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, hầu như tất cả các tộc người đều sử dụng cồng chiêng. Nhưng, các dân tộc thường chỉ dùng 1-2 cồng phối hợp với một trống dùng trong nghi lễ hoặc giữ nhịp cho múa. Ở miền Bắc Việt Nam chỉ có người Mường là có dàn cồng sắc bùa là bao gồm một biên chế 8-12 chiếc cồng núm. Các biên chế thành dàn (ensemble composition) tập trung trong văn hóa của các tộc người Tây Nguyên.
Các dàn cồng chiêng Tây Nguyên có nhiều điểm tương đồng với cồng chiêng Đông Nam Á. Tuy vậy, nó có những nét trội khác biệt (dominant characteristics) như sau:
+ Văn hóa và âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên tồn tại dưới dạng văn hóa và âm nhạc dân gian (folk music and culture). Nó là sở hữu cộng đồng và là năng lực cũng như chuẩn văn hóa cho thành viên cộng đồng, ở những tộc người mà cồng chiêng dành riêng cho nam giới thì mọi chàng trai tộc người đó phải biết đánh chiêng. Ở những tộc người, nơi cồng chiêng do nữ giới đảm nhiệm thì mọi cô gái phải biết thực hiện nhiệm vụ này, như ở nhóm Bih dân tộc Ê Đê chẳng hạn. Còn ở nhóm Noong dân tộc Mnông thì đó là nhiệm vụ của cả nam lẫn nữ. Là sở hữu của cộng đồng, chiêng cồng Tây Nguyên có vai trò như một biểu tượng và năng lực sáng tạo văn hóa, âm nhạc của nhân dân trong không gian văn hóa Tây Nguyên. Cho đến hiện nay, cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa gắn bó với cồng chiêng vẫn tồn tại trong từng gia đình, plei, plơi, buôn, bon. Trong lúc đó, ở một số nước Đông Nam Á, cồng chiêng hầu như đã trở thành hoạt động âm nhạc có tính chuyên nghiệp (professional music) như các dàn Gamelan của Inđônêxia, dàn Không wong trong Mahori của Thái Lan, trong Pin Peat của Campuchia. Đặc điểm này cho thấy cồng chiêng Tây Nguyên có thể còn lưu giữ nhiều yếu tố cổ xưa hơn.
+ Nữ giới đánh chiêng cồng là một nét văn hóa độc đáo của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Ở miền Bắc Việt Nam có dàn cồng núm sắc bùa được đánh vào dịp lễ hội mùa xuân (springtime agricultural ceremony) do các cô gái tộc Mường đảm nhiệm. Ở Tây Nguyên cũng dàn cồng núm dược các nữ nghệ nhân nhóm Bih dân tộc E Đê thực hiện, ở nhóm Noong dân tộc Mnông và dân tộc Mạ thì cả nam lẫn nữ đều có thể đánh cồng.
+ Việc sử dụng chiêng bằng thành một dàn riêng (separated compesition) theo GS.TS. José Maceda thì ở châu Á chỉ có ở Bắc Luzon - Philippin và ở Tây Nguyên - Việt Nam.
+ Một biên chế dàn nhạc (ensemble composition) bao gồm một bộ phận cồng núm đảm nhiệm bè trầm và một bộ phận chiêng bằng đảm nhiệm giai điệu cũng thể hiện tư duy cấu trúc và kết hợp âm sắc âm nhạc (thinking on structure and combination of musical timbres) riêng của người Tây Nguyên.
+ Tài năng âm nhạc của người Tây Nguyên còn thể hiện ở khả năng chỉnh sửa chiêng mua từ nơi khác về cho phù hợp với hàng âm tộc người (ethnic musical scales), ở các kỹ xảo chọn cách kích âm bằng nắm đấm, bằng dùi bọc vải, dùi trần mềm và dùi gỗ cứng, đặc biệt là ở các cách ngắt âm (sound damping) bằng lòng bàn tay, ngón tay, bắp vế ở những điểm khác nhau của cái chiêng như núm, mặt trong, rìa chiêng.
+ Cũng phải nói đến hệ thống các bài bản (gong musical pieces) mà mỗi tộc người sáng tác ra cho dàn cồng chiêng phục vụ từng hoạt động văn hóa, nghi lễ. Nó tạo nên một kho vốn bài bản (musical pieces) rất phong phú phản ánh nhiều mặt tư tưởng, tình cảm của con người.
+ Cuối cùng, nghệ nhân Tây Nguyên yêu thích việc đánh chiêng trong hành tiến xoay quanh một trung tâm biểu tượng thiêng, một vận động còn lưu lại từ thời xa xưa trong lịch sử nhân loại. Trong lúc đó, diễn tấu sau những giá hình vòng cung có úp các cồng nồi là phương thức hay gặp ở người Thái Lan, Lào, Myanma, còn lối xếp cồng thành hàng trên giá là của người Philippin, Inđônêxia và Kalimantan.
LÊ XUÂN HOAN. Ching trum và vai trò của nó trong dàn cồng chiêng Jrai / Lê Xuân Hoan // Sách Sắc màu văn hóa dân gian Gia Lai. Tập 2. - Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng, 2017. - Tr. 25-37
Căn cứ vào các chứng cứ lịch sử và kết quả nghiên cứu thực địa trong vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều thống nhất khẳng định: cồng chiêng Tây Nguyên không phải do các cư dân bản địa ở đây sản xuất mà là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên với các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á (kể cả Trung Quốc) trong quá trình phát triển của lịch sử.
Như vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, Jrai nói riêng không phải là chủ thể đã sản xuất ra cồng chiêng, nhưng cho đến nay, không ở đâu cồng chiêng lại có số lượng nhiều và được sử dụng rộng rãi như ở Tây Nguyên.
Riêng ở tỉnh Gia Lai, theo số liệu điều tra mới nhất của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, năm 2008, toàn tỉnh Gia Lai, có: 5.655 bộ cồng chiêng các loại. Trong đó, người Bahnar có: 2.282 bộ và người Jrai có: 3.373 bộ.
Để phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ âm nhạc của mỗi dân tộc, chắc chắn cồng chiêng đã được nhiều thế hệ nghệ nhân các dân tộc Tây Nguyên cải tiến nhiều lần trong lịch sử. Nhưng, ai là người đầu tiên mua cồng chiêng và mua từ lúc nào, ở đâu, từ người Kinh, người Lào hay người Campuchia? Ai là người Tây Nguyên đầu tiên “cải tiến” cồng chiêng?... Những câu hỏi ấy, đến nay vẫn chưa có lời giải đáp!
Người viết bài này không có tham vọng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, mà chỉ xin mạo muội giới thiệu vài nét về bộ Ching Trum và vai trò của nó trong dàn cồng chiêng của người Jrai.
1. Cồng chiêng là gì?
Câu hỏi tưởng chừng như ngớ ngẩn, nhưng lại không phải là điều đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.
Cần nói ngay rằng, cồng chiêng là một thuật ngữ được dùng ph biến trên sách báo và các phương tiện thông tin truyền thông cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Tuy vậy, mỗi dân tộc, mỗi vùng dân tộc cồng chiêng được người ta gọi bằng nhiều danh từ khác nhau.
Theo ông Rơ Chăm Yơn (Y Yơn): “Cái mà ta gọi là cồng chiêng thì người Jrai và người Êđê, Hrê gọi là CHINH, dân tộc Bana gọi là CHINH CHIÊNG, dân tộc Sê Đăng gọi là GOONG CHIENG”... Còn tác giả Rơ Mah Del, lại viết: “Người Jrai ở huyện Ayunpa, Krôngpa, Pleiku gọi cồng chiêng là CHINH và nếu tròn một bộ cũng gọi là CHINH. Còn người Jrai ở huyện Chưprông, Chưpah và một số nơi khác thì gọi khác hẳn. Bộ cồng gồm 3 cái hoặc 6 cái (Ania, mung, mong) dùng để đệm gọi CHIÊNG. Loại này có núm. Còn loại bằng không có núm gồm 7 - 9 cái (có 3 cái là nốt chủ chốt: DÔT, PƠYƠNG, DUÔI) dùng để thực hiện giai điệu.
Đề cập vấn đề này - vấn đề tên gọi - tác giả Rơ Chăm Yơn, viết tiếp: “Một tiêu chuẩn quan trọng nữa để đặt tên bộ chiêng là căn cứ vào chức năng âm nhạc của nó. Đó là trường hợp bộ chiêng Mnhum, trong bộ này người ta chia làm hai bộ nhỏ, một gồm các chiêng có núm, làm chức năng đi đệm gọi là chiêng KĐọ. Một bộ khác gồm các chiêng không có núm (tức chiêng bằng) làm chức năng đi giai điệu, gọi là Knah Khoc. Như vậy, công chiêng được người Jrai Chor, Jrai MThud và Jrai H'Drung (Pleiku) gọi là CHING, còn người Jrai Arap, Jrai TBuăn gọi là CHING CHÊNG.
Trong dân gian, cồng chiêng được đồng bào phân ra nhiều loại: có lúc họ căn cứ vào nhiệm vụ xã hội của bộ chiêng, có lúc họ lại căn cứ vào hình thức của từng bộ chiêng, có người lại căn cứ vào nguồn gốc của các bộ chiêng để phân loại..., nên có các loại: Ching Trum, Ching Mơnhum, Ching Arap hoặc Ching Yuăn, Ching Lào, Ching Kur, v.v...
Xét về chức năng xã hội và chức năng âm nhạc của các bộ cồng chiêng Jrai, chúng tôi thấy, có hai loại biên chế khác nhau khá phổ biến hiện nay: Loại có núm và loại không có núm (chiêng bằng). Loại có núm là CỒNG; loại không có núm CHIÊNG. Thực ra, đây cũng chỉ là “quy ước” hoàn toàn mang tính tương đối, bởi, trong thực tế, tùy thuộc vào văn cảnh mà người ta có thể nói/đọc/viết CỒNG hoặc CHIÊNG. Ví dụ, khi nghệ nhân chỉnh âm thanh cho cồng chiêng thì người Jrai gọi là tul ching, còn người Bahnar gọi là chik chêng (chỉnh chiêng, “lên giây” chiêng); hoặc cũng có lúc người ta viết nhạc chiêng đám ma, chiêng đâm trâu, chiêng bỏ mả, chiêng Mường, cồng Mường, chiêng Lào, chiêng cải tiến, chiêng Miến Điện, v.v...
2. Ching Trum: là tên gọi theo tiếng Jrai để chỉ một loại nhạc cụ được đúc bằng đồng thuộc họ nhạc cụ tự thân vang, chi gõ (có thể được gõ bằng dùi hoặc bằng phần mềm của bàn tay phải) mà người Việt (Kinh) gọi là cồng chiêng, thuật ngữ Âm nhạc gọi là gong. Ching Trum là loại cồng chiêng cổ xưa nhất, gồm 3 chiếc cồng có núm và 1 hoặc 2 chiếc trống - Hơgơ Pah. Ching TRUM, có nơi người ta gọi là Ching Kđọ (vùng Ayunpa), người Jrai vùng Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh gọi là CHÊNG, người Xơ - Đăng gọi là Chiêng Acheo, người Bahnar gọi là Chêng So. 3 chiếc cồng có núm của bộ Ching Trum thể hiện 3 âm: Ania - Mung - Mong hoặc Na - Môông - Mong (Rê - La - Rế; Đô - Son - Đố; Mi - Si - Mí).
Việc đặt tên cho mỗi chiếc cồng trong bộ Ching Trum ở mỗi làng tuy khác nhau nhưng cấu tạo hàng âm thì hoàn toàn giống nhau, kể cả Chêng So của người Bahnar cũng như Chêng Acheo của người Xơ - Đăng.
Điều lý thú là, kiểu biên chế này rất phổ biến trong các dàn cồng chiêng của các dân tộc thiểu số sống ở vùng Bắc Tây Nguyên. Tất nhiên việc xác định âm chuẩn cho bộ Ching Trum nói riêng, các bộ cồng chiêng nói chung hoàn toàn mang tính tương đối. Bởi, trong thực tế, do đường kính của các bộ cồng chiêng khác nhau, nên cao độ của chúng cũng khác nhau. Điều đặc biệt mà lâu nay chưa thấy ai đề cập tới là, ở Tây Nguyên có rất nhiều cồng chiêng nhưng không có bộ nào giống bộ nào về mặt kích thước cũng như số lượng. Điều đó chứng tỏ, cồng chiêng là một loại nhạc cụ được sản xuất từ nhiều nơi khác nhau và được đúc bằng nhiều “khuôn” khác nhau, về nguyên tắc, cồng càng lớn âm càng trầm, cồng càng bé âm càng cao. Người Jrai và người Bahnar đều có bài ca nói về âm thanh của loại cồng chiêng này. Chẳng hạn, trong bài Hoa trang hét- dân ca Jrai, có câu: Ngần nga như tiếng ching Dai; còn người Bahnar có bài: Chêng Dur tôn vang/Chêng chrang tôn đar (tạm dịch: Chiêng trầm vòng to/ Chiêng cao vòng nhỏ)... Ching Dai của người Jrai và Chêng Dur của người Banhar cũng là một trong những loại chiêng cổ, biên chế gồm 2 loại: loại có núm và loại không có núm, trong đó, loại có núm có nguồn gốc từ bộ Ching Trum hoặc Chêng So và vẫn giữ vai trò “tổ đệm” với âm nền trì tục (Basse Ossintanata).
Qua nhiều năm điền dã trong các buôn làng các dân tộc Bắc Tây Nguyên, chúng tôi thấy, đồng bào Jrai Mthur ở huyện Krông Pa và đồng bào Jrai Chor vùng Ayun Pa, Ia Pa và người Bahnar ở tỉnh Gia Lai cũng như đồng bào Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum hiện vẫn đang còn sử dụng bộ Ching Trum với tính chất nguyên sơ của nó. Tuy nhiên do đặc điểm tâm lí, thẩm mĩ, phong tục tập quán của mỗi tộc người khác nhau, nên tính chất âm nhạc cũng khác nhau. Sự khác nhau ấy, chủ yếu thông qua âm điệu đặc trưng của mỗi dân tộc và hình thức trình diễn...
Người Jrai Mthur ở huyện Krông Pa và người Jrai Chor ở huyện Ayun Pa và Ia Pa sử dụng bộ Ching Trum trong lễ dựng cột đâm trâu. Tuy được biên chế 3 chiếc cồng có núm, nhưng thực chất Ching Trum chỉ có/cho 2 âm như vừa nêu trên. 
Đặc biệt, trong những ngày tổ chức lễ hội đâm trâu, chúng tôi thấy người Jrai Mthur ở xã Đắc Bằng huyện Krông Pa, họ thường tổ chức múa trống rất nhộn nhịp, trong đó điệu múa T'Mlia là điệu múa không thể thiếu. Khi diễn tấu, ba chiếc cồng thể hiện theo một âm điệu - tiết tấu cố định, còn hai chiếc trống thì diễn tấu kiểu tùy hứng (Fantaisie), nhưng vẫn phải bảo đảm tính nhịp điệu (Rythme)của nó. Và, theo ông Kpă Ngun, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pa cho biết: “Trước đây, mỗi khi dân làng làm lễ ăn trâu (Trum kơbao) bao giờ mọi người cũng được nghe cồng chiêng và trống (Hơgơ). Đặc biệt, trước lúc đâm trâu, đồng bào thường thổi Kypă (một loại kèn làm bằng sừng trâu). Nghe tiếng Kypă có con trâu đã chảy nước mắt!”.
 Nghiên cứu cồng chiêng các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên, chúng tôi thấy, người Bahnar ở các huyện Kông Ch'ro, An Khê, K'Bang, Đăk Pơ hiện vẫn còn sử dụng bộ Chêng So (Chiêng cổ) trong Đám cưới (Et ong mai) và trong lễ cúng sân (Sơmah kơcham) với tư cách là một bộ cồng/chiêng độc lập. Những chiếc cồng mà người Jrai gọi là: Ania - Mung - Mong hoặc Na - Môông - Mong thì người Bahnar gọi là: Yong - Mong - Pơpết hoặc Gluo - Cheâcheâ - Pơpeàt, có nơi lại gọi là: Dơhu - Chichi - Pêtnơng. Như vậy, tên gọi của 3 chiếc cồng có núm này không thống nhất cho cả tộc người và nhóm tộc người Jrai cũng như Bahnar. Dù được gọi bằng những danh từ khác nhau nhưng cấu trúc của hàng âm thanh của Ching Trum và Chêng So, về cơ bản là giống nhau.
3. Vai trò của Ching Trum trong dàn cồng chiêng Jrai
Nghiên cứu vai trò của Ching Trum trong các dàn cồng chiêng Jrai, chúng tôi thấy: “Trong sử liệu của Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX đã bắt đầu có những ghi chép khá chi tiết về vùng đất vua Lửa và vua Nước (Hỏa Xá và Thủy Xá) ở vùng đất bằng phẳng hiện nay của người Giarai (...). Theo sử liệu cổ của Việt Nam (Đại Nam thực lục tiền biên và chính sử của Quốc sử quán thế kỷ XIX).
Về nhạc khí, dùng chiêng đồng lớn nhỏ năm cái, thanh la một cái, trống một cái, đám hỷ đám hiếu đều dùng nhạc khí ấy”.
Rất tiếc, các tác giả trong “Đại Nam thực lục” không mô tả cụ thể năm cái chiêng đồng ghi trên, nhưng ít nhiều ta cũng hiểu được lúc bấy giờ (thế kỷ XIX) cồng chiêng Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung chỉ có một loại, đó là loại năm chiếc. Tuy sách không ghi rõ năm chiếc chiêng đồng lớn nhỏ ấy là loại có núm hay không có núm, nhưng về logic, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, đó là loại có núm và nó chính là bộ Ching Trum được tăng cường/bổ sung thêm 2 chiếc chiêng núm nữa. Như vậy, rõ ràng Ching Trum là một bộ chiêng cổ đã được người Jrai sử dụng từ lâu, đến nay nó vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Jrai. Điều lý thú là các danh từ Ania- Mung - Mong (Na - Mông - Mung ) của bộ Ching Trum cũng được người Jrai đặt tên cho những chiếc ống nứa/lồ ô trong nhạc cụ Teh Đing. Thực tế hiện nay, người Bahnar Roh ở xã Glar, huyện Đak Đoa vẫn đang sử dụng dàn Ching Đing/ Ching Kram (Chiêng Ống/Chiêng tre) trong đời sống tinh thần của họ. Loại chiêng này có từ có từ 9 đến 11, thậm chí 12, 13 ống nứa, hoặc lồ ô. Cấu tạo hàng âm của nó chẳng khác gì dàn cồng chiêng Arap. (Chúng tôi sẽ giới thiệu Ching Đing ở một bài viết khác).
Người Jrai ở Gia Lai, như trên vừa nói, Ching Trum hiện chỉ có nhóm Jrai Mthur và nhóm Jrai Chor ở các huyện Đông Nam của tỉnh sử dụng mang tính độc lập, các huyện còn lại chủ yếu dùng Ching Aráp. Nói như vậy không có nghĩa là người Jrai ở các huyện Đông Nam của tỉnh Gia Lai chỉ dùng một loại cồng chiêng - Ching Trum. Ching Arap là loại phổ biến nhất hiện nay trong vùng đồng bào các dân tộc Jrai và Bahnar. Loại này gồm 5 đến 8 chiếc cồng có núm và từ 6 đến 9 chiếc chiêng bằng cộng với một chiếc trống vừa, một chũm chọe (rang rai). Đáng chú ý của dàn cồng chiêng này là, bộ cồng ba chiếc, tức Ching Trum, được tăng thêm hai chiếc nữa, có nơi như vùng Chư Prông, đồng bào tăng thêm 4 chiếc, thậm chí có lúc tăng lên đến 9 chiếc nhưng cao độ của các nốt cũng chỉ có hai hoặc ba âm cách nhau một quãng năm và một quãng bốn đúng và một quãng 2. Đó là các nốt: Đô - Sol - Đố - Sol - Đố - Rế hoặc Rề - La - Rế - La- Rê - Mi.
Nhìn vào hàng âm trên ta thấy, các âm Đô - Solcách nhau một quãng 5 Đ; Sol - Đố cách nhau một quãng 4 Đ; Đố - Rế cách nhau một quãng 2 T. Thực chất hàng âm trên ch có 3 âm: Đồ - Sol - Rế; đây là một dạng thể hiện của luật “ngũ độ tương sinh” hay còn gọi là vòng tuần hoàn quãng 5, tức các bậc âm lần lượt theo quãng 5 từ thấp lên cao mà Pythagore (582-493 trước CN) đã phát hiện ra từ thời cổ đại.
Như nhiều người đã biết, bộ cồng có núm luôn luôn giữ vai trò thể hiện bè/tổ đệm cùng với trống và rang rai giữ nhịp. Còn những chiếc chiêng không có núm giữ vai trò thể hiện giai điệu. Theo chúng tôi, cao hơn thế, hầu hết bài bản cồng chiêng của người Jrai hiện đang sử dụng, bộ Ching Trum còn đóng vai trò xác định tính chất điệu tính của cả bài chiêng, nếu thiếu sự tham gia của Ching Trum thì không còn linh hồn của bản nhạc. 
Đối với người Jrai, điều đó cũng không quan trọng lắm, bởi trong tâm thức của họ cũng như người Bahnar và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên không có khái niệm điệu tính hay thang âm, điệu thức, nhưng linh hồn (mngăt - pomgol, ai) thì vô cùng quan trọng. Linh hồn của bài chiêng được thể hiện thông qua nhịp điệu trì tục và âm thanh trầm hùng của những chiếc chiêng có núm. Do đó, Ching Trum (Ania - Mung - Mong tức Na - Môông - Mong) là linh hồn của hầu hết các bộ cồng chiêng Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Đánh giá vai trò của những chiếc chiêng có núm/ cồng, trong đó có bộ Ching Trum/ Chêng So trong các dàn cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, trong bài chiêng grong kapô (Đâm trâu) của người Bahnar nói riêng, chúng tôi cũng đã viết: “Như chúng ta đã biết, cồng chiêng Bahnar và Jrai là loại nhạc cụ đa âm chứ không phải nhạc cụ đơn âm như cây sáo alal/t’lia. Cái hay tức là cái hồn, cái vía của bài chiêng không chỉ dừng lại ở giai điệu đơn thuần. Hoặc nói cách khác, giai điệu bài grong kapô không mang tính độc lập như giai điệu của một bài dân ca, mà nó là sự kết hợp một cách hài hòa giữa giai điệu và phần đệm. Ở đây giai điệu chỉ là một câu nhạc ngắn, gồm có 3 âm như sau: Fa thăng - Son - La (thang 3 âm). Chỉ có một câu nhạc ngắn được tạo bởi hai tiết nhạc, nằm trong khuôn khổ của 2 nhịp 4/4, hoặc 2/4 (...) nhưng nó được thể hiện tổng hợp các thủ pháp nghệ thuật, như: đảo nốt, chuyển dịch độ cao theo hình thức “lợp ngói”, hỏi đáp... tạo cho giai điệu một nét độc đáo. Hơn thế nữa, giai điệu lại được hòa vang trong một phức thể âm thanh đồ sộ của những chiếc cồng có núm và tiếng bì bạch của chiếc trống (sơgơ), tiếng rong reng của chiếc vòng lục lạc (greng neng), tiếng lách cách của những chiếc chũm chọe (rang vai) và cả những tiếng hò reo phấn chấn của những dự lễ. Trong âm nhạc, nhiều người thường nói giai điệu là linh hồn của tác phẩm. Điều đó hoàn toàn chính xác đối với âm nhạc kinh điển  và loại âm nhạc một bè, còn trong âm nhạc cồng chiêng nói chung và chiêng đâm trâu nói riêngthì hoàn toàn không chính xác (...).Bởi như trên đã trình bày, âm nhạc cồng chiêng chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được vang lên đầy đủ biên chế của nó (bè đệm và bè giai điệu).
 Như vậy, Ching Trum không chỉ diễn tấu độc lập trong lễ dựng cột trâm trâu của người Jrai ở các huyện Đông Nam của tỉnh Gia Lai mà còn thể hiện bè/tổ đệm, “giữ nhịp”, vai trò xác định tính chất điệu tính của cả bài chiêng và là linh hồn của các loại cồng chiêng của người Jrai ở Gia Lai, để mỗi lần được nghe cồng chiêng vang lên ở đâu đó, ta lại có cảm giác nhưđang lạc vào một không gian huyền thoại của mùa lễ hội Tây Nguyên.
ĐÀO NAM SƠN. Chiêng núm, chiêng bằng trong không gian văn hóa cồng chiêng / Đào Nam Sơn, Kpă Tweo // Tạp chí Văn hóa quân sự. - 2013. - Tháng 9. - Tr. 42-43
              “Tiếng chiêng đã ngấm vào máu thịt người Tây Nguyên từ khi chào đời. Người nọ truyền cho người kia, cha truyền con nối. Người ta có cảm nhận đã là một người đàn ông Tây Nguyên thì ai cũng đánh được chiêng”.
             Không phải ngẫu nhiên mà không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Khoa học Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cũng không phải ngẫu nhiên mà không gian cồng chiêng trở thành niềm tự hào chung của bao thế hệ người Việt Nam. Tôi còn nhớ mấy câu thơ như lửa bốc, như thác gầm của Thu Bồn trong Bài ca chim Chơ rao, vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước:
                Tiếng chinh chiêng đảo trời ngây ngất
                Mỗi  tiếng chiêng lóe lửa trời
                Ơi ới tiếng người tiếng cồng gào thét
                Những hòn đá nhọn nắng lên hơi
              Đành rằng Thu Bồn là nhà thơ tài năng, nhưng không có Tây Nguyên thì không thể có được những câu thơ như thế. Tôi hiểu, một chiếc chiêng không làm nên văn hóa. Làm nên văn hóa là con người và cả vùng đất: Con người thì hiền hòa, chất Đăm San thấm đẫm trong từng lời ăn, tiếng nói, dáng đi và việc làm. Vùng đất thì núi cao ấp mây trời. Rừng ngút ngàn xanh. Đất chọn riêng cho mình một màu không thể trộn lẫn. Đó là màu đỏ bazan - màu của những biển nham thạch nấu nung nghìn độ lửa, trong lòng đất, phun trào ra những hỏa diệm sơn, để lại một núi Hàm Rồng - bức bình phong vĩ đại che chở cho thành phố núi Pleiku xinh đẹp. Và tôi cũng không hiểu, không có cồng chiêng thì hồn văn hóa Tây Nguyên cũng như một người đầy sinh lực nhưng lại đang ngủ vùi. Tiếng rộn rã của cồng chiêng đã thức tỉnh, đã đưa con người ấy vào đêm xoang. Và đêm xoang Tây Nguyên bắt đầu..., rộn ràng, ngây ngất và bất tận... Suy cho cùng, cái gốc của mọi nền văn hóa, cuối cùng vẫn là con người. Không có con người, cồng chiêng cũng chỉ là một khối đông lạnh ngắt. Phải nói rằng, cả Tây Nguyên - trời đất và con người - cùng cuộc sống nơi đây đã tạo nên không gian văn hóa cồng chiêng, thì cồng chiêng chỉ là một điểm nhấn mà thôi.
             Trước hết nói về tên gọi. Người Tây Nguyên quen gọi chiêng có núm là mồng mà ta quen gọi là cồng, chiêng có mặt phẳng như mặt trống gọi là chiêng. Cái để phân biệt cồng và chiêng chính là cái núm căng tròn nằm chính giữa mặt chiêng.
             Cồng chiêng gắn bó máu thịt với người Tây Nguyên, là niềm tự hào bất tận của người Tây Nguyên. Nhưng một điều mà tôi vô cùng kinh ngạc là nơi sinh ra cồng chiêng không phải là vùng đất ba zan nổi tiếng này. Người Tây Nguyên kể rằng: Chiêng từ nhiều miền quê đã băng đèo Mang Yang, đèo An Khê, đèo Tô-na đến với Tây Nguyên. Cũng như người Tây Nguyên đấy thôi. Họ đến từ nhiều miền, mang theo nhiều tiếng nói, mang theo nhiều tập quán và phong tục. Trong hành trang tinh thần của họ, có biểu tượng cánh buồm đã cùng họ vượt sóng ra khơi. Chính biểu tượng cánh buồm đã hóa thân thành ngôi nhà có mái to bè, gần như dốc theo phương thẳng đứng, dùng khi hội họp dân làng.
             Chiêng cũng có thể đi cùng con người ngay từ buổi đầu “khai sơn phá thạch”, cũng có thể đến sau... Nhưng một điều chắc rằng chiêng đã gắn bó với người Tây Nguyên như tâm linh, máu thịt. Chiêng có nhiều loại ứng với nhiều chức năng. Chiêng A-ráp là dùng cho lễ PơThi và cho lễ nghi tiễn đưa người đã khuất về thế giới khác... Chiêng Trum dành cho lễ đâm trâu. Chiêng Mơ-nhum dành cho lễ tân gia, lễ mừng thọ và các lễ lạt trong nhà. Như trên đã nói, chiêng đến từ nhiều vùng. Để ghi nhớ, chiêng đến từ nước bạn Lào gọi là chiêng Lao. Chiêng đến từ nước bạn Campuchia gọi là chiêng Kua. Chiêng đến từ vùng người Chăm, người Kinh gọi là chiêng A-ráp... Chiêng Tây Nguyên cũng như tượng phật ở nhiều vùng trên đất nước, nếu còn ở nơi chế tác và ở nơi bán ra chẳng khác các hàng hóa có trong dân gian. Tượng được tôn thờ chỉ khi đã qua nghi lễ “hô thần nhập tượng”. Chiêng phải qua lễ Pơ-thau-Yang (lễ khai báo với Yang) để được Yang công nhận. Mà chiêng có được Yang công nhận thì mới có cuộc sống tinh thần.
             Như trên đã nói, về hình dáng bên ngoài chiêng có chiêng núm và chiêng bằng. Chiêng nào cũng hình tròn để cho âm thanh tròn vành, rõ tiếng. Chiêng núm thì giữa lòng chiêng dâng đầy như bầu sữa mẹ. Chiêng bằng dù to nhỏ khác nhau nhưng mặt chiêng đều phẳng phiu. Chiêng cổ thì đơn âm, mỗi chiêng chỉ ứng với một nốt nhạc. Ngày nay còn có loại chiêng đa âm ứng với nhiều nốt. Với loại chiêng A-ráp, muốn tấu lên bản nhạc phải có một dàn chiêng gồm: 2 chiếc chiêng núm lớn (gọi là cồng) để giữ tiếng bát, 2 hoặc 3 chiêng núm nhỏ hơn để giữ nhịp; 5 chiêng bằng lớn gọi là chiêng cái, ứng với 5 nốt trầm; 5 chiêng bằng nhỏ hơn gọi là chiêng con ứng với 5 nốt cao dùng để hòa âm. Di chuyển chiêng từ nơi này đến nơi khác phải rất nhẹ tay. Chỉ một sự va đập nhẹ cũng làm chiêng méo tiếng, lệch chuẩn.
            Chiêng làm bằng đồng nhưng không hẳn là đồng nguyên chất mà có pha thêm một vài kim loại khác. Tỷ lệ pha khác nhau sẽ tạo cho chiêng có nhiều màu sắc. Tỷ lệ đồng nhiều hơn thì chiêng ánh lên sắc vàng. Khi ánh mặt trời, ánh lửa chiếu vào, mặt chiêng lấp lóa như tự mình tỏa sáng. Mặt chiêng không nhẵn mà còn hằn nguyên nếp búa chế tác. Những nếp này dù làm thủ công nhưng rất đều nhau, tạo nên đường tròn đồng tâm. Chiêng mới nhập làng hay dùng đã lâu ngày phải chỉnh lại âm thanh cho đúng. Người chỉnh chiêng đúng là nghệ nhân tài ba. Họ dùng một chiếc búa nhỏ gõ vào nếp búa cũ sao cho tiếng chiêng khi đánh lên đúng với nốt nhạc mà nó đảm nhiệm. Cái tai của người chỉnh chiêng thật tuyệt vời, nếu kiểm tra bằng âm thoa thì mọi điều chỉnh âm thanh gần như trùng hợp.
           Người đánh chiêng phải rất chuyên nghiệp để tiếng chiêng giữ vững tiết tấu cho vũ điệu, đồng thời ăn nhập với các tiếng chiêng khác. Nhưng có điều kỳ lạ, ngay những người đánh chiêng giỏi cũng chẳng qua một lò đào tạo nào. Bởi lẽ tiếng chiêng ngấm vào máu thịt người Tây Nguyên từ khi chào đời. Người nọ truyền cho người kia, cha truyền con nối. Người ta có cảm nhận đã là một người đàn ông Tây Nguyên thì ai cũng đánh được chiêng. Gần như một quy định, người phụ nữ không được đánh chiêng, ngay cả việc sờ vào chiêng cũng là điều nên tránh. Người Tây Nguyên bảo nhau rằng, phụ nữ chạm vào chiêng thì vú sẽ dài như quả mướp. Những ngày “thấy tháng”, phụ nữ không được đi ngang qua chỗ cất giữ chiêng. Các nhạc khí khác như đàn Goong (đàn tre), đàn tơ-rưng, đàn kơ-ní, đàn đing-dek (ống thổi kết từ cây trúc)... thì không có một điều kiêng kị nào.
            Chiêng, nhất là chiêng A-ráp, khác nhạc khí hiện đại là không thể sử dụng thoải mái được. Khi có việc to tát của làng như tổ chức Pơ Thi, khi có người chết thì tiếng chiêng A-ráp mới được ngân lên. Nếu nhà nào chỉnh chiêng A-ráp thì phải báo cho làng biết để tránh sự ngộ nhận.
            Khác với nhiều nhạc khí, khi tấu lên, chiêng không ở trạng thái tĩnh. Chiêng được tấu lên trong sự di chuyển nghiêng ngã của thân người. Người đánh chiêng nhún nhảy múa, tay trái nắm vào vành chiêng, tay phải cầm dùi đánh vào tâm chiêng (với chiêng bằng), hay núm chiêng (với chiêng núm). Chiêng còn được giữ bởi một sợi dây xâu vào vành chiêng, đeo qua vai. Sợi dây này được tết từ sợi đay vừa bền đẹp lại vừa dân dã. Sự di chuyển của người đánh chiêng đã tạo người xem cảm giác như được tắm mình trong dòng suối âm thanh đang cuộn chảy.
            Người đánh chiêng được uống rượu. Khi có một chút men của núi rừng, trong tiếng chiêng như có lửa cháy rần rật. Khi trình diễn, người múa, thường là các thiếu nữ. Họ ở vòng ngoài. Người đánh chiêng toàn là nam giới, cởi trần, đóng khố, người giàu thì mặc áo truyền thống, vừa đánh chiêng vừa múa ở vòng trong. Chiêng và người như kết thành một khối. Dòng người múa, người đánh chiêng nối đuôi nhau tịnh tiến theo chiều ngược kim đồng hồ. Chúng ta còn nhớ, chiều trình diễn này cũng là chiều bay của chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn. Sự gặp gỡ của hai hiện tượng nói trên có mối dây liên hệ hay không, trong cảm quan vũ trụ của nhiều tộc người sinh tụ trên đất nước Việt Nam.
Chiêng nằm trong loại nhạc khí từ khi sinh ra đã mang tập tính cộng đồng. Rồi đến khi trình diễn, buổi nào cũng đông như hội. Khi người đánh chiêng mệt quá thì trao chiêng cho người quen biết. Người đứng xem, kể cả du khách trong nước và ngoài nước, bị lôi cuốn, hứng lên cũng chen vào múa. Thế là, chỉ qua mấy bước chân, tất cả đã hóa thành nghệ sĩ. Trong trình diễn cồng chiêng, không có quy định ai là người diễn, ai là người xem. Không gian trình diễn thật bát ngát, có cả cái nắng chói chang và cái gió lồng lộng của cao nguyên. UNESCO gọi là “không gian văn hóa cồng chiêng” thật đúng nghĩa. Và hình như nó được gợi ra từ đặc điểm này.
ĐÀO HUY QUYỀN. Cồng chiêng trong đời sống của người Ba Na, Gia Rai / Đào Huy Quyền // Sách Sắc màu văn hóa dân gian Gia Lai. Tập 2. - Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng, 2017. - Tr. 38-65
a) Đồng bào Gia Lai sử dụng bộ chiêng trum trong ngày lễ xoay cột đâm trâu. Bộ chiêng trum bao gồm 3 chiếc cồng có núm và thường được sử dụng hòa tấu với trống pah hgor. Trống pah hgor không dùng dùi để đánh như khi hòa tấu với bộ chiêng khác mà dùng tay vỗ vào mặt trống.
Ba chiếc chiêng của bộ chiêng trum có tên gọi:
- Chiếc lớn nhất là ania, có đường kính: 84cm
- Chiếc vừa là krak, có đường kính: 68cm
- Chiếc nhỏ nhất là moong, có đường kính: 63cm
Màu âm của chiêng trum trầm, âm vang, khi đánh lên ta có cảm giác những vật chung quanh đều rung chuyn. Bộ chiêng trum không có cấu tạo phần giai điệu nên chủ yếu dùng tiết tấu để gây không khí cho lễ mà thôi.
Khi đến nhà ông Siu Luynh, làng Plei Ơi, xã Chư Athai, huyện Ayun Pa chúng tôi được chứng kiến bộ chiêng vang của các đời Pơ Tau Pui (vua lửa) cũng có biên chế 3 chiếc cồng có núm và được sử dụng kèm với 1 trống cái (pah hgor)
Khi đến xã Kon Tầng (Kon Dỡng - BT), huyện Mang Yang, nơi cư trú của đồng bào Ba Na, chúng tôi lại gặp bộ cồng cổ (chiêng so) cũng gồm 3 chiếc cồng có núm. Đồng bào ở đây gọi là: chiêng tơ nơi, chiêng so được dùng lễ đâm trâu tạ ơn. Ngoài biên chế 3 cồng còn có cả trống lớn đánh đệm giữ nhịp gọi là pa nâng và một cặp chũm chọe gọi là hakam.
So sánh 3 bộ: chiêng trum ở huyện Krông Pa, bộ chiêng vang của các đời Pơ Tau Tui và bộ chiêng so ở xã Kon Tầng, Mang Yang (Ba Na) chúng tôi thấy hoàn toàn giống nhau về biên chế (3 cồng có núm và 1 trống cái).
Hàng âm thanh của 3 bộ chiêng này dù thuộc cao độ nào âm của chiếc thứ nhất cách âm của chiếc thứ hai một quãng 5 đúng và âm của chiếc thứ hai cách âm của chiếc thứ ba một quãng 4 đúng (đồ - sol - đố hoặc rề-la- rế). Có khác nhau là khi diễn tấu, bộ chiêng so (Ba Na) bố trí thêm một cặp chũm chọe (ha kam) và cách đánh trống của bộ chiêng vangchiêng so là dùng dùi đánh chứ không dùng tay vỗ vào mặt trống như khi diễn tấu trống trong chiêng trum.
Sự giống nhau rất cơ bản trong cơ cấu chiêng ở các vùng, các dân tộc khác nhau này, có lẽ do nhu cầu nội tại của đồng bào. Đồng thời do sự quan hệ, giao lưu văn hóa dù rất ít nhưng cũng đã có từ ngàn xưa. Chính vì thế cho đến ngày nay nó vẫn được bảo lưu khá vững chắc, không gì có thể thay đổi hoặc mất đi.
b) Cách đánh chiêng trum
Tại buôn Tul, xã Ia Xai, huyện Krông Pa, bộ chiêng trum do 5 nghệ nhân diễn tấu (3 cồng có núm và 1 trống). Dùi đánh cồng ania rất đặc biệt: một cái dái con trâu đực được cắm thêm một đoạn gỗ để cầm. Hai chiếc khác đánh bằng dùi bọc vải.
Các nghệ nhân dùng dùi đánh vào núm của chiêng. Trong lễ cột đâm trâu, đồng bào Gia Rai đi chung quanh cột buộc trâu mà đánh, trống cái (pah hgor) đi đầu, do hai người dùng một đoạn gỗ nhỏ, dài khoảng 2m để khiêng trống (người đi sau vừa khiêng vừa dùng nắm tay đánh trống) tiếp đến là chiếc ania, nghệ nhân đeo vào vai trái, lưng hơi cúi xuống, vừa đánh vừa quay bên nọ, bên kia, vừa nhún nhảy. Sau chiếc ania đến chiếc krak (mung) và cuối cùng là chiếc moong. Hai nghệ nhân đánh hai chiếc đi sau cũng nhún nhảy theo nhịp chiêng.
Đi theo dàn chiêng là một tốp múa xoang, họ luôn luôn bám sát dàn chiêng những động tác múa cứ lặp đi lặp lại đi vòng quanh con trâu.
2. Chiêng mnhum
a) Chiêng mnhum là loại phổ biến trong đồng bào dân tộc Gia Rai. Một số dân tộc khác cũng thấy dùng chiêng này. Về biên chế, bộ chiêng mnhum có hai bộ phận chính:
- Bộ phận đánh đệm gồm 3 chiếc cồng có núm gọi chiêng kđo. Bộ phận này cũng giống như bộ phận chiêng trum. Cái trầm nhất gọi là ania, cái trung bình gọi là krak và cái nhỏ nhất có âm thanh cao là moong. Phần đệm này âm thanh cũng chia làm 3 tầng (ba bè) chiếc ania đi bè dưới gọi là bè ania, chiếc krak đảm nhiệm bè giữa gọi là bè mdu, chiếc moong đảm nhiệm bè trên gọi là pớt.
- Bộ phận đảm nhiệm đánh phần giai điệu gồm 6 chiếc chiêng bàng, trong đó 3 chiếc giữ vai trò chính và 3 chiếc phụ. Nếu tính từ chiếc lớn nhất đến chiếc nhỏ nhất đồng bào gọi như sau:
+ Knah tuk giữ nhiệm vụ bè trầm của phần giai điệu, gọi là bè knah di.
+ Knah hri giữ nhiệm vụ bè thứ hai của phần giai điệu, gọi la bè knah hliang.
+ Knah hloong, giữ nhiệm vụ bè trên của phần giai điệu gọi là bè knahknoc.
Còn lại 3 chiếc phụ của bộ phận giai điệu, thường không có tên gọi riêng cụ thể, mà chỉ gọi là chiêng đánh theo. Ba chiếc này phụ thuộc hoàn toàn vào ba chiếc chính. Có khi người ta lấy tên của bè dẫn dắt knah knoc để gọi bộ phận phụ này. Vì khi diễn tấu chúng phải đánh theo âm hình tiết tấu của chiêng knah knoc. Ngoài ra chúng còn giữ nhiệm vụ đánh hòa âm.
Ngoài hai bộ phận chính nói trên, bộ chiêng mnhum khi diễn tấu thường được biên chế thêm hai bộ phận khác:
- Một đến hai trống cái đánh giữ nhịp.
- Một đến hai chiếc chiêng bằng rất lớn gọi là chiêng sa.
Tuy trống là bộ phận phụ, nhưng thực ra ở bất cứ địa phương nào, khi đồng bào diễn tấu chiêng đều không thấy thiếu trống cái. Chúng tôi cho rằng: trống cái là yếu tố quan trọng trong cơ cấu biên chế của một dàn chiêng.
Chiêng mnhum được sử dụng rộng rãi trong các ngày lễ hội dân tộc. Đồng bào Gia Lai thường dùng bộ chiêng này đánh trong các lễ vui, như: hội mừng lúa mới, hội mừng sức khỏe, hội lễ trao vòng, hội đâm trâu v.v.
Khi sử dụng, đồng bào thường có những quy ước rất bài bản. Khi có công việc người ta đánh một hồi chiêng báo hiệu cho dân làng và sau đó giết một con heo lớn. Khi giết con heo xong người ta đánh hồi chiêng thứ hai để thầy cúng mời các thần linh về dự lễ. Khi cúng xong người ta đánh hồi chiêng thứ ba, xin phép các thần linh cho mọi người uống rượu. Lúc này chỉ có thầy cúng và các già làng được uống trước. Thực hiện xong các thủ tục ấy người ta đánh những bài chiêng vui, ăn uống, múa hát suốt đêm.
Sau này bộ chiêng mnhum được biên chế tăng lên, ví dụ: phần đệm (kđo) từ 3 chiếc đến 6 chiếc, phần giai điệu knah knoc từ 6 chiếc tăng lên 9 hoặc 11 chiếc. Những chiếc tăng thêm trong cả hai bộ phận đều phụ thuộc hoàn toàn vào những chiếc chính. Có thể âm thanh những chiếc tăng thêm cao hơn những chiếc chính một quãng 8 hoặc một quãng 5 tùy theo vùng, từng dân tộc.
b) Cách đánh chiêng mnhum
Dùi để đánh chiêng mnhum cũng được sử dụng hai loại:
- Loại có vải bọc, đánh cồng có núm
- Loại không có bọc vải, đánh chiêng bằng, đánh trốngchiêng sa.
Cách đánh chiêng mnhum cũng giống cách đánh các bộ chiêng khác: dùng dùi gõ vào núm hoặc gõ vào tâm của mặt chiêng bằng, chiêng sa.
Trống cái dùng dùi đánh vào giữa mặt trống, chứ không dùng tay đấm vào giữa mặt trống như trong bộ chiêng trum.
3. Chiêng arap
a/ Chiêng arap là loại chiêng quý và có mặt ở hầu hết các dân tộc trên cao nguyên - không những dân tộc Gia Rai sử dụng nhiều mà các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Ê Đê ... cũng đều sử dụng.
Chiêng arap được đúc bằng đồng thau, có pha gang, chì và các hợp kim khác. Những chiếc cồng có núm âm trầm, vang vọng, những chiếc chiêng bằng âm thanh lảnh lót.
Nhiều người gọi chiêng arap là “chiêng múa”. Vì mỗi khi âm thanh, giai điệu chiêng arap ngân lên, như thúc giục, lôi cuốn trai gái vào các vòng xoang.
Chiêng arap đươc sử dụng trong những công việc trọng đại, trước hết nó liên quan đến từng con người. Sau đó đến cả cộng đồng. Chiêng arap mang tính cộng đồng rất cao và đồng bào quan niệm ở nó có một giá trị hết sức thiêng liêng. Vì vậy nó được sử dụng trong lễ đâm trâu mừng chiếng thắng. Đặc biệt đối với các thành viên của cộng đồng, khi từ giã cuộc đời thực trong thế giới siêu thực, người ta sử dụng chiêng arap rất có hiệu quả âm nhạc trong các lễ này, như trong đám tang, lễ pơ thi.
Cũng như bộ chiêng mnhum, chiêng arap được chế biến gồm 2 bộ phận cơ bản: phần đệm và phần giai điệu, ngoài ra cũng có trống cái và chũm choẹ tham gia hoà tấu.
Phần đệm cơ bản cũng gồm ba chiếc cồng có núm, là ania, chiêlpot (ở vùng Chư Prông đồng bào Gia Rai ở đây gọi 3 chiếc cồng có núm này là: ania, mung moong).
Cồng ania lớn nhất có đường kính 83 cm, thường được biên chế 1 chiếc duy nhất, cồng chiêl ở các bộ chiêng arap cổ cũng chỉ có một chiếc đường kính 68 cm, sau này do nhu cầu họ đã tăng lên 3, 4 chiếc nhưng đồng âm (có thể cách nhau một quãng 8). Cồng pot cũng từ một chiếc đường kính 63 cm, sau tăng lên 3, 4 chiếc. Tuy phần đệm chỉ có 3 bè nhưng người ta đã biên chế thêm thành 7 hoặc 9 chiếc để cho nhiều người sử dụng và âm thanh dày và vang xa hơn.
Phần giai điệu có 4 chiếc chiêng bằng. Tính từ chiếc lớn nhất, có âm thanh trầm đến chiếc nhỏ nhất, có âm thanh cao, ta có:
- Dinh (dớt)                              đường kính 51 cm
- Pơ yong (knahhioh)                đường kính 49 cm
- Knah pơkhă bnua                   đường kính 43 cm
- Knah pơkhă avao                   đường kính 40 cm
Nếu phần đệm không tăng thêm mà để nguyên 3 chiếc thì phần giai điệu cũng giữ nguyên 4 chiếc như trên. Nếu do yêu cầu, khi phần đệm được tăng biên chế thì phần giai điệu cũng được tăng lên cho cân đối giữa hai bè. Sự sắp xếp, biên chế do điều kiện từng làng. Nhưng bao giờ họ cũng giữ cho 2 phần có tỷ lệ cân đối.
Ngoài ra đồng bào còn bố trí một số chiêng đánh theo (tức chiêng hnai) từ 4 đến 7 chiếc.
Sử dụng chiêng arap bao giờ cũng có một hoặc hai trống cái giữ nhịp, đi đầu. Bên cạnh đó còn có 1 hoặc 2 chũm chọe (ringrai).
Cũng như tại nhà bà Oát ngoại vi thị trấn Ayun Pa chúng tôi đo được hàng âm thanh của bộ chiêng arap như sau:
Bộ chiêng arap ở nhà bà Oát có 11 chiếc phần đệm có 3 chiếc cồng có núm và phần giai điệu có 8 chiếc chiêng bằng. Bà Oát nói, chỉ vào từng chiếc và nhạc sĩ Y Zơn đã dịch lại cho chúng tôi nghe biên chế của toàn dàn chiêng:
1 - Cồng có núm:     ania
2 - Cồng có núm:     chiêl phần đệm
3 - Cồng có núm:     pot
4 - Chiêng bằng:      dinh hay dot
5 - Chiêng bằng:      pơyong
6 - Chiêng bằng:      pnah pơkha hnuc
7 - Chiêng bằng:      pnah pơkha hyao
8 - Chiêng bằng:      hluai pơyong
9 - Chiêng bằng:      hinai pơkha hma
10 - Chiêng bằng:    hluai pơkh ayao
11 - Chiêng bằng:    hluai pơyong (chiếc này có âm thanh cách chiêng số 5 pơ yong một quãng 5)
So với bộ chiêng arap của đồng bào Ba Na huyện An Khê, Kbang, chúng tôi thấy dân tộc Ba Na bố trí có khác với Gia Rai đôi chút. Bộ phận chiêng bằng không chỉ có 4 chiếc giữ chức năng chính như đã nói ở trên mà còn có thêm một chiếc chiêng knah blao cách chiêng số 5 (pơyong) một cung. Tiếng Ba Na blao có nghĩa là trái với lẽ thường.
Như đã trình bày ở trên, chiêng arap là chiêng quý, được nhiều dân tộc Tây Nguyên sử dụng rất rộng rãi. Có thể xem arap như một loại chiêng chính của các dân tộc. Vì thế chúng tôi đi sâu giới thiệu chức năng của nó trong các cộng đồng ở đây.
Chúng tôi chọn 2 loại hội lễ tiêu biểu. Không những nó mang tính cách quy mô của hội lễ mà chủ yếu nó bắt nguồn từ quan niệm trong tâm hồn mỗi con người. Đó là lễ đâm trâu mừng chiến thng và lễ PơThi. Hai loại hội lễ này biểu hiện cho hai thái cực.
- Một là tinh thần thượng võ của đời sống thực.
- Hai là dành cho thế giới siêu nhân.
Hội đâm trâu mừng chiến thắng:
Đồng bào Gia Rai tổ chức lễ đâm trâu tại nhà rông rất công phu và tốn kém. Ngoài trâu là vật hiến sinh chính còn có gà, lợn, cơm, rượu cần, cây nêu v.v. Ở đây các yếu tố về văn học dân gian (lời khấn, cúng) âm nhạc (cồng chiêng), điêu khc (tượng, hoa văn...) được thể hiện khá sắc sảo.
Trong hội đâm trâu đồng bào thường đánh nghi thức ba bài chiêng rất cổ. Đó là:
- Juar
- Trum (Krum)
- Vang
Khi vào hội, bài chiêng Juar vang lên với nhịp điệu rất nhanh, báo hiệu ngày hội mừng chiến thắng đã đến. Ngoài ý nghĩa là sự thông báo nó còn biểu hiện khí thế hừng hực của những người chiến thắng và lòng tự hào dân tộc của cộng đồng. Kết cấu âm nhạc rất ngắn, chỉ gồm 2 nhịpquay đi quay lại nhiều lần. Từ 2 nhịp này nối sang 2 nhịp khác bng âm lấy đà (rê).
Sau bài chiêng Juar, đồng bào đánh bài chiêng Trum có kèm theo múa khiên. Tiết tấu chiêng nhanh, thúc giục, chủ yếu miêu tả cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, đầy mưu trí và dũng cảm của những con người đã giành nên chiến thắng, ca ngợi những chiến sĩ ngoan cường bất khuất, không sợ gian nguy xông lên đánh thắng kẻ thù. Và sau cùng đồng bào đánh bài Vang. Tiết tấu chậm (andante) biểu lộ nỗi thương nhớ đối với người đã mất, đã hy sinh chiến đấu không bao giờ trở lại.
Lễ pơ thi (bỏ mả)
Lễ pơ thi của đồng bào Gia Rai (Jrai-BT), Ba Na (Bahnar- BT) là ngày hội rất lớn. Họ quan niệm đây là sự kết thúc hoặc là cái mốc cuối cùng của cả một vòng đời người. Chính từ đây người đời mới thực sự quên lãng người đã mất. Trong lễ pơ thi âm nhạc cồng chiêng là những lời cầu khấn thần linh, không thể thiếu được.
Một gia đình làm lễ pơ thi cả làng đến dự, từ lúc mặt trời còn tối đen, người ta đã ơi ới gọi nhau:
- Ơơi nao be ta ! Ơ ơi nao tân be !
(Mau lên nào ! Ta đi dự lễ)
Trong đêm tối, từ tất cả các ngã đường, những ngọn đuốc bập bùng nối đuôi nhau ẩn hiện trong lùm cây như những con trăn lửa khổng lồ về hướng nghĩa địa. Họ mang theo rượu cần, cơm.... đến góp, chủ nhà làm thịt trâu, bò, mời cả làng cùng ăn.
Khi vào lễ, chủ nhà khấn, khóc, cả làng khóc theo. Trong khi đó tiếng chiêng vẫn chậm rãi, u hoài và vang vọng, lấn át cả tiếng khấn, tiếng khóc.
Nhạc chiêng trong lễpơ thi mang màu sắc nặng nề, ảm đạm, buồn bã như tiếng khóc than. Giai điệu chậm (andante), cùng với tiếng khóc thương, kể lể làm cho tiếng chiêng càng thêm thống thiết. Bài chiêng là những tổ hợp âm thanh man dại, huyền ảo tiếc thương người đã mất gọi là bài a tâu.
b) Cách đánh chiêng arap
Đồng bào Gia Rai, Ba Na đánh chiêng arap, thường mỗi người sử dụng một chiếc (mỗi người điều khiển một nốt nhạc). Cồng có núm đánh bằng dùi có bọc nhiều lớp vải ở đầu - có khi họ còn đan một chiếc rọ mây, nhét vào đó các loại lá cây và cắm vào giữa một đoạn tre hoặc gỗ để cầm - có vùng lại dùng phần mềm của bàn tay nắm lại dùng sức bật của cổ tay đấm vào chiêng, cách đánh này gọi là tuk chiêng. Đánh cồng có núm người ta đánh vào giữa núm.
Cách đánh chiêng bằng (phân giai điệu) họ dùng một đoạn gỗ mềm dài chừng 15 cm, đường kính 2 cm (tiếng Ba Na gọi là areng) và đánh vào trung tâm của chiêng. Muốn cho âm thanh ngân nga, nghệ nhân dùng tay trái xách chiêng, tay phải đánh chiêng. Muốn cho âm thanh ngắt họ dùng bàn tay hoặc dùi chiêng để hãm âm thanh lại. Nếu đánh nhanh và hãm theo nhịp đánh có thể tạo nên những khoảng lặng, nghỉ liên tục (staccato).
Người đánh chiêng thường với tư thế đứng hoặc đi (trong lễ đâm trâu, pơ thi) kết hợp với hoạt động diễn tả. Nhất là đối với người đánh cồng có núm lớn nhất. Vì quá nặng không xách tay được nên họ đeo vào vai trái, lưng hơi khom vai lắc lư, rất say sưa.
Tổ chức âm nhạc trong một dàn chiêng arap rất nghiêm ngặt, khi đánh, khi ngắt, không thể tùy tiện được. Cường độ đánh ở từng người cũng phải đều nhau, không thể người đánh mạnh, người đánh nhẹ, làm gẫy bài chiêng.
Trong dàn chiêng bao giờ cũng có một người chỉ huy. Người chỉ huy thuộc lòng cả bài và phân công từng người. Thường là người chỉ huy giữ vai trò nốt chính phần giai điệu. Có nơi chúng tôi lại thấy người chỉ huy phụ trách bè pết. Người chỉ huy lấy âm thanh của tiếng chiêng mình làm chuẩn cho cả dàn đánh theo. Đó là đặc điểm của đánh chiêng và sự độc đáo cần thiết khi đánh.
4. Chiêng so
a) Đồng dao Ba Na ở xã Kon Tầng, Mang Yang vẫn còn giữ được một bộ cồng gồm 3 chiếc, mà đây gọi là chiêng so. Bộ chiêng so này là 3 chiếc cồng có núm giống như bộ chiêng trum, chiêngvang của dân tộc Gia Rai ở Ayun Pa...
Đồng bào Ba Na thường sử dụng chiêng so trong ngày lễ đâm trâu tạ ơn (grong hơpô tơ nơi), gọi là chiêng tơ nơi.
Trong lễ đâm trâu tạ ơn, ngoài bộ chiêng so nói trên đồng bào thường dùng kết hợp với hai chiếc trống; pa nâng (trống lớn), sơgor (trống nhỏ) và một cặp chũm chọe (ha kam).
Về kích thước 3 chiếc chiêng trong bộ chiêng so mà chúng tôi đo được ở xã Kon Tầng cũng bằng kích thước hai bộ chiêng trumchiêng vang ở dân tộc Gia Rai.
Chiếc lớn nhất có đường kính 82 cm.
 Chiếc vừa có đường kính 65 cm.
 Chiếc nhỏ có đường kính 62cm
Hàng âm thanh ở chiêng so cũng được sắp xếp trước hết một quãng 5 đúng (rê- la) và một quãng 4 đúng (la - rê) như 2 bộ chiêng của dân tộc Gia Rai.
Có 2 điểm khác nhau là:
- Có thêm một trống nhỏ sơ gor do một nghệ nhân đeo trước bụng và dùng 2 tay vỗ vào 2 mặt trống.
- Có thêm một chũm chọe (ha kam) do một nghệ nhân cầm
- 2 núm đánh đập vào nhau.
b) Cách đánh chiêng so
Cách đánh chiêng so cũng như cách đánh chiêng trum, chiêng vang là dùng dùi bọc vải hoặc đan bng mây và đánh vào núm của chiêng. (Do cách sử dụng giống nhau, nên chúng tôi không trình bày kỹ phần này).
5. Chiêng avơng
Ở phần nhạc hát ta thường gặp một thể loại là hát avơng. Đây chính là các điệu hát giao duyên giữa nam và nữ, thể hiện tính chất trữ tình trong phần giai điệu và lời ca. Vì thế chiêng avơng có lẽ là bộ chiêng mà giai điệu mang nhiều tính chất ca hát.
Chiêng avơng cũng được biên chế thành 2 phần:
- Phần đệm gồm 3 cồng có núm.
- Phần giai điệu gồm 10 chiếc chiêng bằng.
Nếu đem so sánh chiêng avơng với một số bộ chiêng khác trong vùng ta thấy hàng âm của chiêng avơng có những đim khác:
- Có thêm 2 nốt misi.
Chính 2 nốt này tạo âm thanh của phần giai điệu phong phú hơn, vui hơn, thánh thót hơn: chính thế mà có tên chiêng avơng.
Chiêng avơng được sử dụng lúc đầu ở một phạm vi hẹp. Theo các nghệ nhân kể lại, biên chế này mới có cách đây mấy đời. Ở thôn Plei Đe Hân, xã Ya Ma, có một ông trùm chiêng đã nghĩ ra một cuộc thi chiêng khi làm lễ pơ thi. Từ đó biên chế này được các buôn khác sử dụng và sau này trở thành phổ biến trong vùng. Hiện nay chiêng avơng được thanh niên sử dụng, đánh trong các lễ vui, như: lễ trao vòng, lễ mừng lúa mới, v.v.
Khi đến tấu chiêng avơng bao giờ cũng có kết hợp với trống cái (pa nâng) và 1 cặp chũm chọe (ha kam).
6. Chiêng nâm
Tại xã Chư Amô, quê hương của đồng chí Ksor Krơn, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, chúng tôi gặp một bộ chiêng có biên chế 8 chiếc. Đồng bào gọi là chiêng nâm.
Bộ chiêng nâm chia làm 2 nhóm:
1/ Nhóm đệm gồm 2 cồng có núm và 1 chiếc chiêng sa
- Chiêng sa có đường kính: 86 cm (chiêng bằng)
- Cồng có núm lớn, đường kính: 65cm
- Cồng có núm nhỏ, đường kính: 62 cm
2/ Nhóm giai điệu gồm 5 chiếc chiêng bng
- Chiếc thứ nhất có đường kính: 50 cm
- Chiếc thứ hai có đường kính: 48 cm
- Chiếc thứ ba có đường kính: 42cm
- Chiếc thứ tư có đường kính: 39 cm
- Chiếc thứ năm có đường kính: 37 cm
Kết hợp với chiêng nâm là 1 chiếc trống lớn đánh giữ nhịp trong tất cả các trường hợp diễn tấu.
Nhìn vào hàng âm ta thấy cách sắp xếp hơi lạ ở phần giai điệu. Hai âm la - si được lập lại bằng cách tăng lên một quãng 8, tiếp đến được sắp xếp một quãng 3 (rế).
Như vậy, chiêng nâm dù là 8 chiếc, nhưng chúng chỉ gồm ba nốt: (la, si, rế) chủ đạo - còn các nốt khác được thành lập bằng cách tăng lên, hạ xuống một quãng 8 mà thôi.
Riêng phần đệm vẫn giữ 3 nốt giống như một số bộ phận chiêng khác, sắp xếp theo hình thức quãng 5 đúng và quãng 4 đúng (rê-la-rế).
Chiêng nâm được đồng bào sử dụng trong các lễ vui, như: lên nhà mới, nhà rông mới, lễ mừng sức khỏe, lễ thổi tai,v.v. Tuyệt đối không được dùng trong các công việc buồn như tang, ma,pơthi,
Cách đánh chiêng nâm
Mỗi người sử dụng một chiếc. Dùi đánh chiêng cũng có 2 loại: loại có bọc nhiều lớp vải ở đầu dùng để đánh chiêng có núm. Dùi gỗ mềm dùng để đánh chiêng sa và chiêng bằng giai điệu.
Vì lý do không đủ nghệ nhân để đánh chiêng nên chúng tôi không ghi được bài bản chiêng.
7. Chiêng kná ring
Ngày 20-3-1992, chúng tôi đến buôn Kết, thị trấn huyện Krông Pa, giữa buổi trưa nóng bức, chúng tôi được chứng kiến cảnh nhộn nhịp của cả buôn tập trung ở nhà ông Kso Hơ Min, dự lễ.
Trong lễ này đồng bào Gia Rai ở đây sử dụng một bộ chiêng gồm 6 chiếc, trong đó có 1 chiếc cồng có núm và 5 chiếc chiêng bằng. Chúng tôi đo được kích thước:
Cồng có núm: đường kính 72 cm, thành dây 9 cm
Chiêng bằng 1: đường kính 58 cm, thành dây 9 cm
Chiêng bằng 2: đường kính 50 cm, thành dây 8 cm
Chiêng bằng 3: đường kính 46 cm, thành dây 7,5 cm
Chiêng bằng 4: đường kính 43 cm, thành dây 7 cm
Chiêng bằng 5: đường kính 41 cm, thành dây 6,5 cm
Ông Kso Hơ Min cho chúng tôi biết: bộ chiêng kná ring chủ yếu dùng để đánh trong các lễ cúng cầu mong sức khỏe, cúng cầu các thần linh phù hộ. Nói chung bộ chiêng kná ring thể hiện cho lòng tôn kính của cộng đồng đối với các thần, như: thần đất, thần cây sung, thần sông, thần suối, thần núi, v.v... không dùng để đánh tang ma.
Điều đáng chú ý là hàng âm của chiêng kná ring khác hẳn bộ chiêng thường gặp ở các dân tộc Gia Rai và Ba Na. Ở đây bè trầm chỉ có một chiếc. Bè giai điệu gồm 5 nốt mà trong đó có 2 nốt đồng âm (sol).
Như vậy ta có những nốt mì, fa, sol, si, mí. Khi diễn tấu, bè trầm không những giữ chức năng đệm mà còn giữ vai trò hòa âm trong giai điệu, bài chiêng sẽ có lúc nghịch, lúc thuận tạo nên âm sắc không bình thường so với các bộ chiêng đã gặp.
Cách đánh chiêng kná ring
Chúng tôi thấy đồng bào Gia Rai treo chiêng lên xà nhà, (riêng cồng có núm được úp xuống sàn nhà mà đánh).
Một tay cầm ở thành chiêng để hãm âm thanh, một tay đánh chiêng bằng. Ở phần giai điệu nốt thứ ba (si) được nghệ nhân đánh giá như bè pết đánh vào tất cả các nốt móc đơn, tạo thành một bè nền, trì tục, không nghỉ, khi vào bài, bè pết (si) đi trước. 
Ở đây bè pết đi theo nhịp độ móc đơn liên tục không nghỉ từ đầu chí cuối bài. Vừa là bè trì tục nhưng cũng giữ vai trò giai điệu. Nó gần như là cái nền để các bè khác nhau làm vai trò tô điểm.
Cách đánh phải dùng tay trái bịt, mở để tăng tiếng chuông không vang như cách đánh các loại chiêng khác của đồng bào Gia Rai. Nó giống cách đánh chiêng của đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk.
Theo chúng tôi do hai địa bàn cư trú của đồng bào Gia Rai ở huyện Krông Pa và địa bàn cư trú của đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk tiếp giáp nhau nên có sự quan hệ, giao lưu văn hóa. Sự giao tiếp, học hỏi lẫn nhau, ảnh hưởng đến nhau là lẽ đương nhiên. Vì thế chúng tôi cho rng cách đánh chiêng kná ring của đồng bào Gia Rai ở vùng tiếp giáp với đồng bào Ê Đê cũng mang một vẻ riêng, khác với cách đánh của đồng bào Gia Rai ở vùng xa hơn.
8. Chiêng vang
Chiêng vang là tên gọi một bộ chiêng dùng riêng cho Pơ Tau Pui (vua lửa). Nhạc sĩ Y Zơn cho biết: Pơ Tau Pui nào thì có chiêng vang ấy.
Chúng tôi được chứng kiến hai bộ chiêng vang rất cổ   của các đời Pơ Tau Pui còn lưu giữ lại đến nay.
Một bộ tại nhà cụ Siu Panh 101 tuổi, là người cao tuổi nhất trong dòng họ, tại xã Ia Tul, huyện Ayun Pa. Một bộ tại nhà ông Siu Luynh, làng Plei Ơi, xã Chư Athai, huyện Ayun Pa. Ông Siu Luynh là người được các vua Lửa cuối cùng của các đời Pơ Tau Pui giao cho thanh gươm thần và bộ chiêng vang, khi ông qua đời.
Theo cụ Siu Panh và cụ bà (96 tuổi) kể lại, bộ chiêng mà cụ còn giữ là của các đời vua lửa ơi Át, ơi Nhót, ơi Tú, mà cụ vinh dự được giữ, cụ nói đó là vật thiêng liêng nhất của cuộc đời.
Cả hai bộ chiêng vang mang dấu ấn của các đời Pơ Tau Pui, chúng tôi thấy chúng hoàn toàn giống nhau.
Cấu tạo gồm 3 chiếc cồng có núm.
Cồng rất nhẹ. Riêng phần núm dày hơn. Thành mỏng, được đúc rất công phu. Mặt chiêng nhẵn nhụi, không có những vết búa như những loại cồng chiêng khác.
Màu chiêng giống màu da cá trê.
Kích thước của cả 2 bộ chiêng vang mà chúng tôi đo được ở cả hai địa điểm trên đều bằng nhau.
Chiếc lớn nhất có đường kính: 58 cm thành dày 8cm
Chiếc vừa có đường kính: 36 cm thành dày 6cm
Chiếc nhỏ có đường kính: 30 cm thành dày 4cm
Như đã nói ở trên bộ chiêng vang được sắp xếp hàng âm gồm một quãng 5 đúng (fa- đô) và một quãng 4 đúng (đô - fa), giống như 2 bộ chiêng sochiêng trum.
Theo ông Siu Luynh thì bộ chiêng của ông còn giữ là chiêng “ơi Tú”.
Màu âm chiêng vang trầm, âm vang. Khi đánh chiêng vang đồng bào thấy rất thiêng liêng, trời như sụp xuống, núi rừng rung chuyển. Vì không có bè giai điệu, nên chiêng vang cũng chỉ dùng tiết tấu là chính để gây không khí cho lễ hội.
Khi diễn tấu đồng bào treo chiêng lên xà nhà, độ cao vừa phải để người đánh ngồi xuống sàn nhà mà đánh. Tay trái giữ vào thành chiêng, tay phải dùng dùi có bọc vải, đánh vào núm chiêng. Ngoài việc đánh đúng bài bản, người đánh chiêng dùng tay trái để điều khiển cho tiếng chiêng ngắt (lặng) hay ngân dài.
Thường thường khi diễn tấu phục vụ cho lễ cúng, chiêng vang được sử dụng cùng với một chiếc trống rất lớn gọi là pah hgor. Cách đánh trống trong khi hòa tấu của chiêng trum, là dùng dùi gỗ mềm để đánh.
Bài chiêng Cúng thần gươm chủ yếu có 2 nốt (đô -fa) thay nhau đánh vào các nốt móc đơn, nốt fa vào phách, nốt đô vào phách đảo, tạo nên tiết tấu đều đều. Bè trầm (fa 1) đi liên tục từ đầu đến cuối câu trong âm vực quãng 8 (fa 1-fa 2). Cuối câu khi chuẩn bị quay trở lại có 1 nốt (đô 1) lấy đà.
Riêng bè trống cái đánh vào tất cả các phách, chỉ đến cuối câu đánh dồn vào các nốt móc đơn lấy đà quay trở lại từ đầu.
Bè trầm không những giữ vai trò trì tục mà còn giữ vai trò hoà âm. Ở nốt móc đơn đầu phách là phần đệm cách nhau một quãng 8 (fa 1-fa 2). Ở nốt móc đơn thứ hai trong nhịp bè trầm giữ vai trò hoà âm,đi theo âm hình tiết tấu quãng 5 (fa-đô 1). Như vậy tạo sắc thái cho bản nhạc theo kiểu hoà âm đều đều (đồng âm sang quãng 5 và trở lại như cũ).
9. Ha kam
Ha kam là loại nhạc khí giống như cặp chũm choẹ ở đồng bằng. Đồng bào Ba Na, Gia Rai còn có tên gọi là rang rai. Hiện nay dân tộc Gia Rai, Ba Na và các dân tộc khác trên Tây Nguyên đều sử dụng nhạc khí này.
a/ Cấu tạo.
Ha kam được đúc bằng đồng và có nhiều loại to nhỏ khác nhau. Loại lớn có đường kính 40 cm, loại nhỏ có đường kính 10 cm. Ha kam có cấu tạo giống như cái vung, có phần núm để cầm. Trên mặt cũng có những đường tròn khác nổi. Ở giữa lồi lên như hình núm vú. Phần này vừa có tác dụng sinh âm vừa để cầm khi sử dụng.
b/ Màu âm.
Là loại nhạc khí không định âm. Ha kam có âm thanh sắc lạnh do hai vật kim loại đập vào nhau. Thực ra âm thanh của nó không mang yếu tố âm nhạc khi nó đánh một mình. Trước hết nó là âm thanh tự nhiên, không định âm. Nếu hòa tấu với các nhạc khí khác nó tạo sắc thái riêng trong việc giữ nhịp. Âm thanh ha kam hoàn toàn tương phản với các nhạc khí hòa tấu, như: trống, chinh chiêng, v.v. trong một bản hòa tấu, trống tuy cũng là nhạc khí không định âm, nhưng cũng thuộc loại nhạc cụ màng động - còn ha kam lại thuộc loại nhạc khí hàm âm, vì nó không phát nhạc bằng dây và bằng màng rung. Ha kam có kết cấu cứng, chắc, đủ để phát ra âm thanh riêng của nó.
c/ Cách sử dụng
Tại xã Ia Glai, huyện Chư Sê, chúng tôi gặp em Siu Phir sử dụng một cặp ha kamtrong một dàn chiêng cải tiến của đội văn nghệ xã. Chúng tôi thấy em Siu Phir đánh ha kamrất điêu luyện. Hai tay cầm vào hai núm của ha kam, đập mạnh vào nhau. Em đánh vào tất cả các phách trong bài nhạc.
Sử dụng ha kamrất dễ, chỉ cần người sử dụng có khái niệm về nhịp điệu là có thể đánh được. Khi kết hợp với chiêng nó tạo thành một bè nền, gây hiệu quả rất chắc chắn cho bè giai điệu tiến hành.
Khi đến một số địa phương khác như Krông Pa, Mang Yang, An Khê, Chư Prông.... Chúng tôi đều gặp ha kamhòa tấu với cồng chiêng. Có thể nói ha kamthường kết hợp với trống, gần như giữ một vai trò làm nền cho bài nhạc chiêng.
Có khi trong dàn nhạc chiêng được biên chế hai cặp ha kam, một chiếc lớn, một chiếc nhỏ. Cách biên chế này thường gặp trong các dàn chiêng phục vụ trong lễ đâm trâu ăn mừng chiến thắng. Mục đích chủ yếu là gia tăng nhịp điệu, làm cho cường độ âm nhạc khỏe khắn hơn, miêu tả khí thế của người chiến thắng trong nhịp đi chắc, khỏe hào hùng.
 
ĐÀO NGUYÊN. Những đặc trưng của bộ chiêng Aráp Giarai / Đào Nguyên // Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật. -1993. - Số 2 (110). - Tr. 87
              “Aráp” là tên gọi một bộ chiêng rất quýcủa người Giarai - một trong các tộc đông nhất của cư dân Tây Nguyên.
Cồng chiêng nói chung và chiêng Aráp nói riêng có nguồn gốc rất cổ. Nghiên cứu các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ... có niên đại khoảng 3 nghìn năm, chúng ta đều thấy có hình khắc các dàn chiêng. Điều đó chứng tỏ cồng chiêng đã ra đời nếu không sớm hơn thì ít ra cũng cùng thời kỳ với trống đồng.
Aráp là danh từ riêng của dân tộc Giarai dùng để chỉ một bộ chiêng “múa”, vì mỗi khi âm thanh, giai điệu chiêng Aráp nổi lên, nó như thúc giục, lôi cuốn trai gái vào các vòng múa xoang.
Chiêng Aráp được đúc bằng đồng thau, có pha gang, chì và một số hợp kim khác, có loại cồng ở phần núm có pha vàng, bạc. Bộ chiêng Aráp có khi trị giá bằng 30 con trâu. Những chiếc cồng có núm âm trầm, vang vọng. Những chiếc chiêng bằng âm thanh lảnh lót.
Chiêng Aráp được biên chế thành 2 bộ phận cơ bản: phần đệm và phần giai điệu.
1- Phần đệm gồm 3 chiếc cồng có núm, có tên gọi như sau:
- Chiếc lớn: Ania
- Chiếc vừa: Chiel
- Chiếc nhỏ: Pớt
Ở một số nơi khác người ta còn gọi 3 cồng có núm là Ania, Mung và Mong.
2- Phần đánh giai điệu gồm có 8 chiếc chiêng bằng, và chúng có tên gọi từ lớn nhất đến nhỏ nhất:
- Đinh hay Dơt
- Pơ Yong
- Pnah Pokha Hnue
- Knah Pokha AYao
- HLuai Pơ Yong
- HLuai Pơkha Hnua
- HLuai Pơkha AYao
- Hluai Pơ Yong
Chiêng Aráp được sử dụng trong những công việc trọng đại, trước hết có liên quan đến từng con người sau đó đến cả cộng đồng. Đồng bào Giarai, Bahnar quan niệm rằng nó có một giá trị hết sức thiêng liêng. Vì vậy chiêng Aráp được sử dụng trong lễ đâm trâu mừng chiến thắng. Đặc biệt, khi mỗi thành viên của cộng đồng từ biệt thế giới hiện thực sang thế giới siêu thực, người ta đều sử dụng dạng chiêng Aráp.
1) Lễ đâm trâu mừng chiến thắng:
Lễ đâm trâu được tổ chức tại nhà rông rất công phu, tốn kém. Ngoài trâu là vật hiến sinh chính còn có lợn, gà, cơm, rượu cần v.v... Ở đây có sự kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật dân gian như văn học, điêu khắc, múa, đặc biệt là âm nhạc cồng chiêng.
Trong lễ đâm trâu đồng bào dùng chiêng Aráp đánh 3 bài rất cổ: Bài Juar,  bài T’rum , bài Vang.
Khi vào hội, bài chiêng Juar vang lên với nhịp điệu rất nhanh. Ngoài ý nghĩa thông báo, bài nhạc còn biểu hiện khí thế hừng hực của người chiến thắng. Kết cấu âm nhạc ngắn, gồm 2 nhịp quay đi quay lại nhiều lần. Từ 2 nhịp này nối sang 2 nhịp khác bằng 1 âm lấy đà.
Sau bài chiêng Juar đồng bào đánh bài chiêng T’rum có kèm theo múa khiên. Tiết tấu nhanh thúc giục, miêu tả cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, đầy mưu trí, dũng cảm. Nhạc chiêng nhằm ca ngợi những con người đã không sợ gian nguy, làm nên chiến thắng.
Sau cùng, đồng bào đánh bài chiêng Vang. Tiết tấu chậm (Andante) biểu lộ nổi thương nhớ đối với những người đã hy sinh trong chiến đấu.
2) Lễ Pơthi (bỏ mả).
Lễ Pơthi của đồng bào Giarai, Bahnar là ngày hội lớn. Họ quan niệm đây là sự kết thúc hoặc là cái mốc cuối cùng của cả 1 vòng đời người. Chính từ đây người đời mới hết nghĩa vụ thờ cúng người đã mất. Trong lễ Pơthi, âm nhạc chiêng A Ráp là những lời cầu khẩn thần linh không thể thiếu.
Một gia đình làm lễ, cả làng đến dự. Từ lúc trời còn tối đen, người ta đã gọi nhau đi. Trong đêm tối từ tất cả các ngả đường, những ngọn đuốc bập bùng nối đuôi nhau ẩn hiện trong lùm cây như những con trăn lửa khổng lồ hướng về nghĩa địa. Họ mang theo rượu cần, cơm, thịt... đến góp. Chủ nhà làm thịt trâu, bò, mời cả làng cùng ăn.
Khi vào lễ, chủ nhà khấn, khóc, cả làng cùng khóc theo. Trong khi đó tiếng chiêng Aráp vẫn chậm rãi, u hoài vang lên át cả tiếng khóc, tiếng khấn.
Âm nhạc chiêng Aráp trong lễ Pơthi mang màu sắc nặng nề, ảm đạm, buồn bã như tiếng khóc than. Giai điệu chậm. Bài chiêng là tổ hợp những âm thanh man dại, huyền ảo biểu lộ lòng tiếc thương người đã khuất, gọi là bài A tâu.
Cách đánh chiêng Aráp:
Đồng bào Giarai, Bahnar đánh chiêng Aráp thường sử dụng một chiếc (1 nốt nhạc).
Cồng có núm đánh bằng dùi có bọc nhiều lớp vải ở đầu. Có vùng lại dùng phần mềm của bàn tay nắm lại, dùng sức bật của cổ tay đánh vào giữa núm chiêng. Cách đánh này gọi là “tuk” chiêng.
Khi đánh chiêng bằng (phần giai điệu). Đồng bào dùng một loại gỗ mềm, dài chừng 15 cm, đường kính 2 cm, đánh vào giữa chiêng. Người đánh có thể điều khiển cho tiếng chiêng ngân nga hay ngắt bằng cách dùng tay bịt, mở.
Tổ chức âm nhạc trong dàn chiêng Aráp rất nghiêm khắc, không thể tùy tiện được. Cường độ đánh cũng phải đều nhau, nếu không sẽ “gãy” bài chiêng.
Trong dàn chiêng bao giờ cũng có người chỉ huy. Người chỉ huy dùng tiếng chiêng của mình làm mẫu cho cả dàn đánh theo. Một dàn chiêng diễn tấu tốt là lúc vang, lúc ngắt đều theo người chỉ huy. Đó là đặc điểm không thể thiếu được của cách đánh chiêng.
Hiện nay chiêng Aráp đã dần mất dấu trong các buôn làng. Số lượng chiêng Aráp không còn nhiều. Hiện tại nó đang là món hàng đồ cổ mà nhiều người săn lùng. Chiêng Aráp là một trong những di sản văn hóa dân tộc độc đáo và vô giá rất cần được bảo tồn và nghiên cứu.
NGUYỄN PHƯỚC HIỀN. Văn hóa cồng chiêng của người bản địa Tây Nguyên / Nguyễn Phước Hiền // Tạp chí Khoa học xã hội. - 2014. - Số 7. - Tr. 59-64
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hình thành trong lịch sử đời sống của cư dân bản địa, thông qua các nghi lễ vòng đời và nghi lễ nông nghiệp. Bài viết đề cập đến một số khía cạnh của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: nguồn gốc, vai trò, cách sử dụng cồng chiêng và cồng chiêng trong sinh hoạt cộng đồng.
Tây Nguyên vốn là tên gọi vắn tắt của địa bàn kháng chiến ở vùng cao nguyên phía tây thuộc Liên khu V, một tổ chức ra đời vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Trung Bộ. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên, là địa bàn cư trú lâu đời của nhiều tộc người thiểu sổ thuộc ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo (Êđê, Giarai, Bana, M’nông, Mạ...). Tây Nguyên còn là một vùng văn hóa bảo lưu được nhiều yếu tố cổ xưa và được xem là một trong những bảo tàng lớn về lịch sử - văn hóa của nhân loại. Trong lịch sử, vùng đất này từng bị giằng xé bởi nhiều thế lực trong khu vực. Xa xưa, Vương quốc Chăm Pa gọi cư dân Tây Nguyên là Kitatas, Mlecha... Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Tây Nguyên từng được các vương triều Việt gọi là “Tân Man”, “chư hầu”, "thuộc quốc" hoặc "thuộc Man”... Dưới thời đô hộ của thực dân Pháp, Tây Nguyên được đối xử theo những chính sách riêng nhằm thi hành quy chế tự trị cho “Xứ Thượng miền Nam" (trước năm 1945), “Hoàng triều cương thổ" (từ 1949 đến năm 1954), hoặc “Cao nguyên miền Thượng” (từ năm 1954 đến năm 1975)...
Tây Nguyên ngày nay nổi tiểng với giá trị văn hóa cồng chiêng, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại (25/11/2005). Không gian cồng chiêng được UNESCO công nhận trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên hiện nay, gồm có Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tuy trải rộng như vậy, nhưng thực tế ch các tộc người bản địa thiểu số Tây Nguyên mới là chủ nhân đích thực của văn hóa cồng chiêng.
1. Giới thiệu bộ nhạc cụ cồng chiêng Tây Nguyên
 Theo kết quả khảo cổ học, hình dàn cồng chiêng 7 chiếc và những người đang biểu diễn đã từng xuất hiện trên các hoa văn trang trí ở mặt trống đồng Ngọc Lũ. Trong tục ngữ, ca dao của người Việt cũng có nhiều câu nói nhắc đến loại nhạc cụ này: “Lệnh ông không bằng cồng bà", hoặc “Muốn coi lên núi mà coi; coi Bà Triệu Tướng cưỡi voi đánh cồng”... Như vậy, cồng chiêng đã có mặt từ rất sớm trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ít nhất là từ khi có trống đồng Ngọc Lũ với niên đại cách ngày nay khoảng từ 2.300 đến 2.600 năm (khoảng từ thế kỷ VI đến thế kỷ III trước Công nguyên).
Cồng chiêng được hiểu không thống nhất và rạch ròi. Người Việt thì phân biệt “cồng” là loại có núm và “chiêng” là loại không núm và cồng chiêng được biết đến với các tên gọilà: lệnh, thanh la, mã la, đồng la, phèng la,... nhưng chúng không được sử dụng thành dàn, thành bộ. Người Mường thì gọi chung nhóm nhạc cụ này là cồng chiêng. Hầu hết các dân tộc Tây Nguyên đều gọi cồng là goong hoặc coong, chiêng gọi là chêng. Goong hoặc coong là cồng có núm. Một dàn cồng chiêng thường có từ 3 đến 11 cái, trong đó có 3 cái cồng có núm, còn lại là cồng không núm. Trường hợp ngoại lệ, có bộ cồng chiêng tuy gọi là “bộ" nhưng chỉ có 2 chiêng bằng (không có núm) như chiêng tha của dân tộc Brâu (làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum). Hoặc có bộ cồng chiêng chỉ có 4 cái toàn là chiêng bằng của dân tộc Xơ Đăng (chêng steang). Hoặc bộ cồng chiêng gồm 13 cái đều có núm gọi là chiêng coóc của dân tộc Giarai. Cồng chiêng thường được đúc bằng đồng. Có những loại cồng chiêng quý được đúc bằng gang, chì, đồng, có loại phần núm của cồng chiêng được pha cả vàng và bạc. Tùy thuộc vào liều lượng pha chế của hp kim đồng mà cồng chiêng khi mới sản xuất có màu đồng vàng, đồng đỏ hoặc nâu đen. Cồng chiêng được chế tác hoàn toàn theo phương pháp thủ công, tùy thuộc vào bí quyết của nghệ nhân chế tác trong cách pha trộn các kim loại để có được những bộ cồng chiêng có âm thanh đặc trưng như trầm ấm, trong trẻo hoặc ngân vang. Cồng chiêng có giá trị thường có vóc dáng đẹp, bắt mắt, âm thanh trong trẻo, ở Tây Nguyên xưa, cồng chiêng là biểu tượng của uy tín, quyền lực, là vật quý dùng để trao đổi, buôn bán, tích lũy. Do vậy, gia đình nào có cồng chiêng thì thường là gia đình khá giả, có uy tín và uy thế với cộng đồng.
Theo Ngô Đức Thịnh, “các tộc người Tây Nguyên phải mua cồng chiêng của người Kinh, người Lào và người Khơme". Tô Vũ, căn cứ vào cội nguồn, vết tích hiện vật, lối đánh, không gian, thời gian hiện hữu cũng như mục đích sử dụng thì khẳng định “căn nguyên”, “cội rễ” của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bắt nguồn từ cái nôi của cồng chiêng Đông Nam Á. Mặc dù Nguyễn Khắc Sử cho biết: “đã tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Lung Leng (tỉnh Kon Tum), cũng như ở các di chỉ khảo cổ khác tại Tây Nguyên nhiều hiện vật đồ đồng, đồ sắt, nhất là khuôn đúc rìu đồng”, và nhận định: “cư dân cổ xưa ở Tây Nguyên đã từng có một kỹ nghệ đúc đồng, một nền văn hóa thời kim khí”, nhưng chưa có chứng cớ xác định các tộc người Tây Nguyên là một trong những chủ nhân sáng tạo ra cồng chiêng từ xa xưa.
Tuy nhiên, dù cồng chiêng do ai sản xuất đi nữa nhưng khi đến với các tộc người bản địa Tây Nguyên thì việc sử dụng đều được “truyền dạy” lại theo "tiếng nói" đặc trưng bản địa Tây Nguyên. Chính yếu tố đó giúp cho người Tây Nguyên bảo tồn nhiều hơn cả những giá trị vật chất và tinh thần của cồng chiêng và sáng tạo ra một nền văn hóa cồng chiêng đặc sắc Tây Nguyên.
2. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
2.1. Vai trò của cồng chiêng và cách thức sử dụng
Người Tây Nguyên đã biết tận dụng âm thanh vang xa của cồng chiêng và biến đặc điểm âm thanh này thành những tín hiệu thông tin ứng với những ngôn ngữ qui ước trong sinh hoạt cộng đồng mình. Ngôn ngữ, qui ước của người Tây Nguyên được thể hiện qua cách đánh, bài bản và âm sắc của cồng chiêng nhằm thông tin cho nhau những sự kiện xảy ra trong buôn làng như lễ đâm trâu, đám cưới, đám tang... hoặc khi buôn làng gặp lâm nguy, thiên tai, dịch họa. Cồng chiêng Tây Nguyên thuộc nhạc cụ gõ, tự thân vang, nó được dùng theo bộ, mỗi bộ tùy theo tính chất và không gian sử dụng của từng dân tộc mà có số lượng chiêng khác nhau, khoảng từ 3 - 12 chiếc. Khi diễn xướng bộ cồng chiêng sẽ tạo thành dàn hòa tấu sôi động. Cách sử dụng cồng chiêng theo dàn nhạc này giống với người Mường ở Bắc Bộ, nhưng cách đánh và âm thanh có khác. Mỗi tộc người ở Tây Nguyên đều có hệ thống các bài nhạc cồng chiêng của mình. Cách đánh cồng chiêng cũng khác nhau. Có thể dùng nắm tay đấm vào mặt hay núm cồng chiêng hoặc dùng dùi để gõ; dùi thì có dùi bằng gỗ hoặc bằng kim loại, bọc lớp vải đầu dùi hoặc không... tùy theo loại cồng chiêng hoặc theo sở thích của từng nhóm tộc người. Việc đấm hay gõ vào chiêng tạo nên tiếng vang thì tùy từng bài hay từng phong cách của mỗi dân tộc mà có thể tạo nên hiện tượng bồi âm, sắc thái âm thanh độc đáo khác nhau của diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên.
Vì cồng chiêng gắn bó với các tộc người Tây Nguyên và là tài sản quí giá nên nó không ngừng được trau chuốt, cải tiến để âm thanh hay hơn, phù hợp với nhu cầu từng tộc người.  
Người Tây Nguyên cho rằng, cồng chiêng lúc mới làm ra hoặc lúc mới mua về có âm thanh không đúng âm luật quy định, không dùng được ngay mà phải chỉnh âm cho phù hợp với âm điệu của dân tộc mình. Người Tây Nguyên còn biết chỉnh âm, phục hồi những chiếc cồng chiêng bị hỏng, giúp cho cồng chiêng tiếp tục có giá tr sử dụng.
Trong mỗi buôn làng của người bản địa Tây Nguyên, thường có một vài người thợ chỉnh chiêng. Họ có đôi tai thẩm âm chuẩn và có thể chỉnh sửa một số loại chiêng trong buôn, làng. Người Tây Nguyên gọi người thợ chỉnh chiêng là Pô Kmal Ching, người thợ biết lên dây chiêng là Pô Tul Ching, người M'nông gọi những người thợ sửa chiêng là Pu Nuih Chưng...
Khi tiến hành chỉnh âm thanh cho bộ cồng chiêng, người Tây Nguyên thường làm một lễ cúng nhỏ. Lễ vật gồm một con gà và một ché rượu. Dụng cụ chỉnh âm gồm 3 chiếc búa lớn nhỏ, hai đầu thuôn dài, kế đến là hai mũi de (mũi đục), một con dao nạo, một khúc gỗ làm đòn kê và một hòn đá hoặc đoạn sắt làm đe. Khi lễ cúng khấn xong, người thợ sử dụng các dụng cụ đó để chỉnh cồng chiêng theo kinh nghiệm (được cho là có sự dẫn dắt của thần linh).
Việc chỉnh âm (tul chiêng) đòi hỏi người thợ phải có tai nghe chính xác và thông hiểu thang âm của từng vùng, từng dân tộc. Vì thế việc sửa, chỉnh lại âm thanh để sắp xếp chúng theo yêu cầu hàng âm mà đồng tộc yêu thích là việc làm điệu nghệ.
Chỉnh âm cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo ở Tây Nguyên. Những người thợ chỉnh âm cồng chiêng là vốn quý của buôn làng. Người chỉnh cồng chiêng được tôn vinh ngang với các nghệ nhân thiết kế nhà rông, người hát sử thi, chế tác nhạc cụ... ở Tây Nguyên.
2.2. Cồng chiêng trong sinh hoạt đời sống của cộng đồng
Trong sinh hot cộng đồng truyền thống của người bản địa Tây Nguyên, cồng chiêng chủ yếu được sử dụng trong nghi lễ vòng đời của mỗi người và trong nghi lễ nông nghiệp.
Trong nghi lễ vòng đời. Tiếng cồng chiêng theo suốt vòng đời của mỗi con người bản địa Tây Nguyên. Các bản làng còn lưu truyền các tập tục lễ như cúng khi người mẹ mang thai, cúng trước khi sinh, cúng đặt tên, cúng đầy tháng, cúng đầy một mùa rẫy, cúng đầy 3 mùa rẫy, cúng đầy 7 mùa rẫy, cúng tròn 15 mùa rẫy, cúng tròn 17 mùa rẫy, cúng hồi chồng, cúng cưới chồng, cúng sức khỏe cho đôi vợ chồng trẻ, cúng cầu an của mỗi gia đình, cúng sức khỏe cho chủ nhà, cúng rước K'pan, cúng tang ma, cúng bỏ mả... Hầu hết các buổi lễ đều sử dụng đến cồng chiêng để tăng thêm tính trang trọng và linh thiêng.
Chẳng hạn, người Êđê đánh dàn chiêng Knah trong lễ tang ma. Chiêng Knah gồm có 10 chiếc chiêng bằng và chiêng núm, ngôn ngữ Êđê gọi là Cing K'nah. Mỗi chiếc chiêng tượng trưng cho vai vế của một người nào đó trong gia đình, gồm:
1. Chiêng bằng lớn: Cing char (người ông)
2. Chiêng núm lớn: Cing ana (người mẹ)
3. Chiêng núm nhỡ: M’đuh (người bố)
4. Chiêng núm nhỏ: Moong (ông cậu)
5. Chiêng bằng 1: K’nah di (chị lớn)
6. Chiêng bằng 2: H’liang (chị thứ hai)
7. Chiêng bằng 3: Khơk (con trai lớn)
8. Chiêng bằng 4: H'luê khơk (con trai thứ hai)
9. Chiêng bằng 5: H’luê H’liang (chị thứ ba)
10. Chiêng bằng 6: H’luê Khơk điết (con trai út)
* Trống H’gơr (người bà)
Lễ tang của người Êđê thường kéo dài khoảng 2 ngày 1 đêm. Khi có người chết, đồng bào báo hiệu bằng ba hồi chiêng không chặn ngắt. Bà con gần gũi, dân làng đem theo gà, heo, rượu cần đến chia buồn. Chủ nhà mổ heo, bò để mời khách. Đội chiêng ngồi trên ghế K’ban trong nhà dài để đánh.
Người Giarai đánh dàn chiêng Arap trong lễ bỏ mả (Pơthi). Chiêng Arap gồm có 16 chiếc chiêng bằng và chiêng núm: Ania, Mung, Moong, Mung Anẽh, Moong Kok, Moong Kôk nhỏ, Ania chiêng, Mung chiêng, Mung Chinh, Tơ Rơt, Đut, Lnal, Yok Tơ Rơt, Yok Đut, Teng neng, Chinh Hlinh, Groaih. Lễ bỏ mả thường kéo dài 1 đêm 2 ngày. Ngày thứ nhất, người ta làm vệ sinh, trang trí mới khu nhà m. Thầy cúng làm lễ trước bàn thờ nhà mả người nhà thương khóc linh hồn người đã khuất, nói lời từ biệt linh hồn và mong linh hồn đừng quay về quấy rầy con cái qua những bài chiêng chia buồn than khóc. Từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau, người ta đánh những bài chiêng có tiết tấu rộn rã cuốn hút mọi người vào vòng Xoang sôi động và vui vẻ. Khoảng 2 giờ 30 sáng đội chiêng dừng, đội múa cũng nghỉ. Đây là lúc dùng cho thanh niên, thanh nữ tìm hiểu, tâm sự với nhau cho đến sáng. Khoảng 5 giờ sáng ngày thứ hai, chủ nhà dắt bò từ nhà đến khu nhà mả, cũng là lúc họ hàng gần gũi, dân làng mang heo, gà, rượu cần đến. Người ta mổ bò, mổ heo... chia thịt cho người khâm liệm, đội chiêng và chủ nhà. Phần còn lại thì nấu nướng, ăn uống tại chỗ. Đội chiêng tấu những bài chiêng vui nhộn, dân làng ăn uống, nhảy múa đến khi hết rượu, hết thịt thì lễ bỏ mả mới kết thúc.
Ứng với mỗi nghi lễ, tập tục cúng bái, người bản địa Tây Nguyên đều có những bài chiêng cụ thể do nghệ nhân trong buôn làng thể hiện. Mỗi bài chiêng sẽ là một thông tin với các vị thần linh những sự kiện trong cuộc sống, chia sẻ niềm vui hoặc nỗi buồn với chủ nhà và với cộng đồng. Điều đó thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa con người với không gian tự nhiên, không gian xã hội trong văn hóa Tây Nguyên. Đây chính là cơ sở để những sinh hoạt văn hóa cồng chiêng gắn bó mật thiết với cả cuộc đời của con người trong cộng đồng Tây Nguyên.
Trong nghi lễ nông nghiệp
 Đồng bào bản địa Tây Nguyên thường có những nghi lễ trong suốt một mùa rẫy từ tháng 3 cho đến hết tháng 12 âm lịch hàng năm nhằm cầu mong mùa màng bội thu, buôn làng bình yên và giàu đẹp. Trong thời gian này, người Tây Nguyên thường tổ chức các nghi lễ theo vòng đời cây lúa rẫy như cúng tìm đất, cúng phát rẫy, cúng đốt rẫy, cúng gieo hạt, cúng cầu mùa, cúng thần gió, cúng cầu lúa trổ bông nhiều hạt, cúng trước khi gặt, cúng ăn cơm mới, cúng mừng được mùa, cúng hồn lúa, cúng kho lúa...
Người M’nông có dàn chiêng Bor, mà nhóm tộc người M’nông Gar, Noong, Preh gọi là Cưng Bor, gồm 6 chiếc chiêng bằng, cũng đặt tên theo vị trí các thành viên gia đình:
1. May (mẹ)
2. R'Nul (bố)
3. N'Dơt
4. Loa                                  các con
5. Thơ
6. Thết
Họ sử dụng dàn chiêng Bor trong lễ cúng mừng được mùa. Địa điểm tổ chức diễn ra ở trước sân nhà vào dịp chủ nhà thu hoạch xong, khoảng tháng 11, 12 âm lịch hằng năm. Lễ vật gồm heo, gà, rượu cần, cơm nếp được bày ra để cúng Giàng. Nếu chủ nhà may mắn được mùa lớn, lễ vật thường có thêm trâu. Khi lễ tế kết thúc, chủ nhà đem gùi lúa cuối cùng bỏ vào trong bồ gọi là “rước thần Lúa về nhà”. Việc rước thần Lúa về nhà là để thần Lúa gìn giữ, phù hộ cho gia đình được no đủ. Tiếp đến, người tham dự là họ hàng gần gũi và dân làng sẽ chúc chủ nhà những điều tốt lành. Chủ nhà mời rượu, cm ơn từng người, rồi tất cả quây quần quanh đống lửa giữa sân uống rượu cần và ăn thịt nướng. Khi bắt đầu no say, cũng là lúc dàn chiêng được tấu lên, mọi người cùng tham gia múa hát trong tiếng nhạc cồng chiêng cho tới tận khuya, có khi tới sáng mới nghỉ.
Ở Tây Nguyên, các nghi lễ nông nghiệp thường được tổ chức theo từng gia đình hoặc theo từng cộng đồng buôn làng. Vật cũng thường là trâu, bò, heo, gà và những ché rượu cần. những nghi lễ lớn, khi cúng lễ đều có tu cồng chiêng. Đồng bào Tây Nguyên tin rằng, cồng chiêng là công cụ để con người “thông quan” với thế giới thần linh, cầu mong cho cộng đồng buôn làng được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Bên cạnh việc diễn tấu cồng chiêng trong hai hệ thống nghi lễ trên, trong sinh hoạt cộng đồng của người bản địa Tây Nguyên, cồng chiêng còn diễn tấu qua các lễ hội tiêu biểu như: lễ cúng trâu, lễ cúng bến nước, lễ đua voi...
Người Bana đánh dàn chiêng Hoh trong lễ cúng trâu. Dàn chiêng Hoh gồm có 11 chiếc chiêng bằng và chiêng núm (Pru, Chil, Pêt-ty, Zoong, Moong, Tơ-rêt, Pêt- moong, Pơ-klẹ, Moong-xlam, Pêt, Đrêt). Cúng trâu là lễ hội lớn của các tộc người Bana, Giarai, Xơđăng và một số tộc người khác ở Tây Nguyên. Đồng bào Tây Nguyên tổ chức lễ cúng trâu để tạ ơn Giàng, tạ ơn các thần nước, thần lửa, thần núi, thần sông và nhiều vị thần khác đã ban cho họ cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Trong lễ hội, đội chiêng tấu các bài chiêng hùng tráng mô tả những cuộc chiến đấu dũng cảm của các vị tù trưởng và dân làng để bảo vệ lãnh thổ như Cheng, Spo, Pru.
Hiện nay, ngoài biểu diễn cồng chiêng trong các sinh hoạt cộng đồng, người Tây Nguyên còn biểu diễn cồng chiêng theo yêu cầu du lịch hoặc tham gia các lễ hội mới. Qua những hoạt động trên có thể thấy sự gắn bó của cộng đồng với cồng chiêng, từ đó bản sắc văn hóa mang tính đặc trưng của người bản địa Tây Nguyên được hình thành, trao truyền và phát huy.
3. Kết luận
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nảy sinh từ truyền thống văn hóa và lịch sử của cư dân bản địa thuộc cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Cồng chiêng Tây Nguyên đóng vai trò là phương tiện khẳng định bản sắc văn hóa riêng biệt của cộng đồng các tộc người ở Tây Nguyên, cồng chiêng có mặt trong đời sống con người Tây Nguyên qua các sinh hoạt của cộng đồng gắn với nương rẫy, sông suối, núi rừng, cả trong thời bình lẫn trong chiến tranh. Người bản địa Tây Nguyên đã đạt đến những hiểu biết sâu sắc và tinh tế về cồng chiêng, có các kỹ thuật chỉnh âm và biểu diễn điêu luyện. Sinh hoạt cồng chiêng có thể coi là một đặc trưng văn hóa truyền thống của các cộng đồng bản địa Tây Nguyên.
HOÀI HƯƠNG. Cồng chiêng Tây Nguyên di sản văn hóa nhân loại / Hoài Hương // Báo Văn nghệ trẻ. - 2005. - Ngày 4 tháng 12. - Tr. 10
....
                Không gian văn hoá cồng - chiêng Tây Nguyên bao trùm nhiều tỉnh Tây Nguyên tập hợp 17 dân tộc thiểu số. Cồng - chiêng ở đây được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu giữa con người hiện tại, thần thánh và thế giới siêu nhiên, nhng chiếc cồng - chiêng của mỗi gia đình biểu hiện cho tài sản, quyền lực và sự bình yên.
                Tây Nguyên - miền đất nằm dọc dải Trường Sơn hùng vĩ với bạt ngàn rừng núi thâm u huyền bí, với những người con gái con trai như được sinh ra từ gió nắng cao nguyên xinh đẹp, dũng mãnh, với những bản trường ca thấm đẫm khát vọng tự do, chiến thắng mọi cường quyền, trường tồn mãi mãi như Đam San, Xinh Nhã... và những âm thanh đầy mãnh lực mê hoặc quyến rũ say đắm hồn người của cồng - chiêng trong các lễ hội dân tộc, những âm thanh thần thánh.
                Cồng - chiêng là hai loại nhạc cụ có tính cách thiêng liêng trong sinh hoạt lễ hội và văn hoá các dân tộc miền núi rừng Tây Nguyên. Âm thanh hợp tấu của cồng - chiêng thật huyền bí, âm vang cả đại ngàn bay cao tít tận bầu trời xanh. Ở các sinh hoạt văn hoá lớn vùng Tây Nguyên, cồng - chiêng có nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống con người. Với quan niệm, tín ngưỡng cộng đồng hai nửa - nửa hôm qua và nửa hôm nay, quá khứ - hiện tại, thế giới hữu hình luôn có mối quan hệ khăng khít thế giới vô hình, mà cồng - chiêng với âm thanh, nhạc điệu và sức mạnh thiêng liêng của chúng chính là cầu nối. Người có nhiều cồng - chiêng trong nhà được tôn trọng, nể vì, trước hết có nhiều của cải vật chất, sau là vì người ấy có trong nhà nhiều ''thần chiêng'', quanh mình có nhiều bạn bè ở thế giới vô hình với những quyền năng lớn.
                Hầu như trong mọi hoạt động văn hoá người dân tộc Tây Nguyên đều có sự góp mặt của cồng chiêng. Có thể nói cuộc đời con người Tây Nguyên kéo dài theo tiếng cồng chiêng, từ khi được sinh ra, cồng - chiêng đã được sử dụng như một nghi thức khẳng định sự tồn tại của một thành viên trong cộng đồng, ''lễ thổi tai'' của người Gia Rai, ÊĐê, Bana... để cho tai đứa bé được thông suốt. Ba hồi chiêng được hiểu như lời truyền dạy, trăng trối, của tất cả ''nửa cộng đồng hôm qua'', để gieo mầm cho những truyền thống văn hoá dân tộc được tiếp nối ở tất cả các thế hệ, bắt đầu từ đứa bé. Âm thanh cồng - chiêng còn là tiếng vang của núi rừng, của con người Tây Nguyên ''thông báo'' với Trời Đất, các thần thánh, tổ tiên, cầu mong họ chứng kiến và giúp đỡ để hoàn thiện những việc làm của mình, từ khi sinh ra lớn lên trưởng thành, chọn đất phát nương làm rẫy, chọn nơi làm nhà, cầu an cuộc sống, xin được mùa... đến các lễ cầu bên sông suối, cầu mưa gió thuận hoà, lễ đâm trâu, được mùa, lễ cười, lễ làm nhà mới sửa nhà rông, lễ pơthi - bỏ mả... Ở Tây Nguyên, cồng - chiêng còn là chất men say lôi cuốn những đôi trai gái, lôi cuốn cả buôn làng trong vũ điệu hoang sơ thấm đậm bản sắc núi rừng, những vũ điệu của tình yêu, của hoan lạc, của sinh sôi... mà bất cứ ai khi đã ở trong đội hình vòng tròn xoay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, nhập trong tiếng cồng - chiêng thì không thể dứt ra được, cứ muốn xoay mãi... Cồng chiêng theo sát cuộc sống người Tây Nguyên từ ấu thơ đến cuối cuộc đời, trong tất cả niềm vui nỗi buồn... mỗi gia đình hầu như đều có cồng - chiêng như một thứ tài sản tâm linh đặc biệt quý giá có khi được truyền lại từ đời này sang đời khác.
                Cồng - chiêng là hai loại nhạc khí giống nhau về hình dáng nhưng khác nhau về ý nghĩa sử dụng, được làm bằng hợp kim đồng, có khi pha thêm bạc, vàng hay đồng đen, cồng là loại có núm, chiêng không có núm, trước đây còn gọi là chiêng núm, chiêng bằng, với nhiều kích cỡ khác nhau, có cái nhỏ đường kính khoảng 20 - 50, 60 cm; loại cực đại lên đến 90 - 120 cm. Cồng - chiêng có thể dùng đơn lẻ điểm nhịp, đi giai điệu tiết tấu một bè, có thể dùng cả dàn - bộ khi cần hoà tấu đa âm, các dàn cồng - chiêng tuỳ theo dân tộc mà có 2 - 12, 13 cái, thậm chí có khi lên tới 18 - 20 cái, mỗi cái đảm nhiệm chức năng riêng trong cuộc hoà tấu. Cồng - chiêng được gõ, đánh bằng dùi hay đấm bằng tay vào mặt cồng chiêng, có dân tộc sử dụng kỹ thuật đánh chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu riêng lẻ trên một cái chiêng. Ở Tây Nguyên, thường cồng chiêng dành cho nam giới đánh, và mỗi tộc người có những quy cách kiêng kỵ trong khi sử dụng cồng - chiêng khác biệt. Trong các lễ hội, những thanh niên có nhiệm vụ đánh cồng - chiêng ăn mặc rất đẹp, theo đúng phong cách dân tộc từ xưa, đầu chít khăn thổ cẩm đỏ, mc áo blan, áo ló, đóng khố kơter, áo khố đều có hoa văn đặc trưng được thêu rất tinh tế. Thường sau một bài khấn thần linh của già làng theo nội dung của lễ hội, là tiếng cồng - chiêng nổi lên hoà với tiếng hú của dân làng, và rồi suốt mấy ngày đêm trong âm thanh rộn ràng của cồng - chiêng mọi người ăn uống múa hát không biết mệt.
                Âm thanh cồng - chiêng nhiều cung bậc giai điệu tiết tấu khác nhau, tuỳ theo nội dung của các buổi lễ, hội, chính những âm điệu đó tạo nên niềm hưng phấn để mọi người nhập cuộc lễ như một tổng hoà không thành viên nào tách rời riêng lẻ, như một nhà thơ đã từng nhận xét ''rừng núi đất trời vạn vật cùng ngả nghiêng say sưa''. Trong lễ hội đâm trâu một trong những lễ hội lớn nhất của các tộc người Tây Nguyên, tiếng cồng - chiêng như những âm thanh đầy uy lực tiết tấu nhanh - chậm, trầm đục - thanh trong hòa vào nhau như những khúc tráng ca bi hùng, như thức dậy cảnh những tù trưởng dũng sĩ, những anh hùng Đam San, Xinh Nhã ngày xưa chiến đấu bảo vệ buôn làng, mọi người, mọi người như say trong tiếng cồng - chiêng, hào hứng sôi nổi vui cùng niềm vui núi rừng. Trong lễ hội pơthi - bỏ mả, tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên, cồng -chiêng được đánh lên rộn rã, có khi cả 3 - 4 dàn cùng hoà âm tạo giai điệu náo nức - tiễn đưa linh hồn, cũng là chấm dứt sự phụ thuộc vào người đã khuất, được giải phóng, được tự do. Ở lễ hội đua voi, cồng - chiêng mang tiết tấu khác, cứ như một chuỗi âm thanh dồn đuổi bất tận lúc to lúc nhỏ, lúc chỉ từng tiếng nối nhau, lúc hoà vào nhau cùng âm vang cả núi rừng, như thôi thúc xung trận, tạo không khí đầy phấn khích, kích thích cả những chú voi hoang dã. Đặc biệt, trong các lễ hội xuân, tiếng cồng - chiêng lại mang giai điệu dịu dàng mời gọi, âm điệu khoan nhặt thiết tha đến mê hoặc, làm trái tim người xao động nôn nao, làm mắt người long lanh đắm đuối trong nhau, làm tay chân người không yên cứ muốn chuyển động theo nhịp điệu thần thánh, làm ai cũng ngây ngất say đắm, trong điệu hoan ca mùa xuân của mây núi thác suối đại ngàn, gió nắng cỏ hoa cao nguyên...
                Cồng - chiêng, di sản văn hoá truyền thống của những tộc người Tây Nguyên, âm thanh cồng chiêng, âm thanh của núi rừng, của thần thánh, của tổ tiên như thấm vào từng giọt máu của nhiều thế hệ kế tiếp người Tây Nguyên, là âm thanh thiêng liêng ghi dấu ấn hồn vía Tây Nguyên mà không người con Tây Nguyên nào có thể quên được. Cồng, chiêng đã vượt đại ngàn, hoà vào ngôi nhà chung di sản văn hoá dân tộc Việt, và hôm nay âm thanh cồng chiêng, không gian cồng - chiêng Tây Nguyên trở thành di sản văn hoá nhân loại để bất tử với thời gian như chính sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam.
BÙI TRỌNG HIỀN. Kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng / Bùi Trọng Hiền // Tạp chí Văn hóa nghệ thuật. - 2011. - Số 319. - Tháng 1. - Tr. 33-37,44
 ... Trước hết, cần biết rằng đồng bào Tây Nguyên không tự chế tác ra cồng chiêng. Họ mua các nhạc cụ này từ nhiều nguồn sản xuất khác nhau như của người Kinh, người Lào hay người Campuchia. Có những bộ mua nguyên từ một nguồn, song có những bộ lại được ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Chúng tôi từng gặp những dàn cồng chiêng được mua của người Kinh, nhưng chiếc cồng to nhất lại được mua từ Lào. Vì vậy trong bộ cồng chiêng đó, chiếc cồng này có tên riêng là cồng Lao.
Ở đây, nảy sinh hai câu hỏi: hệ bồi âm cồng chiêng nói chung được hình thành như thế nào; không sản xuất ra cồng chiêng, vậy cồng chiêng theo hệ bồi âm Tây Nguyên có từ đâu?
Để trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng ta có thể hình dung như sau: thang bồi âm tự nhiên vốn là thẩm mỹ nghệ thuật chung của nhân loại. Tất cả các nền âm nhạc trên thế giới đều lấy nó làm cơ sở để hình thành và sáng tạo ra những hệ thống thang âm riêng của mình. Và, âm nhạc cồng chiêng cũng vậy. Từ thuở bình minh của lịch sử cồng chiêng, một vài chiếc được đúc ra ban đầu cốt là để phục vụ cho mục đích hành lễ tín ngưỡng, chứ chưa hẳn vì nhu cầu nghệ thuật.  Theo thời gian, khi những ham muốn âm nhạc phát sinh, người ta mới thấy cần thiết tạo ra một bộ cồng chiêng với mối tương quan cao độ khác nhau. Lẽ thường, khi muốn chế tác một bộ (tức gồm nhiều chiếc) thì tất phải lập định thang âm cho nó. Và, thang bồi âm sẵn có trong tự nhiên sẽ là chuẩn mực tiện lợi nhất cho người sản xuất cồng chiêng, rồi truyền thống thẩm mỹ nghệ thuật đó được phát triển và dần định hình theo năm tháng.
Với câu hỏi thứ hai, sẽ có hai giả thuyết như sau:
Một là, cồng chiêng theo hệ bồi âm được định hình ngay từ nguồn sản xuất. Các tộc người Tây Nguyên rất có thể đã mua cả bộ cồng chiêng được định âm sẵn như một sự tiếp thu giá trị nghệ thuật từ bên ngoài. Theo thời gian, dần dà họ coi đó là chuẩn mực, bởi thấy phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật chung của cộng đồng.
Hai là, cồng chiêng theo hệ bồi âm được hình thành trên Tây Nguyên như một giá trị nghệ thuật nội sinh. Điều đó có nghĩa các cơ sở sản xuất cồng chiêng lúc đầu không theo chuẩn mực bồi âm. Thậm chí sản phẩm đơn giản chỉ là những chiếc cồng chiêng lớn bé đơn lẻ chứ chưa xếp sắp thành bộ nhạc cụ. Khi đồng bào Tây Nguyên đến mua, họ sẽ nhặt nhạnh, thu gom từng chiếc để ghép theo một tập hợp vừa ý nào đó. Sau khi mang về, họ tiếp tục gò nắn, căn chỉnh cao độ nhạc cụ cho đúng với thẩm âm tự nhiên của mình, rồi sắp đặt thành một bộ hoàn chỉnh. Theo thời gian, với quy luật cung cầu, các nhà sản xuất đã dần thích ứng với nhu cầu của đồng bào. Và, những bộ cồng chiêng theo hệ bồi âm bắt đầu chính thức được ra lò. Như thế, đồng bào Trường Sơn - Tây Nguyên mới đích thực là chủ thể sáng tạo ra một dàn cồng chiêng. Sự sáng tạo đó có thể là cả một quá trình tích hợp lâu dài, song cũng có thể là những phát minh ngẫu nhiên trong hình thái đột biến của sự phát triển văn hóa nghệ thuật.
Trong hai giả thuyết nêu trên, giả thuyết thứ nhất tỏ ra phù hợp với các nguồn cung cấp cồng chiêng từ Lào và Campuchia. Đây là các cộng đồng dân tộc mà nghệ thuật cồng chiêng của họ khá phát triển, đủ để hình thành một hệ thẩm mỹ  âm nhạc cồng chiêng chi phối nguồn tiêu thụ. Với giả thuyết thứ hai, nguồn sản xuất cồng chiêng hẳn là ứng với người Kinh, một cộng đồng mà nghệ thuật cồng chiêng hầu như không phát triển trong nền âm nhạc cổ truyền. Như thế, người Kinh sản xuất cồng chiêng theo hệ bồi âm chỉ để đáp ứng nhu cầu của các tộc người trên Tây Nguyên mà thôi. Và điều này cho đến nay vẫn đúng. Theo dòng lịch sử, chúng ta nghiễm nhiên coi hệ thống thanh âm đó là chuẩn mực nghệ thuật của các tộc người sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Không chế tác nhưng chính họ lại là chủ nhân của cả một nền nghệ thuật cồng chiêng đồ sộ và rực rỡ. Đó quả là một hiện thực đáng khâm phục và tự hào.
Trên thực tế, chỉnh âm cồng chiêng là một thao tác kỹ thuật nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Nó cũng giống như việc khoét lỗ các ống sáo hay lên dây đàn. Nhiều người vẫn gọi nôm na là việc lên dây chiêng, do thói quen của cách gọi lên dây đàn chi phối. Thông thường, khi phải thay thế, mua thêm một vài chiếc hoặc cả bộ, người ta phải tiến hành chỉnh âm các cồng chiêng mới cho phù hợp với thang âm cổ truyền. Cũng có khi thanh âm bộ cồng chiêng chuẩn mực bị sai lệch theo thời gian do khí hậu hay do biến đổi cơ học thì cũng cần phải căn chỉnh lại cho đúng.
Trước hết, cần bàn về thanh mẫu, hệ tần số chuẩn mực, mà nghệ nhân lấy làm căn cứ để chỉnh chiêng cồng. Về kỹ thuật này, bấy lâu nay, các nhà nghiên cứu đã chứng kiến hai cách định vị tần số bậc âm như sau:
Cách thứ nhất, dựa trên luật cộng hưởng âm thanh. Trong cuốn Fonclo Bahnar, học giả Tô Ngọc Thanh đã mô tả khá chi tiết việc các nghệ nhân người Ba Na vùng An Khê chỉnh âm chiếc cồng chiêng mới theo chiếc chuẩn có sẵn làm thanh mẫu. Ở đây, tần số mong muốn của chiếc cần chỉnh âm bao giờ cũng ở mức cao hơn chiếc thanh mẫu quãng 5 đúng tự nhiên. Sau mỗi lần gò chỉnh chiếc cồng (hay chiêng) cần sửa, người ta treo nó lên cạnh chiếc thanh mẫu, cho lòng hai chiếc hướng vào nhau rồi kích âm thanh mẫu. Nếu chiếc mới cộng hưởng vang lên một âm cách cao độ thanh mẫu một quãng 5 đúng là thành công. Trong cách đo này, người ta không đánh vào chiếc chiêng (hay cồng) cần căn chỉnh. Trên thực tế, chiếc mới rung lên chính là do sự cộng hưởng âm bồi quãng năm đúng của cao độ cơ bản chiếc thanh mẫu.
Cuối năm 2007, khi trở lại vùng Chư Păh (Gia Lai), tôi đã may mắn được học việc với nghệ nhân chỉnh chiêng Gia Rai nổi tiếng Ksor Wk. Sau khi đã gò nắn căn tiếng cho những chiếc chiêng mới, ông cũng đo âm thanh theo đúng phương pháp này. Nhưng ở đây, hai chiếc chiêng (hay cồng) đối sánh lại có cùng cao độ. Khi thử, nghệ nhân kích âm chiếc mới chỉnh chứ không kích âm chiếc thanh mẫu như trường hợp mô tả ở người Ba Na. Nếu tần số hai chiếc bằng nhau, chiếc thanh mẫu sẽ cộng hưởng vang lên chính xác cao độ cơ bản.
Đây là một phương pháp đo âm thanh rất chính xác căn cứ vào quy luật cộng hưởng của các vật thể rung khi có cùng tần số. Cách này đòi hỏi điều kiện phải có những cồng chiêng chuẩn để dùng làm thanh mẫu đối sánh. Nó gần giống với kiểu lên dây đàn theo cách so phím đồng âm với dây buông.
Cách thứ hai, dựa trên sự đối sánh giữa các chiêng cồng trong dàn thông qua việc nghe trực tiếp tuyến giai điệu ngắn. Đây là phương pháp chỉnh âm mà chúng tôi đã chứng kiến ở tộc người Gia Rai vùng Chư Păh (Gia Lai) trong đợt điền dã tháng 5-2004. Ở đây, khi căn chỉnh một chiếc bị sai âm, người ta hoàn toàn căn cứ vào tai nghe thông qua sự so sánh tương quan cao độ thang âm của nó với những chiếc còn lại trong dàn. Chỉnh âm theo cách này, người sửa chiêng buộc phải có một đội ngũ vài ba tay chiêng ngồi gõ phụ trợ để nghe mà so sánh. Cứ gò nắn một hồi, nghệ nhân lại gõ đan xen với các chiêng khác để nghe ngóng xem xét, bao giờ thấy thuận tai, hòa hợp là được. Như thế, cách chỉnh âm này đòi hỏi người thực hiện phải có tai nghe cực tốt - tức cảm thấu tối đa được mối tương quan cao thấp giữa các bậc thang âm truyền thống. Nó giống với kiểu lên dây đàn theo cách dạo ngón qua nhiều dây mà không cần so phím đồng âm.
Để căn chỉnh cồng chiêng, người ta thường dùng một số dụng cụ cơ bản gồm: những chiếc búa sắt nhỏ (được thửa riêng), một cái đe con để kê khi cần gò đều trên bề mặt cồng chiêng. Đầu búa có tiết diện khá nhỏ và thon dài để có thể dễ dàng lùa lách vào khe vành trong lòng chiêng cồng khi cần. Chiếc đe chỉnh cồng chiêng là loại đe cối chuyên dụng, được tiện bằng gỗ cứng hình viên trụ, gồm hai phần tách rời, khi lồng vào nhau, đe sẽ tạo độ cao tiện cho việc sử dụng. Khi tách rời, mỗi phần sẽ có những tác dụng riêng trong việc kê kích để gò đập hay tạo độ lồi lỏm như ý. Việc chọn đe gỗ, không dùng đe sắt cho thấy trong thao tác chỉnh âm, nghệ nhân hết sức tránh việc đập dàn mỏng bề mặt chiêng cồng. Ngoài ra, còn có compa sắt dùng để vạch những đường tròn đồng tâm trên bề mặt nhạc cụ, xác định những đường gò chính xác khi cần thiết. Các dụng cụ trên được coi như bộ đồ nghề đầy đủ nhất của một nghệ nhân chỉnh âm chuyên nghiệp người Gia Rai. Còn lại, thường người ta chỉ cần dùng cây búa nhỏ là đủ. Chiếc búa tự chế đơn giản nhất được đồng bào ưa dùng là hai đoạn sắt xây dựng phi 10-14 được hàn nối lại thành hình chữ T.
Trong kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng, nghệ nhân không dùng búa đầu to cho thấy việc căn chỉnh thực chất là sự tác động cơ học trên từng tiết diện nhỏ, như kiểu thúc vào bề mặt từng tí một. Qua thực hành chỉnh chiêng, chúng tôi nhận thấy nếu dùng búa đầu to, tần số âm thanh sẽ dịch chuyển nhiều, dễ đi quá mức cần thiết cũng như khó đạt độ tinh tế của âm sắc. Bên cạnh búa sắt, có nơi nghệ nhân dùng một dùi đục đầu tày bằng gỗ cứng (hay gỗ dẻo) để tông vào mặt chiêng điều chỉnh độ lồi lõm cần thiết.
Nói chung, thao tác cơ bản của việc chỉnh âm là gõ lên bề mặt cồng chiêng theo một số đường tròn đồng tâm để tạo nên một sự lồi lõm nhất định nào đó. Và, tần số âm thanh cồng chiêng sẽ được nâng lên hay hạ xuống như ý muốn. Thường thì, người chỉnh âm bao giờ cũng gò theo đường tròn sát tâm trước, nếu chưa được thì lại gò lần lượt những đường tròn kế tiếp tiến ra vành ngoài.
Khi đã đạt cao độ chuẩn, người ta còn phải gò nắn cả thành cồng chiêng để âm thanh được tròn tiếng, tức triệt tiêu bớt tạp âm hay các âm phụ không cần thiết.
Nguyên tắc chung, nếu muốn hạ cao độ thì gò vào mặt ngoài chiêng cồng cho lõm vào. Nếu muốn nâng cao độ thì gò vào mặt trong cho lồi ra. Cái khó là sự lồi ra, lõm vào của bề mặt nhạc cụ phải được căn chỉnh sao cho đồng đều và cân xứng. Thực tế cho thấy, đánh cồng đều kích âm vào mặt ngoài (núm lồi) nên sai âm thường bao giờ cũng theo chiều hướng thấp đi so với âm chuẩn cơ bản. Còn với chiêng, nếu thường xuyên kích âm mặt ngoài thì xu hướng sai âm cũng giống như cồng. Nhưng nếu thường xuyên kích âm mặt trong thì ngược lại, âm dễ bị vênh lên cao hơn âm cơ bản.
Nói thì đơn giản là vậy, song trên thực tế gõ thẳng hay gõ nghiêng như thế nào, chỗ nào gõ chiêng, chỗ nào gõ thẳng, độ mạnh nhẹ bao nhiêu... đó là những thao tác kỹ thuật khá phức tạp mà không phải ai cũng có thể dễ dàng nắm bắt.
Trong các loại chiêng cồng, khó nhất là việc chỉnh âm cồng và các dạng chiêng vành. Bởi chúng có bề mặt được cấu tạo chia cắt bằng những đường vành đồng tâm lồi hay lõm. Việc gò gỡ đường vành ở mặt trong hay ngoài sẽ cho các hiệu quả khác nhau. Đó là những kỹ thuật rất khó kiểm soát, đòi hỏi người thực hành phải có nhiều kinh nghiệm.
Dưới góc nhìn cơ khí việc gò chỉnh âm thanh cồng chiêng là những thao tác có mục đích làm cho bề mặt nhạc cụ giãn ra (bai) hay co lại (chun). Gò cho mặt chiêng cồng bai ra tương đương như việc vặn chùng sợi dây đàn, làm cao độ hạ xuống và ngược lại. Kỹ thuật gò bai hay chun vốn được xem là những thao tác ở trình độ cao của nghề gò nguội. Việc gò mặt cồng chiêng lồi ra hay lõm vào đồng bộ, thực chất là một phần thao tác của kỹ thuật cơ khí đó. Cái khó là người thực hành phải làm chủ mọi thao tác, đảm bảo được nguyên tắc đồng đều, cân xứng theo những đường tròn đồng tâm. Bởi nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bề mặt chiêng cồng bị vênh bánh đa, triệt tiêu tiếng ngân vang. Đây cũng là lý do khiến người ta phải lựa chọn loại búa đầu nhỏ để kích dần dần lên bề mặt cồng chiêng, những thao tác đòi hỏi tính tỉ mỉ và kiên nhẫn cao. Ngoài ra, nếu sự căn chỉnh lồi lõm đi quá mức cần thiết, hiệu quả có thể tác dụng ngược, tức muốn âm cao lên sẽ thành thấp đi và ngược lại. Đó là chưa kể đến việc chỉnh đi, chỉnh lại quá nhiều lần sẽ có thể làm cho nhạc cụ biến dạng hay nứt vỡ. Qua thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy một chiếc cồng chiêng thông thường có thể hiệu chỉnh cao độ dịch chuyển trong khoảng quãng 4 hay thậm chí quãng 5 - là một độ lớn đáng kể của sự biến thiên xô lệch tần số. Thế nhưng, điều đáng nói là trong khoảng biến thiên đó, mỗi chiếc cồng chiêng chỉ có thể cho tiếng vang đẹp, ngân dài ở một vị trí dải tần nhất định, tương ứng với kích thước đường kính bề mặt của nó.
Nói sơ qua để thấy những nghệ nhân chỉnh âm cồng chiêng Tây Nguyên thực sự là những chuyên gia có tay nghề gò nguội. Thế nhưng biết cách gò chỉnh âm mới chỉ là điều kiện cần, còn khả năng nắm bắt chính xác cao độ các bậc thang âm cổ truyền mới là điều kiện đủ cho một người chỉnh âm cồng chiêng. Mà trên thực tế, độ nhạy cảm âm thanh lại vốn là khả năng thiên bẩm, không thể tự đào luyện được. Bởi vậy, những nghệ nhân chỉnh chiêng trên Tây Nguyên xưa nay vẫn được coi là của hiếm.
Về nguyên tắc, ngoài độ chuẩn xác của tần số âm cơ bản, một chiếc cồng chiêng được coi là có tiếng vang đẹp thì nó cần được triệt tiêu, giảm thanh tối đa những tạp âm dạng tiếng động cũng như những âm phụ quãng 2, quãng 3, quãng 4, quãng 6, quãng 7. Thông thường người ta chỉ chấp nhận bồi âm quãng 5 hay quãng 8 được coi như hòa hợp nhất với âm cơ bản. Nhưng âm lượng của chúng không được phép trội hơn âm cơ bản. Để đạt được những mong muốn trong việc điều chỉnh bề mặt chiêng cồng, đương nhiên phải đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực hành. Trong thao tác chỉnh âm, nghệ nhân gọi đó là việc làm tròn tiếng. Cụ thể, sau khi đạt cao độ mong muốn, bên cạnh việc gò nắn thành cồng chiêng, nghệ nhân chỉnh âm còn phải biết cách lắng nghe, thăm dò mọi điểm trên bề mặt nhạc cụ. Kỹ thuật dò tìm này không khác gì việc tìm yếu huyệt trên người bệnh. Người ta dùng búa gõ nhẹ lên khắp trên bề mặt chiêng cồng. Nếu có những điểm kêu khác lạ, cái tai chỉnh chiêng nhà nghề sẽ nhận ra ngay. Thông thường yếu huyệt là điểm kêu vang nhiều tạp âm chói tai lấn át tần số xác định. Lập tức nó sẽ được chỉnh sửa bằng cách gò vào chính nó hay xung quanh, phía mặt trong và mặt ngoài để sao cho khi thử lại, âm vang tại điểm đó phải giống với mọi nơi khác. Đây được xem như thao tác khó nhất trong toàn bộ kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng nói chung.
Ở vùng Nam Tây Nguyên, do các dàn chiêng có cơ cấu tối đa là 6 chiếc, nên nghề chỉnh âm xem ra không bận rộn như ở vùng Bắc Tây Nguyên vốn sở hữu những dàn chiêng cồng hỗn hợp có thể lên tới mười mấy chiếc. Mặt khác, ở các tộc người vùng Bắc Tây Nguyên như Ba Na, Gia rai, Xơ đăng... lại rất phổ biến cồng cũng như các dạng chiêng vành lồi lõm. Việc chỉnh âm loại này khó hơn rất nhiều so với loại chiêng phẳng. Theo đó, nghề chỉnh âm cồng chiêng ở vùng Bắc Tây Nguyên đương nhiên sẽ phát triển và phức tạp hơn so với vùng Nam Tây Nguyên.
Như thế, bước đầu đã có thể xác định những thao tác căn chỉnh âm thanh cồng chiêng là một kỹ thuật khó trong nghề nhạc cụ học. Ở các cộng đồng tộc người mà chúng tôi tiếp xúc, không phải nơi nào cũng có những nghệ nhân như vậy. Đây là năng lực lượng thuộc về các già làng - những người đã một đời gắn bó với nhạc cồng chiêng. Theo quan sát thực tế, việc chỉnh âm dàn cồng chiêng thường diễn ra trước mùa lễ hội. Bởi lẽ trong các mùa lễ hội trước đó, dàn cồng chiêng thường được sử dụng một cách quá tải. Do đó, cồng chiêng ít nhiều sẽ có cái bị móp méo, làm sai lệch cao độ chuẩn của chúng - tức bị chênh phô. Trong chuyến tiếp cận với tộc người Mạ (Lộc Bắc, Bảo Lâm, Lâm Đồng) hồi tháng 5- 2004, được biết già làng nơi đây đã phải thức trắng một đêm để chỉnh âm bộ chiêng 6 chiếc. Đó quả là một công việc không dễ dàng chút nào.
                Xin nói thêm, đồng bào Tây Nguyên không tự chế tác ra cồng chiêng mà mua từ nhiều nguồn khác nhau. Nghề chỉnh âm cồng chiêng trong nội bộ các tộc người được nảy sinh theo nhu cầu kiến tạo nghệ thuật. Thế nhưng việc kiểm soát, làm chủ được thanh âm lại vốn là nguyên tắc cơ bản trong nghề sản xuất nhạc cụ nói chung. Bởi vậy, tại các lò đúc việc chỉnh âm cồng chiêng đương nhiên là thao tác bắt buộc trong các khâu hoàn thiện sản phẩm. Điều đó có nghĩa, ở những lò đúc cồng chiêng trên mọi miền đất nước cũng không hiếm những tay thợ chỉnh chiêng lành nghề. Lịch sử âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên từng ghi nhận những thợ chỉnh chiêng người Kinh vùng miền Trung từng rong ruổi khắp các buôn làng trên cao nguyên để hành nghề kiếm sống. Ở đây, vấn đề quan trọng là, việc các tay thợ người Kinh buộc phải nắm vững hệ cao độ thang âm các dàn cồng chiêng Tây Nguyên để hiệu chỉnh tần số phù hợp. Còn chuyện căn tiếng sao cho đẹp thì đó vốn là nghề của họ. Nói thế có nghĩa là, chỉnh chiêng không phải nghề độc quyền của các cư dân Trường Sơn. Sự thật lịch sử đó dẫn đến một giả định, liệu có phải các tộc người trên cao nguyên học được những thao tác cơ khí trong nghề chỉnh âm chính từ những tay thợ lành nghề người Kinh?
 
NGÔ MINH THUYÊN. Môi trường sống cho cồng chiêng Tây Nguyên / Ngô Minh Thuyên // Báo Lao động xã hội. - 2010. - Số 116. - Ngày 28/9. - Tr.8
                ...
                Bao đời nay, tiếng cồng chiêng gắn bó với máu thịt con người Tây Nguyên từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt từ giã cõi đời, trở thành nhạc nền cho suốt cuộc đời của họ, từ buổi lễ thổi tai (lễ đặt tên) đến lễ trưởng thành, lễ trao vòng đính hôn và cuối cùng là lễ bỏ mả... Có thể nói, không một lễ hội lớn nhỏ nào của đồng bào TN mà thiếu tiếng cồng chiêng. Cồng chiêng đối với người Tây Nguyên không chỉ là khí cụ âm nhạc, là biểu tượng của sự giàu có ở mỗi gia đình, sự hùng mạnh của mỗi buôn làng, mà còn là biểu tượng văn hóa tâm linh đặc sắc của một vùng đất. Cho đến bây giờ những già làng cao tuổi nhất, những nghệ nhân cồng chiêng bậc thầy, đến những nhà nghiên cứu Tây Nguyên học vẫn chưa ai có câu trả lời chính xác cồng chiêng và nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng có mặt ở Tây Nguyên từ bao giờ? Nhưng từ rất xa xưa trong trường ca Đam San, cồng chiêng và âm thanh của cồng chiêng được nói đến như là sức mạnh ''vật chất".
                ".. Đánh lên tiếng chiêng trầm
                Chiêng ngân khe khẽ
                Đánh nhẹ cho gió lùa xuống đất
                Đánh cho vang khắp vùng
                Rung cho tiếng lùa qua núi
                Làm cho bầy khỉ quên bám vào cây
                Cho bầy ma quên hại người
                Cho chuột, sóc quên đào hang
                Cho rắn luồn khỏi tổ
                Cho hươu, nai đứng ngó (nhìn) quên nhai cỏ
                Cho cả thế gian chỉ có biết
                Nghe tiếng chiêng của HơNhi- HơBhi..."
                Ai cũng biết, cồng chiêng được đúc bằng đồng, có pha thêm vàng, bạc vào núm chiêng cho tiếng chiêng trong và ngân hơn, nhưng các dân tộc ở Tây Nguyên từ trước đến naychưa có trình độ về kỹ thuật đúc đồng để làm cồng chiêng. Hiện nay, nhiều người căn cứ vào hình dáng, kích thước, tên gọi của các loại cồng chiêng để đưa ra giả thiết về nguồn gốc con đường cồng chiêng đến Tây Nguyên như, Chiêng Lao từ nước bạn Lào qua, Chiến Kur từ Campuchia qua, còn chiêng Yoan từ các tỉnh miền Trung lên, mà chủ yếu là từ làng chiêng Phước Kiều (Quảng Nam). Dù cồng chiêng có mặt ở Tây Nguyên từ bao giờ, bằng con đường nào chưa có câu trả lời chính xác, nhưng một điều không ai có thể phủ nhận Tây Nguyên là cái nôi của nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng và là nơi lưu giữ được một số lượng cồng chiêng lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay, theo thống kê của các địa phương, TN có hơn 20.000 bộ cồng chiêng với hơn 100.000 chiếc cồng chiêng lớn nhỏ, trong đó Gia Lai có số lượng nhiều nhất 8.000 với hơn 40.000 chiếc. Đây là con số đáng quý trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống ở TN.
                Cùng với văn hóa rượu cần, văn hóa nhà Rông, văn hóa cồng chiêng TN đang trở thành tài sản vô giá trong bản sắc văn hóa dân tộc. Có dịp đến với Tây Nguyên khi mùa hoa cúc quỳ nở vàng khắp đồi nương, công việc mùa màng đã vãn, thóc lúa đã về kho, cửa kho đóng lại, thì khắp các buôn làng tiếng cồng chiêng rộn rã báo hiệu của mùa lễ hội đã đến. Mà TN có bao nhiêu là lễ hội mỗi năm: Lễ bỏ mả, mừng cơm mới, đâm trâu, đua voi... không lễ hội nào thiếu vắng tiếng cồng chiêng. Nói như một già làng người GiaRai ở Chư Păh (Gia Lai): '' Ta sống trong tiếng cồng chiêng, ngày buồn có tiếng chiêng chia sẻ, ngày vui có tiếng cồng chiêng gọi mời''... Còn Nghệ sĩ nhân dân Ybrơm thì không giấu nổi cảm xúc. ''Cứ nghe tiếng cồng chiêng cất lên là ta như lạc vào một thế giới khác, máu như chảy nhanh hơn, tay chân cứ dần dật muốn xoang, muốn nhảy"...
                Việc UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng TN là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại là một bằng chứng sinh động vinh danh giá trị văn hóa đặc biệt của Cồng chiêng TN, đồng thời khẳng định công lao to lớn của cộng đồng các dân tộc TN trong gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông qua hàng ngàn đời nay trên cao nguyên hùng vĩ.
                Tuy nhiên, gìn giữ và phát huy thống giá trị đặc sắc của Cồng chiêng TN, không chỉ đơn thuần về mặt số lượng, mà còn phải gìn giữ cả môi trường không gian thuần khiết đặc trưng của TN. Không gian ấy chính là rừng đại ngàn, là buôn làng, nhà Rông và những lễ hội tâm linh đã ăn sâu trong đời sống mỗi con người và của cả cộng đồng. Đó là cách gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng tốt nhất, mà hiện nay các địa phương hầu như còn xem nhẹ.
 
HỒNG PHÁT. Bản sắc văn hóa Tây Nguyên Cồng chiêng và hơn thế nữa / Hồng Phát sưu tầm, giới thiệu // Tạp chí Xây dựng. - 2012. - Số 1. - Tr.36-37 
                …
                Không gian văn hóa cồng chiêng mang một giá trị vượt trội. Âm thanh cồng chiêng luôn đi liền với nhảy múa nghi lễ. Cồng chiêng kết nối cộng đồng các tộc người Tây Nguyên trên đôi cánh âm nhạc, (Tây Nguyên có 11 dân tộc anh em: Ba na, Ja rai, Brâu, Giẻ Triêng Chu ru, K'ho, Ê đê, Mạ, M’nông, Rơ măm và Xơ đăng). “Văn hóa âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa nghệ thuật đỉnh cao và rất độc đáo của các tộc người Tây Nguyên. Đây chính là đặc điểm rất cơ bản của vùng văn hóa Tây Nguyên"- GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định -"Mỗi tộc người có một hệ thống bài bản cồng chiêng gắn với các hệ thống nghi lễ vòng đời người, chu kỳ vòng đời cây trồng và các nghi lễ văn hóa tâm linh. Mỗi dân tộc, thậm chí mỗi ngành, mỗi plei, buôn, bon cư dân có những điệu múa riêng mà người nơi khác không dễ dàng tham gia. Thường cách điệu truyền thống của từng plei, buôn, bon, được thực hiện kế tiếp nhau trên nềncủa cùng một bài nhạc chiêng, hoặc vài ba bài cùng tính chất”.
                Văn hóa cồng chiêng chính là tài sản tri thức vô giá của nhân loại. Tuy nhiên, Tây Nguyên không chỉ có cồng chiêng, cộng đồng các tộc người Tây Nguyên còn đang lưu giữ nhiều hiện tượng văn hoá độc đáo khác, nếuđược gìn giữ và phát huy đúng cách sẽ trở thành điểm nhấn vô giá.
                Đó là kho tàng đồ sộ các huyền thoại, truyền thuyết cổ tích, ca dao, sử thi, luật tục, lễ hội... Các bộ sử thi nổi tiếng của đồng bào như Đam San, Xinh Nhã, Đăm Bri, Dăm Dí, Rơ Păm, Khinh Dú. Nhiều nghệ nhân hiện naycó thể hát kể các bộ sử thi đó như khan (Êđê), Hơri (Giarai), Hơ mon (Hahnar), Otnroong (M’nông), Akhatgukhar (Rắcglây), hoặc nhiều thầy cúng (Pơtau) khác. Các luật tục giống như Hương ước của người Kinh dưới xuôi. Các lễ hội cứ nối tiếp nhau từ mùa Xuân năm nay đến nămsau như đâm trâu (Groongk'po), cầu an cho lúa (Sômah kwai), bỏ mả (Pớatpothi), cúng đất làng, lễ mừng, tết cơm mới, múa trống, múa xoang, múa khiên ... cùng với những lễ hội đó, đời sống tâm linh của các tộc người ở đây cực kỳ phong phú mà các nhà nghiên cứu dân tộc học gọi là tín ngưỡng “vạn vật hữu linh" vớicác hình thức biểu hiện như Tô tem giáo, Bái vật giáo.
                Cây nêu - biểu tượng độc đáo của lễ hội Tây Nguyên. Mỗi tộc người đều có cách thể hiện thế giới tâm linh riêng trên cây nêu. Tư duy thần bí với tín ngưỡng rằng mọi việc xung quanh con người đều có linh hồn, chính quan liệm đó đã nhân hóa hiện tượng thiên nhiên tạo ra nghi lễ, tương ứng với mỗi nghi lễ lại có một cây nêu khác nhau: từ cây nêu trong lễ cầu mưa, lễ cúng lúa, đến lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ đâm trâu...
                Đó là bộ sưu tập phong phú, đa dạng của nhạc cụ gõ. Nhạc cụ gõ của Tây Nguyên gắn liền với các chất liệu tự nhiên: tre, nứa, vỏ bầu, gỗ. Nhạc cụ gõ cũng là hiện tượng âm nhạc hóa âm thanh và tiết tấu của cuộc sống lao động mà đặc trưng là giã gạo chày tay, đàn tơ rưng nướctơ rưng gió, krông pút... đều có nguồn gốc từ các dụng cụ đuổi thú trên nươngry. Nói như GS.TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian Việt Nam: "các dân tộc Tây Nguyên có tiềm năng nghệ thuật to lớn, con người Tây Nguyên là con người có năng khiếu nghệ thuật, một nềnnghệ thuật còn tươi rói chất tự nhiên thuần khiết, hồn nhiên và mộc mạc mà nhiều nền nghệ thuật phát triển cao đã đánh mất...”.
                Đó là nền nghệ thuật tạo hình và kiến trúc đặc sắc: Nhà rông nhà dài nhà mồ và tượng nhà mồ... những nhà rông mái cao vút như chiếc rìu (xagac) khổng lồ tạc vào trời xanh lồng lộng. Những nhà sàn dài bằng một tiếng chiêng ngân” như trường ca Đam San từng ví von. Vật liệu hoàn toàn bằng những loại cây cỏ trong rừng: gỗ, tre, nứa, tranh... không có bất cứ sắt thép hay những chất kết dính không mang tính tự nhiên. Các cột và xà nhà sàn hay nhà rông chỉ được đặt chồng lên nhau, hoặc ghép mu (theo dạng ngàm) vào nhau rất trùng khít. Trên các thân cột, xà ngang chạm khắc nổi vẽ những hình ảnh quen thuộc với cư dân rừng núi như chim, rùa, kỳ đà, hoặc các hình sao, hình dấu nhân, mặt trời... Phương tiện dùng để dựng nên căn nhà chỉ với những chiếc rìu. Các “kiến trúc sư” vai trần chân đất đóng khố của cộng đồng tự thiết kế, tạo dáng riêng cho tộc người của mình. Đó là các nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, nghề rèn sắt, nghề đúc nhẫn bạc, nghề nặn nồi đất...
                Việc tổ chức lễ hội thường xuyên giới thiệu di sản văn hóa Tây Nguyên, tôn vinh các nghệ nhân, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp xúc với tinh hoa văn hóa dân tộc, góp phần gìn giữ khôi phục các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lễ hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
                Trả lời câu hỏi làm thế nào để bảo tồn tốt nhất những giá trị văn hóa Tây Nguyên trong bối cảnh hiện đại, nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas, người đã dành cả đời mình làm cho cả thế giới biết và hiểu cách sống của người M'Nông Gar”, người bạn lớn của núi rừng Tây Nguyên, cho biết:
                Người Mnông Gar Tây Nguyên luôn sống hòa mình với thiên nhiên. Họ có những giá trị văn hóa không giống người Kinh như không có thói quen tích lũy của cải chẳng hạn. Họ quan niệm người giàu có là người cho đi nhiều nhất. Gặp bạn, họ không hề tiếc những chum ché đẹp rượu ngon...Vì thế điều nguy hại nhất là việc áp đặt chủ quan giá trị của một cộng đồng này lên một cộng đồng khác, hoặc đánh giá những giá trị của cộng đồng khác bằng con mắt của cộng đồng mình.
                Với việc bảo tồn theo tôi quan trọng nhất là bảo tồn những giá trị văn hóa có sẵn. Hãy tôn trọng những gì đã có chứ không phải “gia công” lại để cho nó đẹp hơn, trên thực tế sẽ làm biến dạng nó.
                Không thể ngay một lúc tạo ra các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mà phải tôn trọng những truyền thống có sẵn và đặt nó trong tính tổng thể, trong không gian văn hóa.

 

Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai trong quá trình đô thị hóa / Nguyễn Thị Kim Vân // Sách Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền vững. - H.: Chính trị quốc gia Sự thật, 2016. - Tr. 302-317
Trong truyền thống của cư dân tại chỗ Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, cồng chiêng không tồn tại như một nhạc cụ hay một phương tiện giải trí đơn thuần. Nếu không phải do các nghệ nhân, các diễn viên không chuyên đang tập văn nghệ, đang chuẩn bị cho một cuộc liên hoan, biểu diễn nào đó... thì chắc chắn chúng ta không thể tự nhiên mà nghe được âm thanh cồng chiêng vang lên giữa các buôn làng. Bài viết này không xem xét cồng chiêng dưới góc độ một nhạc khí mà nhìn nhận nó dưới góc độ văn hóa, với chức năng là một linh khí cùng môi trường cần và đủ để linh khí đó tồn tại cùng những chuyển biến của nó trong quá trình đô thị hóa.
1. Cồng chiêng trong đời sống của các dân tộc tại chỗ tỉnh Gia Lai
a) Giá trị tinh thần
Trên thực tế, cồng chiêng không chỉ có trong văn hóa của cư dân bản địa Tây Nguyên, ở miền Trung Việt Nam mà cònphổ biến ở nhiều vùng trong cả nước như Việt Bắc, Tây Bắc và cả trong người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ...; trong nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Lào, Mianma, Philíppin, Inđônêxia... nhưng cho đến đầu thế kỷ XXI thì không phải ở đâu cồng chiêng cũng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người như đối với cư dân bản địa Tây Nguyên nói chung, người Bana và Giarai nói riêng. Sự phổ biến của cồng chiêng trong tất cả các tộc người ở Tây Nguyên cho thấy cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào. Nó có mặt trong hầu hết các nghi lễ của cá nhân, của từng gia đình, cộng đồng và cả trong những lễ hội suốt một mùa trồng tỉa của cư dân nông nghiệp, ở vùng Ayun Pa, Yang Pơtao Apui (thường được dịch là vua Lửa) đã tồn tại hơn nửa thiên niên kỷ với khả năng có thể "gọi mưa, trừ hạn" trong niềm tin của một bộ phận người Giarai, Bana, Êđê cũng sử dụng cồng chiêng như một phương tiện để giao tiếp với thần linh, đặc biệt là lễ cầu mưa.
Vai trò của cồng chiêng trong lễ/lễ hội gần như vaitrò của khói nhang trong lễ/lễ hội của người Việt. Âm thanh cồng chiêng vang xa chính là phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh; âm thanh cồng chiêng cũng đồng thời là phương tiện nhanh nhất để chuyển tải thông tin giữa các buôn làng. Chỉ cần nghe tiếng chiêng, những người trong làng, trong vùng sẽ hiểu rằng ở phía có tiếng chiêng đang diễn ra điều gì để chuẩn bị đến chia buồn hoặc chung vui.
Đối với người Giarai, khi nghe bài Trong hor (Chơkar trong hor) đánh bằng chiêng aráp, âm điệu buồn, mọi người đều biết nơi có tiếng chiêng vừa có người từ giã cõiđời; nghe bài Chok kơ mơnuih djai đánh bằng chiêng Aráp, có âm điệu buồn là biết người chết chuẩn bị được đưa từ nhà sàn xuống đất để khiêng ra khu nhà mồ; nghe bài Chok kơ arăng đánh bằng chiêng aráp là bài tiễn đưa người chết, nghe bài này đồng bào biết người chết đang trên đường được đưa đến khu nhà mồ, lần thứ hai nghe lại bài này cho biết việc chôn cất đã xong; bài Anong thuach với âm tiết vui tươi, đánh bằng chiêng aráp chỉ có trong lễ bỏ mả; bài Iâo tui dra ju chỉ đánh khi bỏ mả, với âm điệu vui, thay lời mời gọi thanh niên, người già đến mừng người chết được về đoàn tụ với ông bà ở "làng atâu"; còn bài Kơ dja đánh bằng chiêng tơnăh thì cho biết phía có tiếng chiêng đang có lễ hội vui...
Để một bộ cồng chiêng trở thành linh khí phải trải qua nhiều công đoạn: Khi thợ đúc đồng người Việt làm ra những chiếc cồng chiêng là mới hình thành được "phần xác" của cồng chiêng, mới tạo ra những "lá đồng" đơn thuần có hình dáng cồng chiêng - có thể coi đây chỉ là bước làm xong ngôi nhà cho thần chiêng trú ngụ. Việc mang lại "phần hồn" cho cồng chiêng thì phải do chính các dân tộc sử dụng cồng chiêng thực hiện. Sau khi mua cồng chiêng của người Việt về, những thợ chỉnh chiêng chuyên nghiệp của từng tộc người sẽ gò chỉnh lại để từng chiếc cồng chiêng có được âm thanh theo yêu cầu thang âm trong biên chế của mỗi bộ chiêng. Công việc chỉnh sửa cồng chiêng (đồng bào quen gọi là "lên dây chiêng") nhằm mang lại những âm thanh “chuẩn" cho các bộ chiêng hiện rất ít người làm được. Người Tây Nguyên tin rằng chỉ có những người được "Yang (thần) cho âm thanh" của cồng chiêng mới làm được nghề này và thường “cha truyền con nối”. Mỗi khi bắt tay vào gò chỉnh một bộ cồngchiêng, người thợ thường thực hiện một nghi lễ cúng yang và mong yang cho họ có những âm thanh cần thiết.
Hoàn thành việc đem lại thang âm "chuẩn" cho bộ chiêng, chủ nhân của nó phải thực hiện một lễ hiến sinh để gọi hồn chiêng vào trong những lá chiêng. Từ đây cồng chiêng mới trở thành một linh khí thật sự. Đồng bào tin rằng vật hiến sinh càng lớn (bò, trâu) thì thần chiêng càng linh thiêng, khả năng giao tiếp với thế giới thần linh càng cao. Tuy nhiên, đồng bào lại cũng tin rằng, không phải ai có cồng chiêng cũng được thần linh phù hộ như nhau mà còn tùy thuộc vào việc thần chiêng có hợp với gia chủ hay không; hồn của gia chủ có đủ mạnh để chế ngự, thậm chí điều khiển được thần chiêng hay không. Đó cũng là lý do có gia đình phải bán đi những bộ chiêng rất quý với giá rẻ.
Thông thường, mỗi bộ cồng chiêng của người Tây Nguyên có hai phần: phần tiết tấu được thể hiện bằng những chiếc cồng (có núm); phần giai điệu được thể hiện bằng những chiếc chiêng (không có núm). Ngoài ra, biên chế đủ để thể hiện âm nhạc cồng chiêng còn có lục lạc, chũm chọe, đôi khi có thêm cả trống. Một số tộc người ở Tây Nguyên còn biên chế các loại cồng chiêng thành những bộ có tên gọi riêng để phục vụ cho những công việc, những lễ hội cụ thể. Người Giarai ở khu vực Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) thường sử dụng mỗi loại chiêng vào những nghi lễ có cùng tính chất.
Với chức năng một linh khí, cồng chiêng cần có môi trường văn hóa để tồn tại. Môi trường văn hóa ấy bao gồm cả môi trường tín ngưỡng; môi trường thiên nhiên; môi trường dân trí... và lòng tự tôn dân tộc. Chỉ có niềm tin mới làm cho người ta thật sự trân trọng những phương tiệngiúp chuyển tải ý nguyện của con người đến thần linh. Mặt khác, việc giao tiếp với thần linh cũng cần có một không gian phù hợp. Đồng bào không thể cúng yang và đánh chiêng giữa dòng xe cộ tấp nập, ồn ào; lễ bỏ mả sẽ kém phần linh thiêng nếu nghĩa địa của làng không đủ thanh tịnh, thâm u; cư dân trong vùng ảnh hưởng của Pơtao Apui đã không còn làm lễ cầu mưa vì một năm người Giarai ở Ayun Pa có thể làm 3 vụ lúa do có nước tưới từ công trình thủy lợi Ayun Hạ... Và đồng bào Tây Nguyên cũng không thể hết lòng với cồng chiêng nói riêng, di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc nói chung nếu lòng tự hào dân tộc không được tiếp tục khơi nguồn.
b) Giá trị vật chất
Khi nhắc đến những tài sản quý của cư dân tại chỗ Tây Nguyên, trong đó có đồng bào Bana và Giarai ở tỉnh Gia Lai, người ta không thể không kể đến cồng chiêng như một niềm tự hào của gia chủ. Đó là niềm tự hào của những người được coi là giàu có trong một xã hội mà đồng tiền chưa phải là thứ có sức mạnh tối thượng.
Có lẽ từ giá trị tinh thần của cồng chiêng cùng với sự khan hiếm của nó do cư dân bản địa Tây Nguyên chưa có kỹ thuật đúc/gò đồng ở trình độ cao mà từ xa xưa, người Tây Nguyên đã coi cồng chiêng là một trong những tài sản có giá trị vật chất to lớn. Số lượng cồng chiêng cùng với giá trị của từng loại cồng chiêng chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự giàu có và quyền lực của chủ nhân trong hầu hết các tộc người Tây Nguyên.
Những ghi chép của người Pháp ngay từ những ngày đầu họ có mặt ở miền Trung Việt Nam và Tây Nguyên đã chứngtỏ điều đó. H. Maitre viết: “các sản vật trao đổi chính là những chiếc cồng nổi tiếng của Trung Quốc và Bắc Kỳ. cồng Trung Quốc to phẳng... gọi là knah - giá khoảng 25 đồng piastre một chiếc, cồng Bắc Kỳ phình ở giữa, bán thành từng bộ 3 chiếc: một to, một nhỡ, một nhỏ. Giá của một bộ cồng này ngang với một chiếc cồng Trung Quốc lớn. Cồng Bắc Kỳ được đúc tại Hà Nội và Nam Định. Những người trưng thuế An Nam mang cồng đổi lấy ngà voi, ngựa và đôi khi cả voi. Một chiếc knah có thể đổi được 1 kg kỳ nam, hoặc một sừng tê giác, hoặc từ 10 tới 14 kg ngà voi, hoặc 1 con ngựa tốt hoặc 2 con ngựa thường”.
Tư liệu từ nguồn này cho biết: Tại Bình Định, An Sơn là một trung tâm buôn bán lớn. Đây là điểm cuối cùng hàng hóa từ cao nguyên đổ về: “Nhưng luật An Nam trừng trị nghiêm khắc những người An Nam ở lại trên đất của người Thượng và những ai đi quá An Sơn để vào Trung Kỳ. Sự thực là những người An Nam đã thiết lập được một sự giao thương đáng kể với người Thượng nhưng không một ai dám nghĩ tới việc ở hẳn lại. Về phần mình, những người Thượng cũng xuống tới tận An Sơn để mua bán nhưng không bao giờ vượt qua điểm giới hạn đó”. “Năm 1840, các quan An Nam trao cho thủ lĩnh Bana có ảnh hưởng tên là Kiêm một bản sắc phong, theo đó, nhà vua của triều đình Huế công nhận ông ta là thủ lĩnh của những người Thượng và thay mặt mình ở vùng Thượng. Vị thủ lĩnh đáng sợ và trung thành với người An Nam này đã tiến hành những cuộc trao đổi, buôn bán quan trọng với người An Nam và làm cho đường vào hinterland trở nên dễ dàng”.
Chúng ta cũng có thể tham khảo để so sánh tương quan về giá giữa cồng chiêng với những tài sản quý giá khác ở khu vực bắc Tây Nguyên để thấy rõ hơn giá trị của cồng chiêng ở thời điểm những năm 30 của thế kỷ XX qua ghi chép của các quan lại người Việt: Để có được một bộ cồng chiêng theo yêu cầu sử dụng thông thường của người Tây Nguyên với 11 chiếc, loại một thước tám, đồng bào phải mua với giá 55 đồng, tương đương với 7 con trâu loại trung bình (sừng 1 gang), 11 con trâu loại nhỏ (sừng mới mọc), trong khi đó, giá một chiếc vòng đồng loại 1 sải, thương lái cũng chỉ bán được cho người Thượng với giá 0,40 đồng; giá một chuỗi hạt cườm to (chuỗi 50 hạt), thương lái cũng chỉ bán được 0,50 đồng; giá một chuỗi hạt cườm nhỏ (chuỗi vừa lọt đầu) đồng bào cũng chỉ mua với giá 0,02 đồng.
Như vậy, cho đến cuối thập niên 30 của thế kỷ XX, cồng chiêng vẫn là loại hàng hóa có giá trị nhất trong những mặt hàng mà thương lái người Kinh bán cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Chính vì giá trị và giá cả của nó nên chắc chắn không phải bất kỳ gia đình Giarai, Bana nào cũng mua được cồng chiêng, mà chỉ những người giàu có mới có thể mua được loại tài sản này. Và như thế, việc có nhiều cồng chiêng, nhất là những bộ cồng chiêng đắt tiền còn chứng tỏ cả uy lực của các chủ nhân.
Hiện nay người Tây Nguyên sử dụng phổ biến các loại cồng chiêng có nguồn gốc khác nhau: chiêng Lào, chiêng Yoăn (của người Kinh làm), chiêng Kur đưa từ Campuchia sang. Từ sau ngày giải phóng, cồng chiêng của người Mường vùng Thanh Hóa cũng là một loại cồng chiêng quý được người Bana và Giarai ưa thích. Theo nghệ nhân chỉnh sửa cồng chiêng Nay Phai (ở huyện Krông Pa), ngoài những loại cồng chiêng trên, còn có một loại cồng chiêng quý của người Giarai mà ông gọi là chiêng “Nga” và giải thích là nó có nguồn gốc từ nước Nga (phải chăng đây là những chiếc cồng chiêng có nguồn gốc từ Trung Quốc mà H. Maitre đã nhắc đến). Trong số những loại cồng chiêng trên, loại đến nay vẫn có giá trị cao nhất trong trao đổi, mua bán là chiêng Lào với các tên như pát, pơxơi... trên thực tế, rất hiếm gặp một bộ cồng chiêng mà tất cả các chiếc trong bộ đó là chiêng Lào.
Ngày nay, cùng với hàng hóa ngày càng phong phú, việc giao thương nội vùng và giao thương với bên ngoài ngày càng dễ dàng thì việc đưa cồng chiêng vào Tây Nguyên không còn quá khó khăn, việc sử dụng tiền các loại ngày càng phổ biến nên cồng chiêng không còn được dùng trong trao đổi như những vật ngang giá..., cùng với đó, điều kiện kinh tế - xã hội trong khu vực đồng bào Bana, Giarai đã có nhiều thay đổi, nhất là thay đổi trong cơ cấu cây trồng... làm cho vai trò của cồng chiêng trong đời sống của cư dân Bana, Giarai ngày càng suy giảm. Giá trị tinh thần, vật chất của cồng chiêng không còn được như xưa. Tuy nhiên đối với lớp người cao niên thì cồng chiêng vẫn là những vật linh thiêng, là nguồn tài sản không thể thay thế, có lẽ đó cũng là lý do cho đến tận hôm nay vẫn còn có nhiều gia đình Bana, Giarai lưu giữ trong nhà trên 5 bộ cồng chiêng.
2. Không gian văn hóa cồng chiêng - những thăng trầm trong quá trình đô thị hóa
a) Nguy cơ mai một của không gian văn hóa cồng chiêng trước thời điểm di sản văn hóa phi vật thể này được UNESCO công nhận.
Những người quan tâm đến văn hóa cồng chiêng, âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên đều dễ dàng nhận thấy nguy cơ mai một qua sự suy giảm nhanh chóng về số lượng cồng chiêng ở các tỉnh Tây Nguyên, ở thời điểm năm 1980, tỉnh Gia Lai - Kon Tum có hàng chục ngàn bộ cồng chiêng, con số cồng chiêng của mỗi làng đến hàng chục bộ, không ít gia đình giàu có cất giữ trong nhà trên dưới 10 bộ cồng chiêng. Nhưng đến năm 2004, số lượng cồng chiêng của tỉnh Gia Lai chỉ còn 5.117 bộ, tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ còn 3.113 bộ. Ở Đắk Lắk trong vòng 10 năm, từ năm 1982 đến năm 1992 mất đi 5.325 bộ cồng chiêng và 10 năm tiếp đó, từ năm 1993 đến năm 2003, tỉnh này tiếp tục bị mất 850 bộ. Trong những thập niên ấy, "chảy máu cồng chiêng" trở thành cụm từ phổ biến nhất khi người ta bàn về cồng chiêng Tây Nguyên.
Sự suy giảm về số lượng cồng chiêng cũng đồng nghĩa với những sinh hoạt cộng đồng, gia đình gắn với cồng chiêng dần thưa vắng. Hay nói một cách chính xác hơn, những nghi lễ truyền thống của gia đình, cộng đồng vắng dần làm cho người ta không còn cần đến cồng chiêng - linh khí quan trọng trong những cuộc "giao tiếp" giữa con ngườivới các thần linh. Trên các buôn làng cao nguyên, mùa lễ hội tháng ba dường như cũng "nhạt" đi khi cây cao su, cà phê ngày càng lấn át không gian của yang Hri - thần Lúa; những chiếc giếng khoan thay dần những giọt nước tưởng sẽ trường tồn với các buôn làng. Và niềm tin vào Chúa trời của bộ phận dân cư theo đạo Tin Lành cũng biến cồng chiêng thành vật vô dụng. Trong một cuộc gặp gỡ với mục sư Siu Kim (ở Plâycu), khi được đặt câu hỏi "Tại sao những người theo đạo Công giáo vẫn sử dụng cồng chiêng mà Tin Lành lại cấm tín đồ sử dụng di sản văn hóa độc đáo này?" thì được ông trả lời "Tin Lành không cấm, nhưng vì không còn tin vào các thần nữa nên tín đồ Tin Lành không sử dụng cồng chiêng".
Cồng chiêng mất đi, những bài chiêng cổ cũng "theo" người già sang "thế giới ông - bà", thang âm của những dàn chiêng cổ cứ thế đi dần vào quên lãng. Từ một vài bộ cồng chiêng được chỉnh sửa để có thang âm của âm nhạc phương Tây, treo lên thành giàn, cho một người biểu diễn như những nhạc cụ gõ thông thường, phong trào cải tiến cồng chiêng lan dần khắp các cao nguyên của người Giarai, Bana, Xơđăng, Êđê, Mnông... trong suốt thập niên 90 của thế kỷ XX. Đây cũng là khoảng thời gian cồng chiêng chỉ còn là sự tiếc nuối của những người già. Có một thực tế, khi được hỏi tại sao trong nhà chỉ còn duy nhất một chiếc sa lớn trong bộ chiêng Kơđơ - một loại cồng chiêng vốn rất quý của dân tộc Giarai, cụ bà chủ nhà ở bôn Ama Djơng, thị xã Ayun Pa buồn rầu trả lời "con mình bán hết rồi, mình phải giữ lại một chiếc để khi chết đi thì úp vào ngực". Đối với thanh niên, khi nói chuyện đánh cồng chiêng, họnghiễm nhiên coi đó là việc của những người già, của lớp người "lạc hậu".
b) Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hồi sinh với những chuyển biến cả về hình thức và nội dung.
Ngày nay đi đến buôn làng nào ở Gia Lai, nếu yêu cầu được xem trình diễn cồng chiêng, cũng sẽ được đáp ứng; cồng chiêng hiện không chỉ thân thuộc với người già, mà nhiều thanh, thiếu niên Giarai, Bana cũng rất hứng thú với di sản văn hóa này; trong những năm qua, số lượng cồng chiêng ở Gia Lai đã tăng từ con số 5.117 bộ năm 2004 lên 5.655 bộ vào đợt kiểm kê năm 2008, ở một xã của huyện Ia Grai đã có hơn 500 bộ cồng chiêng, có gia đình ở xã Ia O huyện này đang lưu giữ 9 bộ chiêng quý... Nguyên nhân, giải pháp làm nên điều kỳ diệu ấy đó là:
Một là: Việc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại làm cho các chủ nhân của di sản thêm tự hào về giá trị văn hóa truyền thông của dân tộc mình nói chung, văn hóa cồng chiêng nói riêng và ngày càng trân trọng, quan tâm bồi đắp, làm giàu thêm cho di sản.
Từ khi người Pháp có mặt ở Tây Nguyên, các dân tộc trên vùng đất này thường bị coi là lạc hậu. Dưới thời Ngô Đình Diệm, cùng với chính sách "đồng hóa" người Thượng do chính quyền trung ương đặt ra, các địa phương còn đặt thêm những quy định riêng: Tỉnh trưởng Đắk Lắk bắt buộc những người Êđê muốn vào thành phố Buôn Ma Thuột phải mặc quần dài và áo sơmi; ở Plâycu, người Giarai không đượclàm nhà sàn mà phải làm nhà trệt như người Việt; những năm đầu giải phóng, đã có lúc, có nơi cuộc vận động đồng bào “xóa khố”... được triển khai. Những việc làm trên, cùng những điều mắt thấy, tai nghe đã làm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bị ám ảnh rằng, phong tục, tập quán nói riêng, văn hóa cổ truyền nói chung của dân tộc mình là lạc hậu. Tư tưởng này làm cho giới trẻ chỉ quan tâm đến việc học theo, bắt chước những gì mà họ cho là thuộc về một xã hội văn minh.
Sau khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận, các phương tiện thông tin đại chúng đã dành nhiều thời lượng tuyên truyền cho di sản, giới thiệu những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo trong di sản văn hóa thế giới này, làm cho người Tây Nguyên, đặc biệt là lớp trẻ biết yêu và ngày càng trân trọng vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Từ đây, số người trẻ tham gia các đội cồng chiêng ngày càng nhiều. Hiện nay, hình ảnh những đội cồng chiêng thiếu nhi, hay những bé trai từ 7 - 10 tuổi say sưa trình diễn trong các chương trình cồng chiêng không còn hiếm. Văn hóa cồng chiêng đã thật sự kết nối được các thế hệ, các cộng đồng dân cư, các dân tộc và là tiếng nói chung của nhiều quốc gia...
Hai là: việc các địa phương quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ cho đồng bào tổ chức các lễ hội có sử dụng cồng chiêng đã làm cho không gian văn hóa cồng chiêng được phục hồi nhanh tại cộng đồng.
Sau nhiều năm, do ranh giới giữa văn hóa truyền thống và mê tín dị đoan chưa được phân định rõ ràng, nhiều lễ hội cổ truyền chưa được quan tâm đúng mức. Những năm gần đây, chính quyền các cấp đã động viên các cộng đồng tổ chức lễ hội truyền thống tại các buôn làng. Nhiều địa phương, chính quyền còn hỗ trợ một phần kinh phí cho đồng bào khôi phục những lễ hội cổ truyền có sử dụng cồng chiêng: ở Đắk Lắk, một số huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí cho chủ các bến nước ở các buôn Êđê mua sắm đầy đủ lễ vật làm lễ cúng bến nước; ở Gia Lai, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc nghiên cứu, phục dựng thành công lễ hội Sơmah Kơ Cham (lễ đón năm mới) của người Bana ở làng Tơnung 1, xã Ya Ma, huyện Kông Chro. Đây là làng nằm trong vùng căn cứ cách mạng của tỉnh những năm kháng chiến chống Mỹ, điều kiện kinh tế hiện vẫn rất khó khăn. Hằng năm, bà con đều tổ chức Sơmăh Kơ Cham, nhưng không thể tiến hành một lễ hội với đầy đủ lễ vật như mong muốn. Vì vậy, việc nghiên cứu, phục dựng lễ hội Sơmăh Kơ Cham không chỉ giúp các nhà nghiên cứu nắm bắt được toàn bộ quy trình của lễ hội, thực hiện được bộ phim tài liệu có giá trị về một sinh hoạt văn hóa dân gian của người Bana, mà còn đem lại cho đồng bào một không khí lễ hội tưng bừng, làm cho người dân đặc biệt phấn khởi, háo hức đón nhận và tham gia lễ hội. Năm 2009, sau khi sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Gia Lai phục dựng thành công nghi lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (thần vua Lửa) thì nghi lễ này cũng được nhiều làng ở các huyện thuộc thung lũng Ayun Pa khôi phục.
Ba là: Việc tổ chức các cuộc giao lưu, gặp gỡ, liên hoan... và đưa các đoàn cồng chiêng Tây Nguyên tham gia cácchương trình giao lưu văn hóa ở nước ngoài đã tạo cơ hội cho đồng bào được giới thiệu cái hay, cái đẹp của dân tộc mình với các cộng đồng dân cư khác, đồng thời cũng hiểu thêm về văn hóa cồng chiêng của các dân tộc, quốc gia khác để làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng là một nhu cầu, một yếu tố kích thích để không gian văn hóa cồng chiêng nhanh chóng phục hồi.
Ngày 28-3-2006, 4 tháng sau khi di sản được công nhận, tại sân vận động thành phố Plâycu, cuộc hội ngộ đầu tiên của 11 dân tộc là chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã diễn ra tưng bừng, hứng khởi trong lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức. Một năm sau đó, năm 2007, tại công viên Diên Hồng thành phố Plâycu, Viện Văn hóa - Nghệ thuật cùng các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức thành công "Gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng". Đây là cuộc "kiểm kê" bước đầu về lực lượng quan trọng nhất trong các nghệ nhân của loại hình văn hóa cồng chiêng. Cuộc "gặp gỡ" này đã giúp các nhà quản lý nắm được số lượng, kỹ năng của những nghệ nhân cồng chiêng tài giỏi nhất, nhằm hoạch định một chương trình hành động quan trọng và thiết thực trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đến Liên hoan cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, sự hiện diện của hơn 60 đoàn cồng chiêng (thuộc 22 dân tộc có cồng chiêng trong nước, 5 quốc gia có cồng chiêng trong khu vực) với nhiều hoạt động trình diễn, lễ hội... thật sự là một cuộc biểu dương lực lượng văn hóa cồng chiêng, âm nhạc cồng chiêng chưa từng có, đápứng nhu cầu được giao lưu, được giới thiệu cái hay, cái đẹp trong văn hóa cồng chiêng của các dân tộc. các địa phương, những cuộc liên hoan cồng chiêng từ cấp xã, đến huyện, tỉnh cũng được tổ chức thường xuyên, khuyến khích đồng bào tham gia ngày càng tích cực vào các sinh hoạt văn hóa gắn với cồng chiêng.
Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng quan tâm đến việc tổ chức cho các đoàn cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên tham gia các chương trình hoạt động văn hóa - nghệ thuật của các quốc gia trên thế giới. Một số đoàn cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên đã được tham gia các hoạt động trình diễn tại Mỹ, Italia, Hàn Quốc... và để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng quốc tế, góp phần làm nên thành công của kênh ngoại giao văn hóa những năm qua.
Ngoài ra, nhiều hoạt động trong khuôn khổ các chương trình nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng cũng đã được tổ chức tại các tỉnh như trang bị cồng chiêng cho các cộng đồng không còn cồng chiêng; đưa cồng chiêng vào truyền dạy trong các trường dân tộc nội trú; mở lớp truyền dạy chỉnh chiêng để nhân rộng lực lượng này... tạo điều kiện cho cồng chiêng được hồi sinh.
Như vậy, ban đầu, với chức năng một linh khí, cồng chiêng cần có môi trường văn hóa để tồn tại. Môi trường văn hóa ấy bao gồm cả môi trường tín ngưỡng; môi trường thiên nhiên; môi trường dân trí... và lòng tự tôn dân tộc. Chỉ có niềm tin mới làm cho người ta thật sự trân trọng những phương tiện giúp chuyển tải ý nguyện của con người đến thần linh.
Cùng với quá trình đô thị hóa, điều kiện kinh tế và trình độ dân trí trong vùng đồng bào các dân tộc ít người ngày càng được nâng lên, việc giữ gìn môi trường văn hóa cho cồng chiêng trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa là hết sức khó khăn, chính vì thế không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng cũng đã có những chuyển biến cả về nội dung và hình thức thể hiện.

MINH PHAN. Lên Tây Nguyên nghe tiếng vọng cồng chiêng / Minh Phan // Báo Đất Việt. - 2012. - Số 156. - Ngày 13/7. - Tr. A1

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những ché rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian huyền ảo.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là đồng bào các dân tộc thiểu số: Bahnar, Xê đăng, M'nông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Jrai... Cư dân Tây Nguyên không tự đúc được cồng chiêng, nhưng với đôi tai và tâm hồn âm nhạc nhạy cảm họ đã nâng giá trị của một sản phẩm hàng hóa thành một nhạc cụ trình diễn tuyệt vời.
                Điều đặc biệt, cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh âm cơ bản bao giờ cũng vang kèm một vài âm phụ khác. Hơn thế, âm thanh cồng chiêng đạt đến một trình độ biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng thái, tình cảm của con người trong cuộc sống: Chiêng tang lễ hay bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn; chiêng mùa gặt thì thánh thót, vui tươi; chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã...
Mỗi năm, người Tây Nguyên tổ chức hàng trăm lễ hội: Nào là lễ cúng bến nước, lễ rước Kpal, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ cúng sức khỏe cho khách, lễ đâm trâu, lễ cưỡi voi... Bất cứ mỗi một lễ hội nào cũng không thể vắng tiếng chiêng. Và mỗi khi nhạc chiêng vang lên thì cũng là lúc mỗi thành viên trong buôn làng vui vầy sum họp, là lúc cộng đồng xích lại gần nhau hơn.
Những thanh âm trầm hùng, huyền bí của tiếng cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Họ dùng tiếng cồng tiếng chiêng để diễn tả vẻ đẹp của thiên nhiên, để nói lên khát vọng của con người.
Không chỉ đơn thuần là một loại nhạc cụ thuần túy mà cồng chiêng còn được đồng bào Tây Nguyên cho là phương tiện để giao tiếp với thần linh. Ngoài ra, cồng chiêng còn được xem là thước đo cấp độ giàu sang của từng gia đình, dòng họ. Chính vì vậy, cồng chiêng luôn được đồng bào Tây Nguyên xem như là bảo vật.
Ở một số nước Đông-Nam Á, cồng chiêng cũng rất phổ biến, nhưng về kỹ thuật sử dụng thì cồng chiêng Tây Nguyên có những nét đặc trưng riêng hoàn toàn khác biệt. Nếu như ở Lào, Indonesia hay Malaysia..., cồng chiêng được kết thành dàn và trở thành một loại nhạc cụ do một người diễn tấu thì trong diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên mỗi người chỉ được đánh một chiêng, dàn chiêng có bao nhiêu cái thì có bấy nhiêu người đánh. Tuy nhiên để diễn tấu hoàn thiện một bài chiêng thì đòi hỏi mỗi người, tuy đánh một cái chiêng nhưng bắt buộc phải "hiểu" các chiêng khác đánh như thế nào.
Tây Nguyên có nhiều tộc người, nhưng họ luôn hòa hợp lẫn nhau trong văn hóa cồng chiêng mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không có hiện tượng loại trừ hay đồng hóa văn hóa của nhau trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.
Âm thanh cồng chiêng đem đến những cảm xúc rạo rực khó tả khiến người ta tìm đến nhau. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo.
Ngày nay, cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ được dùng khu biệt trong các lễ hội của đồng bào bản địa mà đang được nhiều người, nhiều quốc gia biết đến qua hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch, khách quốc tế, và đi lưu diễn tại các nước như: Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Madagasca... Đi đến đâu, tiếng chiêng Tây Nguyên cũng đều được hoan nghênh cổ vũ nồng nhiệt. Tại các buôn làng Tây Nguyên, khi du khách đến tất cả họ đều muốn thưởng thức một nhịp chiêng, nhịp cồng cùng với những điệu nhảy say đắm lòng người của những cô gái Ê Đê, M'nông bên cạnh những ánh lửa hồng giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ.
TRẦN ĐẠI. Âm vang cồng chiêng hồn của đại ngàn / Trần Đại // Báo Cảnh sát toàn cầu. - 2013. - Số 85. - Tháng 1. - Tr. 4
                Trong quá trình tồn tại và kiếm sống của con người, những lúc vui hay buồn, nghe được một bài dân ca hay tiếng đàn trầm lắng, thậm chí tiếng gió reo, suối chảy dù dồn dập hay khoan thai vẫn cảm thấy tâm hồn nhẹ đi. Người không biết sử dụng nhạc cụ vẫn có thể thả hồn theo tiếng nhạc. Có những nhạc cụ chỉ một người sử dụng, nhưng có loại phải hòa âm tập thể để âm vang cùng lúc bay bổng lên không gian, đi vào lòng người. Cồng chiêng là loại nhạc khí cộng đồng kết hợp giữa con người và trái đất. Bao đời nay tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, đã lan tỏa hồn Việt ra khắp thế giới.
                Vào năm 1977, một số nhà khoa học thuộc tổ chức NASA muốn tìm hiểu sự sống của người ngoài hành tinh nên đã chuyển thông điệp lên vũ trụ bằng các đĩa nhạc hợp kim gồm những bài dân ca với thời lượng 88 phút. Đĩa nhạc này có thể tồn tại trên vũ trụ hàng triệu năm. Các chuyên gia cho rằng âm nhạc làm cho con người có thể chia sẽ được cảm xúc và làm cầu nối với nhau cho dù đang tồn tại trong các hành tinh có nền văn minh khác nhau. Trong văn hóa cổ người Việt, trên vành hoa văn thứ 6 của trống đồng Ngọc Lũ I - thời đại Hùng Vương, có khác cách đánh chiêng của người Việt. Như vậy có thể khẳng định rằng: Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng đã được ra đời rất sớm.
                Cồng chiêng là loại nhạc cụ thuộc bộ gõ hoặc loại tự thân vang được đúc bằng đồng hoặc đồng pha gang có nhiều kích cỡ. Cồng và chiêng khác nhau, cồng có núm ở giữa, chiêng không có núm. Dàn cồng bao giờ cũng đảm nhiệm vị trí bè trầm thường đi từng cặp, chiêng đảm nhiệm phần giai điệu có tính tự sự, ca xướng. Người nghe đứng từ xa có thể phân biệt âm vang một cách rõ ràng "Pộp" là tiếng cồng còn "Pan" là tiếng chiêng, hai tiếng này luôn luôn đi với nhau trong suốt quá trình thể hiện. Ngoài ra, đi kèm với dàn cồng chiêng hoàn chỉnh còn có thêm các nhạc khí hỗ trợ như bộ lục lạc, xập xòa và trống đại.
                Đối với những bộ cồng chiêng lớn phải có người khiên hoặc treo trên giá cố định, chiêng nhỏ buộc dây xách bằng tay trái, tay phải cầm dùi gõ. Dùi chiêng làm bằng gỗ, đầu gỗ có núm tròn bọc vải hoặc da thú. Cũng có khi đánh chiêng bằng tay, âm thanh tuy không vang to nhưng êm dịu mềm mại. Cồng chiêng là loại nhạc khí chủ lực trong các lễ hội, không phải chỉ tồn tại ở Tây Nguyên mà có mặt bất kỳ bộ tộc nào trong nền văn minh lúa rẫy ở Việt Nam. Tuy nhiên gọi được hồn của loại nhạc khí này về hội nhập với hơi thở buôn làng là một điều không phải dễ dàng, nghệ nhân phải là những người có tai thính, đôi tay khéo léo trong quá trình chỉnh sửa, họ không những là người có thao tác tài hoa mà còn là những người có thể chuyển thông điệp của nhân dân buôn làng bằng âm thanh bay xa bay cao đến tận tai Yàng và ngược lại.
                Trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý và là tài sản có giá trị nhất trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Âm vang cồng chiêng luôn gắn bó số phận con người với buôn làng, đứa trẻ 3 tháng tuổi đã được tiếng cồng tiếng chiêng dẫn dắt gia nhập cộng đồng qua lễ "thổi tai", lớn lên theo âm thanh này từ các lễ hội, đến khi từ giã cõi đời cũng được tiếng cồng chiêng tiễn biệt về với Yàng. Có thể nói âm vang loại nhạc cụ này đã bám rễ vào đời sống của từng con người, được ướp hương thiên nhiên của trời của đất, theo bản năng sinh tồn của nền văn minh lúa rẫy. Người Tây Nguyên chỉ sử dụng cồng chiêng trong các dịp lễ hội truyền thống, tín ngưỡng hay cúng tế thần linh. Trong các ngày này, cồng chiêng là dàn nhạc chủ lực chiếm thời lượng nhiều nhất, các trai tráng trong buôn thay nhau gõ liên tục trong suốt 3 ngày 3 đêm. Mở đầu là bài Tiếng Gọi, đó là những khúc nhạc ngắn, đơn giản, do nhiều bộ hòa tấu với nhau tạo nên âm thanh trầm hùng, thôi thúc, đôi khi có những đoạn trống nhạc tùy hứng tiết tấu trở nên dồn dập hơn để kêu gọi dân làng ngừng việc về tham gia lễ hội. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu có đến 60 điệu chiêng khác nhau phục vụ cho phần nghi lễ như: Điệu mừng lúa mới, đâm trâu, đón và tiễn khách, đám cưới, tang ma, bỏ mả, xuống giống, cầu an... Tùy theo từng bài chiêng mà có trống lục lạc chuông đồng đi kèm để tạo nên sự hòa âm phong phú, các giai điệu của cồng chiêng thường được mô phỏng từ những âm thanh của thiên nhiên mang màu sắc của nắng gió của những tâm hồn mộc mạc nhưng đầy dũng khí của rừng núi đại ngàn.
                 Trong các lễhội dù đông vui đến mấy, nhưng nếu không có tiếng cồng chiêng hay hương vị rượu cần là mất đi sự linh thiêng trang trọng: Cồng chiêng là tiếng vọng của núi rừng, là bức thông điệp nối liền giữa thần linh với con người. Rượu cần thể hiện sự no đủ trong năm là bầu sữa ngàn đời của mẹ. Vào những ngày ấy, tại khu đất rộng trung tâm của buôn làng với bóng đêm trầm mặc bao trùm thôn bản giữa rừng núi mênh mông, đống củi khô do bà con mang về chất dựng đứng từ các ngày trước được châm lửa rừng rực cháy lên vọng theo tiếng nổ lép bép, khói và lửa bốc lên không trung rực trời đồng hành với gió. Ánh lửa càng về khuya càng tỏa sáng thấy rõ mặt người sung mãn đang đứng vây vòng xung quanh. Đứng giữa đám đông, già làng lấy hơi cất giọng trầm hùng, âm thanh vang lên như lời thưa gửi thay thông điệp đến với Yàng đến tai các vị thần linh.
                "Hỡi buôn làng! Hỡi thần núi, thần sông, thần đất, thần lúa... hỡi các buôn Đông, buôn Tây. Hãy về đây! Dân làng chúng tôi có một trăm ché rượu to, một ngàn ché rượu nhỏ. Nào ta cùng uống! Nào chiêng cồng to, nào chiêng cồng nhỏ, nào những giọng hát hay bay xa chín núi mười sông, ta hãy đánh lên ta hãy hát lên. Mong cho dân làng ấm no, con cháu chật nhà, heo gà đầy sân, lúa bắp đầy kho... Ố hô, ố hô!...". Lời già làng vừa dứt, tiếng cồng chiêng, tiếng lục lạc, tiếng xập xòa và tiếng trống đại vang lên dồn dập liên hồi làm rung chuyển cả núi rừng đánh thức giấc ngủ của muôn loài. Trong ánh lửa bập bùng trong đêm, những chàng trai vận khố đánh chiêng lúc trầm lúc bổng vang xa đến từng ngọn cây con suối, các cô gái với đôi mắt long lanh, uyển chuyển cầm tay nhau múa hát theo nhịp chiêng trống, rầm rập những bước chân trần chuyển động tạo ra một trái tim lớn hòa chung nhịp đập của trai gái buôn làng kéo dài thâu đêm theo các nhạc điệu theo từng mùa vụ.
                 Tây Nguyên bây giờ điện đã về phủ sáng đến tận các buôn làng, người vùng cao đã biết sử dụng dàn micro, amply khuếch tán với âm thanh hiện đại, tiếng vọng có thể đi xa hơn, già làng cũng không cần phải tốn nhiều công sức để hô to như xưa nữa, mọi thứ đều có điện hỗ trợ. Nhưng đã có hiện đại con người vẫn không thể dùng điện tử để thay thế bóng dáng lửa hồng, để thay thế tiếng cồng chiêng "Pập - Pan" tiếng lục lạc, xập xòa, tiếng trống đại và những bước chân rập rình. Và chắc chắn thời đại điện tử lại càng không thể thay thế những chum chóe rượu cần được xếp hàng thẳng tắp chờ đợi, vì bao đời nay âm vang quen thuộc này đã ngấm vào tâm thức của những thế hệ sống giữa rừng núi đại ngàn.
                Tiếng gọi "Hỡi thần núi, thần sông! Hỡi buôn làng..." sẽ trở thành tiếng vọng của núi rừng tiếp tục bay cao bay xa từ ngày xưa đến bây giờ và tận mai sau...
ĐÀO ĐỨC ĐIỆP. Cồng chiêng Tây Nguyên / Đào Đức Điệp / Tạp chí Du lịch Việt Nam. - 2010. - Số 12. - Tr.13
Nói đến Tây Nguyên ngoài kho tàng ngữ văn dân gian, nghệ thuật điêu khắc dân gian thì du khách đặc biệt quan tâm đến sử thi và cồng chiêng. Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Từ xa xưa, cộng đồng cư dân Tây Nguyên đã biết thổi hồn và tiếp thêm sức sống cho cồng chiêng để những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối tiếng gió, tiếng lòng, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Đây là một loại hình sinh hoạt gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc được sinh ra cho đến khi trở về với đất trời với vũ trụ, thể hiện qua các lễ hội, nghệ thuật tạo hình, múa dân gian, ẩm thực dân gian... Người dân nơi đây có cồng chiêng để ứng xử với thiên nhiên, cầu xin, giãi bày với thần linh, tổ tiên, đối thoại với cộng đồng và với chính mình. Hiếm có nhạc khí nào, sinh hoạt văn hóa nào lại có nhiều vai trò đến vậy.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là đồng bào các dân tộc thiểu số: Bahnar, Xê đăng, M'nông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Jrai... Cư dân Tây Nguyên không tự đúc được cồng chiêng, nhưng với đôi tai và tâm hồn âm nhạc nhạy cảm họ đã nâng giá trị của một sản phẩm hàng hóa thành một nhạc cụ trình diễn tuyệt vời. Để chơi cồng chiêng, người Tây Nguyên sử dụng hai phương pháp kích âm cơ bản là dùng dùi gõ và dùng nắm đấm. Thẩm mỹ của các tộc người vùng Bắc Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai là đều sử dụng dùi mềm, tạo hiệu quả âm thanh sắc nét, tròn ấm, vang rõ. Điều đặc biệt, cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh âm cơ bản bao giờ cũng vang kèm một vài âm phụ khác. Nếu một dàn 6 chiêng sẽ cho ta tối thiểu 12 âm hay nhiều hơn nữa. Điều đó lý giải tại sao âm sắc cồng chiêng nghe rất đầy đặn và có chiều sâu. Hơn thế, âm thanh cồng chiêng đạt đến một trình độ biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng thái, tình cảm của con người trong cuộc sống: Chiêng tang lễ hay bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn; chiêng mùa gặt thì thánh thót, vui tươi; chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã... ở các quốc gia khác, một người có thể đánh hàng chục cái chiêng, cả dàn chiêng nhưng trong tay các nghệ sĩ dân gian tài hoa Tây Nguyên, mỗi người chỉ đánh một chiêng. Và như thế dàn chiêng có bao nhiêu cái thì có bấy nhiêu người. Điều đó chứng tỏ tính âm nhạc phổ biến đến từng người và để thực hiện được một bài chiêng thì mỗi người tuy đánh một chiêng nhưng phải biết tất cả các chiêng khác đánh như thế nào. Cồng chiêng còn giữ vai trò là phương tiện để khẳng định cộng đồng và bản sắc văn hóa chung các dân tộc Tây Nguyên cũng như của từng tộc người. Mỗi dân tộc có một cách chơi chiêng khác nhau nhưng chỉ cần nghe tiếng chiêng là họ phân biệt được đó là dân tộc nào. Điều đặc biệt là Tây Nguyên có nhiều tộc người nhưng họ luôn hòa hợp lẫn nhau trong văn hóa cồng chiêng mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không có hiện tượng loại trừ hay đồng hóa văn hóa của nhau trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Âm thanh cồng chiêng luôn đem đến những cảm xúc rạo rực khó tả khiến họ tìm đến nhau. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo.
Ngày 25/1l/2005 Tổ chức UNESCO đã công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là ''Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng vùng đất Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào của nềnvăn hóa Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, tạo điều kiện để gìn giữ vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Đặc biệt, với sự kiện Festival cồng chiêng quốc tế đã thu hút sự quan tâm của du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để những chủ nhân đích thực của không gian văn hóa này thể hiện niềm tự hào của mình trước cả nhân loại. Tại đây không có nhiều yếu tố cải biên như cồng chiêng ở các lễ hội khác mà những giá trị gốc, cổ truyền được tôn vinh.
Bạn hãy thử một lần đến Gia Lai trong mùa ''ăn năm uống tháng'' với bạt ngàn những vạt hoa dã quỳ vàng rực rung rinh. Trong khoảng thời gian này người ta tạm quên đi những vất vả của cuộc mưu sinh để trả nghĩa với thần linh, cha mẹ, giao tiếp với bạn bè, cùng uống vài can rượu cần, nắm lấy tay những chàng trai cô gái da nâu mắt sáng, hòa mình vào điệu xoang bên ánh lửa bập bùng, chắc hẳn sẽ thật khó để ra về.
NGUYỄN THỊ KIM VÂN. Không gian văn hóa cồng chiêng bị thu hẹp / Nguyễn Thị Kim Vân // Báo Gia Lai cuối tuần. - 2010. - Số 2844. - Ngày 6/11. - Tr.6
Những năm gần đây, văn hóa cồng chiêng ở Gia Lai có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Sự trỗi dậy kỳ diệu của âm thanh cồng chiêng làm cho những người quan tâm đến văn hóa truyền thống Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung khấp khởi vui mừng. Nhưng đằng sau niềm vui ấy là câu hỏi tiếng cồng chiêng ấy vang lên ở đâu, lúc nào, để làm gì?
 Cồng chiêng trong môi trường tâm linh
 Ai quan tâm đến cồng chiêng Tây Nguyên đều biết, không có chuyện người Bahnar, Jrai… bỗng dưng vác chiêng ra để đánh chơi. Bởi văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Tây Nguyên đã ủy thác cho cồng chiêng một sứ mệnh đặc biệt. Tiếng cồng chiêng vang lên cũng có nghĩa là con người đã “khuấy động” vào thế giới của các thần (Yang) và linh hồn tổ tiên (Atâu) trong tín ngưỡng nguyên thủy của dân bản địa. Cồng chiêng của mỗi dân tộc, thậm chí mỗi nhóm địa phương, mỗi làng có ngôn ngữ riêng. Nghe âm thanh vang lên từ loại cồng chiêng nào, bài chiêng nào là dân làng, các cộng đồng láng giềng hiểu rằng có việc gì đang diễn ra ở nơi có tiếng chiêng.
 Trong văn hóa truyền thống, cồng chiêng có môi trường tâm linh của nó. Môi trường ấy bắt nguồn từ niềm tin sâu sắc rằng, con người đang tồn tại giữa/ cùng/ với các thần và gần lắm với thế giới tổ tiên. Ở đó, tiếng chiêng chỉ vang lên khi có một nghi lễ cụ thể. Nghi lễ ấy gắn với quá trình sinh- tử của một con người (ở gia đình), gieo- thu của một mùa vụ (ở nhà kho, trên nương rẫy), với bến nước (khi cúng bến nước), với nhà rông (khi đón năm mới, mừng chiến thắng, tạ ơn…), với nhà mồ (tang ma, bỏ mả)… Trong môi trường ấy, cồng chiêng là một linh khí, âm thanh của cồng chiêng như khói hương trong nghi lễ của người Việt giúp con người giao tiếp với thần linh và thế giới tổ tiên.
 Không gian văn hóa cồng chiêng ngày càng bị thu hẹp
 Đến nay, việc xác định chính xác cồng chiêng có mặt trong văn hóa truyền thống của cư dân Tây Nguyên từ khi nào vẫn còn là một dấu hỏi. Nhưng việc xác định những dấu mốc làm cho cồng chiêng dần xa môi trường- không gian văn hóa truyền thống của nó thì có thể điểm qua.
 Hơn một thế kỷ qua, kinh tế- xã hội Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đã chuyển biến nhanh chóng. Vùng cao nguyên đất đỏ này sớm thu hút sự quan tâm của những nhà tư sản kinh doanh các loại cây công nghiệp dưới chế độ thực dân. Nền kinh tế nương rẫy- nơi tồn tại của các vị thần và nghi lễ nông nghiệp- vì thế đã thu hẹp dần. Những thập niên sau đó, Tây Nguyên đã thật sự là một vùng đất “mở”, tiếp nhận thêm nhiều lớp dân cư mới. Văn hóa của các dân tộc nhập cư, cùng những tiến bộ trong đời sống vật chất và tinh thần của người Bahnar, Jrai… làm cho hệ thống thần linh “mỏng” dần trong bộ phận cư dân bản địa.         
 Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chủ trương xóa “mê tín dị đoan” đã làm cho văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên từng bước bị “giải thiêng”, văn hóa cồng chiêng cũng bị cuốn theo dòng chảy ấy. Tiếp đó là “cơn lốc” văn hóa từ bên ngoài tràn vào vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó có sự xâm nhập của một vài tôn giáo không cho phép tín đồ được sử dụng cồng chiêng và những vật liên quan đến thần linh… làm cho cồng chiêng ở Tây Nguyên không chỉ mất đi giá trị tinh thần, mà giá trị vật chất cũng ngày càng suy giảm. Từ chỗ là những linh khí, là những tài sản quan trọng nhất chứng tỏ sự giàu sang, sức mạnh của gia đình, dòng họ, cộng đồng thì có lúc, có nơi cồng chiêng chỉ còn được mua bán với giá của đồng nát.  
 Có thể coi dấu mốc thứ hai làm cho văn hóa cồng chiêng ra khỏi không gian truyền thống, khi các làng Bahnar, Jrai cổ truyền ngày càng bị thu hẹp, những điều kiện “cần” trong một không gian để văn hóa cồng chiêng “sống” đúng nghĩa như: Canh tác lúa rẫy, bến nước, nhà rông, nhà mồ... cứ khuyết dần. Phong trào cải tiến cồng chiêng làm cho cồng chiêng được sử dụng phổ biến hơn, người ta có thể dùng chiêng cải tiến để đánh những ca khúc hiện đại, tiếng chiêng có thể vang lên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào… nhưng nó đã không còn là âm thanh được phát đi từ môi trường linh thiêng tồn tại đã bao đời.
 Thay lời kết
 Từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cồng chiêng Tây Nguyên đã vượt qua vùng văn hóa truyền thống của nó (xét ở góc độ địa lý). Nhiều đội cồng chiêng của các tỉnh Đak Lak, Kon Tum đã có những chuyến lưu diễn ở nước ngoài. Từ đây, thế giới biết đến âm nhạc cồng chiêng, nghệ thuật cồng chiêng nhiều hơn, nhưng thật khó khăn nếu muốn tìm về một không gian đích thực của văn hóa cồng chiêng. Theo các nhà nghiên cứu, tính “thiêng” trong văn hóa cồng chiêng suy giảm rất nhanh. Nếu Nhà nước đầu tư để phục hồi thêm các buôn làng truyền thống, nếu các dự án được triển khai ở nông thôn miền núi không phá vỡ văn hóa truyền thống… thì rất có khả năng đời sống của người dân vẫn được nâng lên nhưng một bộ phận quan trọng của lễ hội dân gian vẫn được duy trì, tiếng cồng chiêng từ niềm tin thiêng liêng vẫn vang lên, giữ địa vị chủ đạo.
 
VŨ ĐÌNH ANH. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Gia Lai hiện nay / Vũ Đình Anh // Tạp chí Sinh hoạt lý luận. - 2017. - Số 8. Tr.91-94
Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng đã có từ lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng, với thế giới tinh thần, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của vùng đất và con người Tây Nguyên. Ngày 25-11-2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ đó đến nay, di sản văn hóa này đã được chính quyền các địa phương và cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đặc biệt quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên dù có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả nhất định, song thực tế còn không ít khó khăn và thách thức. Trong phạm vi một bài viết, chúng tôi chỉ đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Bởi Gia Lai là địa phương đã có nhiều đóng góp đáng trân trọng trong công tác bảo tồn và phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
1. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Gia Lai trong thời gian qua
Về Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên
Không gian văn hóa cồng chiêng (KGVHCC) Tây Nguyên bao gồm nhiều yếu tố hội thành như cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng; những người chơi cồng chiêng; các l hội có sử dụng cồng chiêng; không gian tổ chức các lễ hội đó (như nhà dái, nhà Rông, rẫy, bến nước, nhà mồ...). Đây là di sản được công nhận chung cho 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), chủ nhân là cư dân các dân tộc tại chỗ (Bahnar, Jrai, Mnông, Cơ Ho, Xơ Đăng, Êđê...). Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ, song thường dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 chiếc, thậm chí có bộ đến 20 chiếc.
Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống có từ lâu đời, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Sinh hoạt cồng chiêng có mặt với gần như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng, của mỗi con người như lễ mừng nhà rông mới, lễ cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ tiễn đưa người chết, lễ bỏ mả... cồng chiêng còn là phương tiện giao tiếp, là cầu nối giữa con người với thế giới siêu nhiên, thần linh (Yàng)... Thậm chí, trong quan niệm truyền thống của người dân nơi đây, trong mỗi chiếc chiêng còn có một vị thần ngự trị. Vào những ngày lễ hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian văn hóa lãng mạn và huyền ảo. Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cuốn hút mọi người tham gia, đó là môi trường để gắn kết cá thể với cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Vì vậy, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore), dân tộc học, âm nhạc... đều khẳng định, KGVHCC Tây Nguyên là di sản có bề dày truyền thống văn hóa, rất độc đáo và đặc sắc.
Kết quả trong công tác bảo tồn và phát huy di sản
Gia Lai là địa phương có nhiều thuận lợi trong công tác bảo tồn và phát huy di sản KGVHCC, bởi cộng đồng các dân tộc bản địa nơi đây chiếm t lệ khá đông, trong đó người Jrai và Bahnar chiếm khoảng 44,5% dân số toàn tỉnh (dân số toàn tỉnh là 1.397.400 người - năm 2015).
Chính quyền, người dân địa phương từ rất sớm đã quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Ngay từ năm 1985, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tổ chức liên hoan và hội thảo khoa học về cồng chiêng cấp tỉnh. Từ đó đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đặc biệt quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này. Các cơ quan quản lý ở Gia Lai đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm bảo tồn và phát huy KGVHCC của người Bahnar và Jrai trên địa bàn. Đó là việc tạo điều kiện tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa cồng chiêng trong nước và quốc tế; giới thiệu văn hóa cồng chiêng trên sóng phát thanh, truyền hình Việt Nam và khu vực, trên báo in, báo mạng... Các cơ quan thông tin đại chúng địa phương như báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Thư viện tỉnh... thường xuyên cập nhật, đăng tải chương trình liên hoan cồng chiêng; công tác tuyên truyền cho đồng bào giữ gìn cồng chiêng ở chính quyền cơ sở được đẩy mạnh, các cơ quan chức năng đã phát hiện và ngăn chặn được nhiều vụ thương lái mua cồng chiêng...
Tính đến nay, Gia Lai đã tổ chức 7 cuộc liên hoan cồng chiêng cấp tỉnh với nội dung rất phong phú và đa dạng, đã thu hút đông đảo quần chúng và nghệ nhân tham gia. Bên cạnh việc biểu diễn cồng chiêng, ban tổ chức còn gắn kết với nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo khác như: sử dụng các nhạc cụ truyền thống, hát dân ca, dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ... Đây là cách thức hữu hiệu để bảo tồn văn hóa cồng chiêng nói riêng, các loại hình văn hóa truyền thống khác nói chung. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn tổ chức Liên hoan cồng chiêng thanh - thiếu niên toàn tỉnh (năm 2011 lần thứ nhất; năm 2015 lần thứ hai). Với quan niệm, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bắt đầu từ thế hệ trẻ, các cuộc liên hoan đã quy tụ các câu lạc bộ, đội, nhóm, nhân tố tích cực trong phong trào ca hát và diễn tấu cồng chiêng trẻ trên địa bàn.
Cũng từ năm 2005 đến nay, hầu hết các trường phổ thông dân tộc nội trú đều tổ chức những sinh hoạt gắn với cồng chiêng để giáo viên và học sinh có điều kiện tham gia. Từ năm 2010, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Gia Lai đã đưa cồng chiêng vào chương trình đào tạo dành cho các lớp nghệ thuật âm nhạc, múa, nhạc cụ và các lớp nghiệp vụ quản lý văn hóa... Tỉnh đã tổ chức được 87 lớp truyền dạy cho gần 1.200 học viên về hát dân ca, dệt, chế tác nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật đánh cồng chiêng. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương thường xuyên duy trì và hình thành thêm các đội cồng chiêng. Hiện toàn tỉnh có 668 đội cồng chiêng. Đây là lực lượng quan trọng nhất trong việc duy trì sinh hoạt văn hóa cồng chiêng tại cộng đồng. Vì vậy, nạn “chảy máu cồng chiêng” ở địa phương trong thời gian qua về cơ bản đã được hạn chế.
Gia Lai cũng là địa phương còn gìn giữ được nhiều bộ cồng chiêng so với các địa phương khác trong khu vực. Số lượng các bộ cồng chiêng tại địa phương không chỉ được gìn giữ mà còn có chiều hướng tăng lên. Đợt thống kê năm 1999 toàn tỉnh còn 5.117 bộ, đến năm 2008 thì số lượng tăng lên 5.655 bộ, hiện nay số lượng là “hơn 6.000 bộ cồng chiêng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar”. Theo thống kê của một số tỉnh khác trong khu vực, số bộ cồng chiêng hiện còn ở tỉnh Đắk Lắk là 2.307 bộ, tỉnh Kon Tum là 1.916 bộ, tỉnh Đắk Nông là 441 bộ...
Tỉnh Gia Lai còn có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với các tỉnh khác trong khu vực tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá giá trị của di sản. Sau lễ đón nhận danh hiệu của UNESCO năm 2005, thì vào tháng 10 - 2007, Gia Lai tổ chức thành công sự kiện “Gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên lần thứ nhất” với sự tham gia của 71 nghệ nhân chỉnh chiêng thuộc 11 dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, một trong những hoạt động nổi bật là Gia Lai đã tổ chức thành công Festival cồng chiêng Quốc tế năm 2009. Đây là cuộc hội tụ cồng chiêng quốc tế lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với sự tham gia của 63 đội: 5 đội quốc tế (Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Myanmar), 35 đội của 23 tỉnh, thành trong cả nước; 23 đội của Gia Lai. Sự kiện này đã diễn ra với hàng loạt các hoạt động như trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng, tạc tượng, triển lãm, hội thảo khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng...
Một số khó khăn, thách thức trong bảo tồn và phát huy di sản
Không gian văn hóa cồng chiêng ở Gia Lai dù đã được cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực để bảo tồn và phát huy, song thực tế thì di sản này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, phương thức sản xuất là yếu tố quan trọng tác động đến sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa này. Song, yếu tố này đang có sự biến đổi nhanh chóng, đó là việc cư dân bản địa nơi đây chuyển từ phương thức sản xuất tự cấp, tự túc sang kinh tế hàng hóa. Vậy nên cây trồng, vật nuôi của họ đã có thay đổi nhiều so với trước, như việc chuyển đổi từ trồng lúa rẫy sang cây công nghiệp (cà phê, cao su, tiêu, ca cao...). Điều đó dẫn đến sự thay đổi cách thức làm ăn, suy nghĩ và quan niệm... và dẫn đến suy giảm những sinh hoạt cồng chiêng gắn với các hoạt động sản xuất truyền thống.
Thứ hai, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra ở địa phương, cuộc sống của người dân bản địa ngày càng ổn định và thu nhập ngày càng cao. Đời sống kinh tế của người dân được cải thiện, các thiết bị tiêu dùng, sinh hoạt cũng phong phú, tiện nghi, đầy đủ hơn. Các thiết bị nghe nhìn như đài, ti vi, điện thoại, internet... cũng dần có mặt trong các gia đình. Đó là một kênh truyền tải thông tin hữu hiệu, tiện lợi và phong phú các sự kiện đang diễn ra ở mọi vùng miền của tổ quốc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý chuộng ngoại, sính lạ, làm cho các sản phẩm truyền thống của cư dân bản địa ngày càng bị mai một.
Thứ ba, trong quá trình hội nhập, giao lưu rộng mở, người dân bản địa đã tiếp thu và có nhiều thay đổi không chỉ là cách thức làm ăn mà cả về nhà cửa, quần áo, thậm chí tiếng nói và phong tục, tập quán... Các gia đình hạt nhân ngày càng phổ biến, gia đình nhiều thế hệ ngày càng ít. Điều đó dẫn đến sinh hoạt trong các gia đình ngày càng riêng tư hơn, các sinh hoạt cộng đồng ít được tổ chức. Người dân nơi đây họ được tiếp xúc với nhiều nhiều hình thức nghệ thuật mới, lạ, hấp dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, dẫn đến họ ít quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong khi đó, không gian buôn làng, khu nhà mồ, bến nước... thì ngày càng bị thu hẹp hoặc thay thế bằng nhà xây, mái tôn kiên cố, giếng khoan... Vì vậy, họ cũng thay đổi nhận thức về tính thiêng và tính cộng đồng. Điều này thể hiện rõ nhất ở lớp người trẻ tuổi. Sinh hoạt cồng chiêng không còn thường xuyên nên nhiều gia đình đã bán đi những bộ chiêng, ché, kpan quý. Chẳng hạn, ở huyện Mang Yang, theo thống kê năm 2011 có 215 bộ cồng chiêng, nhưng đến năm 2015 huyện chỉ còn 175 bộ.
Thứ tư, người Jrai và Bahnar theo các tôn giáo, nhất là đạo Tin Lành và Công giáo ngày càng đông. Theo số liệu thống kê năm 2012, trên địa bàn tỉnh “có 330.604 người theo đạo, chiếm 23,5% dân số toàn tỉnh; trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 44,02% tổng số người theo đạo”, số người theo Công giáo là 117.719; số người theo đạo Tin Lành là 110.7012. Trước kia, đồng bào dân tộc thiểu số bản địa theo tín ngưỡng đa thần, họ tin rằng mọi vật đều có Yàng ngự trị. Nay theo các tôn giáo dẫn đến quan niệm, suy nghĩ, tâm linh của họ có nhiều thay đổi. Một bộ phận người dân theo đạo đã từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, từ bỏ các sinh hoạt gắn với cồng chiêng. Vì vậy, những đơn vị hiện còn số lượng cồng chiêng ít chính là nơi có số lượng cư dân theo các tôn giáo đông. Chẳng hạn, huyện Đắk Đoa ch còn 131 bộ, có 42 làng không còn cồng chiêng; thành phố Pleiku chỉ còn 81 bộ, có 20 làng không còn cồng chiêng...
2. Giải pháp bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Công tác bảo tồn và phát huy KGVHCC sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia của chủ thể loại hình di sản này. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác, khơi dậy ở họ lòng tự hào về di sản, định hướng người dân chủ động gìn giữ di sản của dân tộc mình, ngay cả những người theo đạo. Chúng ta phải sử dụng các hình thức truyền thông đa dạng, phát huy vai trò của những người quản lý ở địa phương (huyện, xã, thôn), của các già làng có uy tín trong công tác tuyên truyền, giáo dục.
Trong giai đoạn hiện nay, không nhất thiết phải chờ đến lễ hội truyền thống mới tấu cồng chiêng. Mà cần khuyến khích việc sử dụng cồng chiêng như nhiều nhạc cụ thông thường khác, để cồng chiêng không quá bị gò bó bởi môi trường và điều kiện sử dụng. Có như vậy, cồng chiêng mới được sử dụng thường xuyên, mới gần gũi, thân thuộc với mọi người.
Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian và đội ngũ trí thức
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị KGVHCC gắn bó mật thiết với việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân dân gian. Vì vậy, đây là một giải pháp cực kỳ quan trọng, và nó càng trở nên cấp thiết hơn khi lực lượng già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian người Jrai và Bahnar đã lớn tuổi, có chiều hướng giảm sút nhanh. KGVHCC là văn hóa phi vật thể, nó tồn tại tiềm ẩn trong tâm thức, trí nhớ, trong kỹ năng, kỹ sảo của nghệ nhân. Họ cũng chính là người sáng tạo, lưu truyền và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, nên nhiều người gọi họ là “báu vật sống”.
Vì vậy, chính quyền các cấp cần kịp thời tôn vinh, có chính sách đãi ngộ, tạo mọi điều kiện cả về vật chất và tinh thần đối với nghệ nhân để họ truyền dạy nghệ thuật chỉnh chiêng, tấu chiêng... cần khuyến khích nghệ nhân phát hiện những người trẻ tuổi có năng khiếu trong cộng đồng để họ trao truyền các giá trị của di sản. Có như vậy, KGVHCC mới thực sự được “sống” trong cộng đồng văn hóa của người Jrai và Bahnar, tức là lưu giữ trong môi trường sản sinh ra chúng.
Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nhằm tiếp tục sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu... về KGVHCC. Trên cơ sở đó nhằm phân loại, nhận diện, xác định giá trị, sức sống của di sản, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy di sản.
Kết hợp hài hòa bảo tồn di sản với phát triển du lịch
Gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi các giá trị văn hóa đặc sắc là tiềm năng để phát triển du lịch bền vững; đồng thời, phát triển du lịch sẽ tạo nguồn lực và điều kiện cho công tác bảo tồn, phát huy di sản. Hiện tại, khi điều kiện sống, môi trường sống, phương thức canh tác... đã có sự biến đổi, nếu chúng ta yêu cầu tất cả cộng đồng người Jrai và Bahnar giữ nguyên mọi giá trị cũ là thiếu công bằng và bất khả thi. Vì vậy, một cách thức đã được một số địa phương thực hiện là quy hoạch tập trung để bảo tồn gắn với phát triển du lịch.
Tỉnh Gia Lai cũng đã và đang thực hiện điều này, chẳng hạn làng văn hóa du lịch Plei Ốp (Pleiku) có thể coi là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn thưởng ngoạn, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của người Jrai nơi đây. Hay như Công viên văn hóa Đồng Xanh trở thành điểm đến nhộn nhịp, mỗi năm đón tiếp hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí... Đặc biệt, UBND tỉnh đang triển khai thực hiện dự án Công viên văn hóa các dân tộc Gia Lai (đã phê duyệt quy hoạch năm 2002, điều chỉnh quy hoạch năm 2007). Khi hoàn thành, hy vọng nơi đây sẽ là điểm bảo tồn và phát huy KGVHCC nói riêng, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Và sẽ thu hút được sự quan tâm của du khách của địa phương, trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khi phát triển du lịch thì dễ xảy ra tình trạng làm biến đổi bản sắc văn hóa nhằm chiều lòng du khách. Vì vậy, các nhà quản lý cần kiểm soát chặt chẽ bởi mục tiêu quan trọng là bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Gìn giữ các lễ hội truyền thống và không gian tổ chức các lễ hội
Như chúng ta đã biết, để bảo tồn di sản, thì bên cạnh việc lưu giữ các bộ cồng chiêng, truyền dạy các bài tấu cồng chiêng, thành lập các đội cồng chiêng, cần phải gìn giữ các lễ hội truyền thống và không gian tổ chức các lễ hội đó. Tuy nhiên, hiện nay môi trường tự nhiên, xã hội, văn hóa ở Gia Lai đã biến đổi nhiều so với trước kia, do vậy để bảo tồn tất cả các lễ hội truyền thống và không gian tổ chức các lễ hội đó là điều không tưởng.
Vì vậy, mỗi huyện, thị, thành cần lựa chọn một số lễ hội truyền thống thể hiện rõ bản sắc văn hóa có sinh hoạt cồng chiêng, lựa chọn một vài “cụm”, “điểm” phù hợp, có điều kiện thuận lợi để đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy di sản. Bởi đầu tư dàn trải thì hiệu quả không cao mà kinh phí địa phương không đủ. Ở cấp tỉnh cũng tiếp tục có kế hoạch tổ chức các hoạt động liên hoan, lễ hội gắn với sinh hoạt cồng chiêng, tiếp tục hoàn thành và khai thác có hiệu quả các khu du lịch văn hóa, nhất làdự án quan trọng như Công viên văn hóa các dân tộc Gia Lai. Chính quyền địa phương nên đầu tư có trọng điểm, đầu tư gắn với phát triển du lịch, gắn với lợi ích kinh tế, lợi ích tinh thần của người dân mới mong họ gìn giữ bền vững.
Không gian văn hóa cồng chiêng thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của vùng đất và con người Tây Nguyên. Vì vậy, chính quyền các cấp và người dân ở địa phương, nhất là cộng đồng người Jrai và Bahnar phải nỗ lực hơn nữa nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời, khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bên cạnh việc lưu giữ các bộ cồng chiêng, truyền dạy các bài tấu cồng chiêng, thành lập các đội cồng chiêng, cũng cần phải gìn giữ các lễ hội truyền thống có sinh hoạt cồng chiêng và không gian tổ chức các lễ hội... Có như vậy, tiếng chiêng mới mãi ngân vang trong các buôn làng Tây Nguyên, Việt Nam mới tự hào vì đã bảo tồn và phát huy tốt kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
MAI THỊ TRANG. Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trong giai đoạn hiện nay / Mai Thị Trang // Tạp chí văn hóa nghệ thuật. - 2018. - Số 408. - Tháng 6. - Tr. 61 - 63
Văn hóa cồng chiêng (VHCC) là di sản quý báu của dân tộc, được coi là biểu tượng tâm linh của các đồng bào khu vực Tây Nguyên. Giá trị độc đáo của di sản này đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành tài sản của nhân loại, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại vào ngày 25-11-2005. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của VHCC góp phần gìn giữ những nét độc đáo trong nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
VHCC được hình thành, phát triển gắn liền với cuộc sống tự nhiên và các hoạt động của cư dân vùng Tây Nguyên. Từ xa xưa, họ đã biết sử dụng công cụ lao động để làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần.
VHCC không chỉ là sự kết tinh của những gì tinh túy nhất mà còn phản ánh cuộc sống bình dị, yêu thương lẫn nhau của con người Tây Nguyên. Mỗi động tác, điệu nhảy là sự tinh tế, điêu luyện, hòa trong không gian mênh mông rộng lớn của núi rừng, thể hiện mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc của con người. Bên cạnh đó, VHCC còn là phương tiện để khẳng định tính cộng đồng, gắn kết con người, thể hiện sức sống, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.
Chủ nhân của không gian VHCC là đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Họ đã nâng giá trị của sản phẩm hàng hóa thành công cụ trình diễn tuyệt vời, là sự kết hợp hoàn hảo giữa tiếng nhạc cụ, tiếng suối và tiếng lòng của con người nơi đây. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có gần 1.400 đội cồng chiêng, trong đó 991 đội trẻ biết diễn tấu, nhiều bài chiêng cổ được đánh giá cao qua các hội thi, hội diễn. Các tỉnh Tây Nguyên cũng phục dựng lại nhiều lễ hội truyền thống, biểu diễn lại các bài chiêng cổ, tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn như buôn vui chơi, buôn ca hát... Cứ 2 - 5 năm lại tổ chức liên hoan VHCC, liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc cấp huyện, cấp tỉnh... Các tỉnh đều lập đề án bảo tồn, phát huy di sản VHCC, đầu tư mua sắm các dàn cồng chiêng mới để cung cấp cho các nhà rông, nhà văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, các lớp đào tạo, bồi dưỡng đánh chiêng, chỉnh chiêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn, bon, làng đã được tổ chức. Tỉnh Đắc Lắc đã đầu tư trên 6 tỷ đồng để mua 150 bộ cồng chiêng, cấp cho 150 nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng đầu tư kinh phí mời các nghệ nhân là người Ê đê, M’nông về truyền dạy kỹ thuật chơi cồng chiêng cho con em đồng bào. Một số buôn làng tự nguyện liên kết với các trường tiểu học mời nghệ nhân về dạy học sinh. Nhờ những biện pháp trên, toàn tỉnh hiện có 700 đội cồng chiêng, trong đó có 200 đội trẻ.
Những tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự du nhập của văn hóa phương Tây, cùng âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch đã làm cho VHCC Tây Nguyên bị mai một đi ít nhiều. Một bộ phận đồng bào nhẹ dạ, cả tin bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc, xúi giục đem bán cồng chiêng, không tham gia vào những hoạt động lễ hội hoặc có những hành động quấy rối lễ hội. Bên cạnh đó, việc lưu truyền VHCC cho thế hệ sau ít được quan tâm; cán bộ làm công tác văn hóa ở một số địa phương còn thiếu kinh nghiệm, còn yếu về mặt chuyên môn nên làm ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát lớp học. Ở một số địa phương, việc nắm bắt và tổ chức lễ hội chưa đúng với phong tục, tập quán; chưa chủ động trong tổ chức thực hiện khôi phục, bảo tồn, phát huy lễ hội.
Trước thực trạng trên, để bảo tồn và phát huy VHCC cần làm tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức trách nhiệm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên về tầm quan trọng của VHCC. Đây là việc làm cần thiết, mang tính thường xuyên, liên tục để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hiểu được những giá trị tinh thần to lớn mà VHCC mang lại. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách về văn hóa ở các buôn làng phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Tổ chức những hoạt động thực tiễn cho cán bộ ở các thôn, bản vào từng gia đình để nắm bắt những đặc điểm tâm lý, cùng đời sống của cộng đồng, từ đó có những giải thích, hướng dẫn dễ hiểu. Quá trình đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng, có sự phân công cụ thể, rõ ràng cho cán bộ ở từng địa bàn. Hiện nay, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang lưu giữ trên 9.880 bộ cồng chiêng. Trong đó, Gia Lai có trên 5.650 bộ, tiếp đó là tỉnh Đắc Lắc với 2.307 bộ. Các bộ cồng chiêng còn lại chủ yếu là của người Gia rai, Ba na, Ê đê, M’nông. Công tác tuyên truyền giáo dục càng chủ động bao nhiêu thì tính hiệu quả và sự thẩm thấu, lan tỏa của VHCC trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên càng lớn bấy nhiêu.
Để việc tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả thì việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương là rất cần thiết. Nên cử cán bộ có trình độ, năng lực, am hiểu VHCC, biết tiếng nói dân tộc, gần gũi, cởi mở để tiến hành tuyên truyền, giáo dục, nói chuyện với đồng bào. Có như vậy, đồng bào mới hiểu, tin tưởng và có thể nói hết những kiến thức, tâm huyết của mình trong bảo tồn, phát triển VHCC. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đóng vai trò là chủ thể văn hóa, không thể đứng ngoài công cuộc gìn giữ, bảo vệ văn hóa dân tộc. Họ cần phát huy sức mạnh đoàn kết trong việc sưu tầm, ghi chép các hình ảnh, tư liệu về cồng chiêng và VHCC. Đó chính là kho báu quý giá để trao truyền cho thế hệ sau.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức những hoạt động biểu diễn VHCC Tây Nguyên. Những giá trị của VHCC Tây Nguyên chỉ được bảo tồn, lưu truyền khi sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức thường xuyên, chặt chẽ, có hệ thống. Các hoạt động biểu diễn có tác dụng tích cực trong việc khơi dậy truyền thống, phong tục tập quán của cộng đồng. Đồng thời còn là nơi để mọi người thể hiện sự khát khao giao hòa với thiên nhiên hùng vĩ. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chương trình văn hóa diễn ra để quảng bá, giới thiệu VHCC. Có thể kể đến: Đắc Lắc - âm vang đại ngàn, Đêm hội diễn tấu cng chiêng Tây Nguyên, Hội thi Tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên, Triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật Cà phê Buôn Ma Thuật và không gian VHCC Tây Nguyên, Hành trình di sản... Để có được những chương trình như vậy, Sở VHTTDL các tỉnh cần đầu tư kinh phí, xây dựng nội dung chương trình, dàn dựng các tiết mục biểu diễn, đầu tư thời gian, phối hợp với nghệ sĩ ở buôn làng... Hoạt động biểu diễn VHCC cần huy động được đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia, không phân biệt già, trẻ, gái, trai bởi họ chính là người sáng tạo, hưởng thụ, lưu truyền VHCC. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch chi tiết trong việc xây dựng, củng cố, phát triển các mô hình hoạt động văn nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu vừa sáng tác vừa hưởng thụ của công chúng. Kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động VHCC. Thực tiễn cho thấy đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác này chưa được đào tạo bài bản, chưa hiểu hết những giá trị của VHCC trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nếu không xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách tâm huyết, yêu nghề, hiểu được văn hóa, con người Tây Nguyên thì công tác gìn giữ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chỉ hiểu được giá trị của VHCC khi họ biết được tầm quan trọng, ý nghĩa của nó trong đời sống, cũng như trong các hoạt động du lịch khác. Để có được đội ngũ cán bộ như vậy tốt nhất là lựa chọn con em của đồng bào các dân tộc đi đào tạo, để nắm bắt được ngay công việc sau khi về công tác. Đồng thời có kế hoạch đào tạo dài hạn, cơ bản đối với đội ngũ cán bộ khoa học am hiểu về âm nhạc truyền thống, văn hóa, lịch sử Tây Nguyên, chú trọng đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Mở lớp truyền dạy kinh nghiệm đánh chiêng, chỉnh chiêng, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc tại cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, phải nắm bắt được đặc điểm của từng buôn làng. Từ đó mới tạo được sự gần gũi, thân thiện trong giao tiếp, ứng xử, niềm tin và tạo động lực cho các già làng, trưởng bn, nghệ nhân nói chuyện và tìm mọi cách để truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ mai sau về VHCC Tây Nguyên.
Ngoài những giải pháp trên thì vấn đề phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, nghệ nhân trong các buôn làng cũng cần được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đầu tư kinh phí để bảo tồn, phát huy VHCC Tây Nguyên.
Trong bối cảnh hội nhập, mở cửa như hiện nay, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, chúng ta phải chủ động nắm bắt những xu hướng phát triển của thế giới để có những tiếp biến văn hóa làm giàu thêm bản sắc dân tộc, để VHCC không chỉ là biu tượng tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà còn đại diện cho con người và dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN ANH SƠN. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên / Nguyễn Anh Sơn // Báo Quân đội nhân dân. - 2018. - Số 20624. - Ngày 1/9. - Tr. 1, 3
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 11-2005. Từ đó đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa cồng chiêng.
Không để cồng chiêng “chảy máu”
Già làng A Blếch cùng với bà con làng Kon Ktủh, xã Đăk Ruồng (Kon Rẫy, Kon Tum) giữ bộ cồng chiêng cổ của làng trong gần 40 năm qua. Có thời điểm, bộ cồng chiêng bị bán với giá 10 cây vàng. Thế là già làng A Blếch phải huy động già trẻ, gái trai trong làng đi làm thuê, làm mướn lấy tiền chuộc lại. Từ bao đời nay, bà con làng Kon Ktủh xem bộ cồng chiêng là báu vật của làng.
Ông Nay Phai, trú tại thị trấn Phú Túc (Krông Pa, Gia Lai) là nghệ nhân chỉnh chiêng và dạy đánh chiêng nổi tiếng ở Tây Nguyên. Ông theo nghề từ nhỏ, rong ruổi khắp các buông làng Tây Nguyên với một niềm đam mê mãnh liệt. Nhưng cũng tại đây, ông chứng kiến nhiều cảnh đau lòng, đó là hiện tượng cồng chiêng "chảy máu”. “Trước đây, người ta bán những chiếc cồng, chiếc chiêng như bán phế liệu và ít người quan tâm, để ý đến. Bọn trẻ thì gần như không ai còn biết đánh chiêng. Thấy vậy, tôi về nhà bán bò mang tiền theo, thấy ai bán chiêng là mua ngay. Tôi đã bán 30 con bò để mua chiêng. Giờ tôi có 10 bộ cồng chiêng cổ rất quý”, nghệ nhân Nay Phai tâm sự.
Ở Tây Nguyên không chỉ có già làng A Blếch hay nghệ nhân Nay Phai mà có hàng nghìn người sẵn sàng làm tất cả để giữ lại cồng chiêng cho buôn làng. Họ còn truyền cảm hứng cho dân làng và truyền dạy nghề chỉnh chiêng, đánh chiêng cho giới trẻ. Nhờ vậy, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mới được bảo tồn, phát huy trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên. Hiện nay, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đang lưu giữ khoảng 10.000 bộ cồng chiêng; trong đó, Gia Lai là địa phương có nhiều bộ cồng chiêng nhất với gần 6.000 bộ, tiếp đến là tỉnh Đắc Lắc hơn 2.300 bộ, tỉnh Kon Tum cũng có gần 2.000 bộ. Các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa bản địa cũng được phục dựng, bảo tồn, như: Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui và Sử thi của người Ba Na ở các huyện Đắk Đoa, Đắk Pơ, Kbang, Kông Chro (Gia Lai) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhưng khi khảo sát thực tế, chúng tôi thấy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Đó là sự thay đổi nhanh chóng về điều kiện tự nhiên, xã hội ở Tây Nguyên làm mất dần không gian và sự linh thiêng của cồng chiêng. Nhiều lễ hội bị quên lãng hoặc bị thương mại hóa, giới trẻ tiếp xúc và chạy theo nhiều luồng văn hóa, nên rất ít người đam mê với âm nhạc cồng chiêng…
Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng phải bắt đầu từ buôn làng
Cồng chiêng đại diện cho văn hóa Tây Nguyên. Vì vậy, trong những năm qua, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã có nhiều nghị quyết, chủ trương, giải pháp để bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng. HĐND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành nghị quyết “về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắc Lắc, giai đoạn 2016-2020”, đặt mục tiêu phấn đấu có hơn 70% buôn đồng bào DTTS có cồng chiêng. 100% huyện, thị xã, thành phố tổ chức được các lớp truyền dạy về cách đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng; cấp trang phục và hỗ trợ kinh phí cho 75 đội chiêng… Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các cấp chính quyền, cộng đồng và chủ nhân di sản văn hóa trong gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên theo cam kết của nước ta với UNESCO. Từng bước khôi phục các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các DTTS ở Lâm Đồng, góp phần phát triển văn hóa-du lịch thời kỳ hội nhập.
Theo ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai: Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai thường xuyên chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương tiến hành các giải pháp bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Năm 2009, Gia Lai tổ chức thành công Festival cồng chiêng quốc tế và tháng 11 tới đây là Festival cồng chiêng Tây Nguyên với sự tham gia của 5 tỉnh trong vùng. Đặc biệt, 100% trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chương trình giảng dạy và hoạt động ngoại khóa về chỉnh chiêng và đánh cồng chiêng.
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào DTTS Tây Nguyên từ khi sinh ra cho đến lúc về với tiên tổ. Theo nghệ nhân Nay Phai, muốn bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phải bắt đầu từ làng và cộng đồng các DTTS, những chủ nhân sáng tạo ra âm nhạc cồng chiêng. Vì ngoài yếu tố văn hóa, cồng chiêng còn có yếu tố tâm linh. Đánh cồng chiêng không chỉ là nghệ thuật biểu diễn đơn thuần mà nó gắn bó chặt chẽ với những nghi lễ, tín ngưỡng của người DTTS Tây Nguyên trong gia đình và buôn làng của họ. Già làng A BLong, ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cũng khẳng định: “Cồng chiêng phải được sống trong không gian của nó, đó là một quần thể gắn kết chặt chẽ với nhau bao gồm cả làng, nhà rông, các lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng… đánh cồng chiêng ở không gian làng khác hẳn so với người đánh cồng chiêng trên sân khấu. Bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phải bảo tồn cả những giá trị văn hóa lâu đời của các cộng đồng DTTS Tây Nguyên”.

HOÀNG THANH HƯƠNG. Giữ văn hóa cồng chiêng và nghề chỉnh chiêng ở Gia Lai / Hoàng Thanh Hương // Báo Thời nay. - 2018. - Số 901. - Ngày 2/9. - Tr. 14

Vừa qua, trong chuyến điền dã, khảo sát các nghề truyền thống thuộc địa bàn huyện Chư Pưh, chúng tôi hỏi một số cán bộ văn hóa thông tin huyện, các anh bảo văn hóa truyền thống của huyện mai một nhiều rồi so với chục năm trước. Giờ chỉ còn vài xã, thị trấn như Nhơn Hòa, Ia Hrú, Ia Le, Ia Hla là còn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, dệt.
1/ Đi một vệt làng Plei Jriêk của thị trấn Nhơn Hòa - ngôi làng được đánh giá còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai nhất huyện, tôi đếm được ba nhà sàn đã cũ, sau mỗi nhà sàn là một nhà cấp bốn khang trang. Không còn bóng dáng kiến trúc làng truyền thống Jrai như trước đây.
Chị Trần Thị Thanh Thủy, cán bộ văn hóa thị trấn khoe: Đội cồng chiêng của làng vừa đoạt giải nhì hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số huyện năm 2018. Làng hiện có gần 100 nghệ nhân các loại hình văn hóa dân gian như dệt, đan lát, tạc tượng, làm nhà sàn nhà mồ, hát dân ca, cồng chiêng, cúng tế, múa... nghệ nhân dệt ở đây đông nhất, sản phẩm dệt đẹp nhất, năm nào cũng có giải khi các chị, các bà tham gia các cuộc thi dệt của huyện, tỉnh tổ chức. Đội cồng chiêng ở đây đông nhất, ai cũng đánh giỏi, đánh hay. Các cuộc thi tỉnh, khu vực Tây Nguyên đội cồng chiêng của làng toàn được chọn tham gia và có giải.
2/ Trong cuộc trò chuyện lấy tư liệu, có ông Nay Tek, người dạy cồng chiêng và biết chỉnh chiêng cũ. Ông cho biết, khi rảnh ông đi vận động người già, người trẻ trong làng tham gia đội cồng chiêng của làng, tập luyện đánh chiêng. Bây giờ làng ông đang có hai đội cồng chiêng, một đội người lớn và một đội trẻ em. Đội chiêng trẻ có 35 cháu tuổi từ 20 trở xuống, các cháu đánh rất tốt, đi thi lúc nào cũng đạt giải cao, ai xem các cháu trình diễn cũng thích thú, yêu mến. Đây là một trong ba đội chiêng thanh thiếu niên tiêu biểu của tỉnh, xếp sau đội chiêng trẻ huyện Chư Păh, Kbang. Làng hiện có ba người truyền dạy cho đội chiêng trẻ gồm ông, nghệ nhân Rơ Lan Báo và Rơ Lan Hlơi, tuổi các anh đều 50 trở lên, tâm huyết với nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng của dân tộc mình.
Việc học đánh cồng chiêng và nghề chỉnh chiêng muốn làm được phải có năng khiếu, chăm chỉ và sự yêu thích. Nhưng như các ông tâm sự, nhiều thanh niên làng bây giờ không thích học đánh cồng chiêng, họ thích nhạc trẻ các loại và suốt ngày cắm cúi vào các trang mạng xã hội, quên công việc và mọi người chung quanh. Trong khi đó, cả tỉnh Gia Lai hiện nay nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi chỉ đếm được trên đầu ngón tay nên đây là một nghề có nguy cơ mai một rất cao. Để có những bộ cồng chiêng chuẩn, âm thanh được tấu lên trong các lễ hội, các sự kiện của các buôn làng, trong các hội thi, hội diễn các cấp hàng năm, cần lắm những người truyền dạy nghề cồng chiêng như ông Nay Tek, Rmah Báo, Rah Lan HLơi, Siu Jen ở Chư Pưh, ông Ksor Hnao, Nay Thưm, Rơ Chăm Tih ở thành phố Pleiku và cần lắm những nghệ nhân biết “chữa bệnh” cho cồng chiêng.
3/ Cần lắm, chính sách, chế độ cho những nghệ nhân tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa. Cần lắm, những cán bộ làm văn hóa có trình độ chuyên môn vững, tâm huyết với nghề, thương yêu bà con nghệ nhân, quý trọng những di sản văn hóa đang còn trong đời sống của đồng bào ở khắp các buôn làng Gia Lai hôm nay để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp tối ưu nhằm giữ lại được và phát triển được giá trị những di sản văn hóa độc đáo của đồng bào trong đó có cồng chiêng và nghề chỉnh chiêng.
Giữa tháng 11, Gia Lai sẽ tổ chức Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”. Sau 10 năm, từ 2009 đến nay Festival Cồng chiêng mới được tổ chức lại tại tỉnh nhà. Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Đối với Gia Lai, đây không chỉ là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đây còn là sự kiện hướng đến nhiều mục tiêu. Mục tiêu chính là đánh giá quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của di sản để có chiến lược phù hợp.
 
CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN TRONG LỄ HỘI         CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN                                                                          

NGỌC NHƯ. Đặc sắc mùa lễ hội Tây Nguyên / Ngọc Như //Báo Công an nhân dân. - 2015. - Số 3454. - Ngày 10/1. - Tr.6

             Cứ mỗi khi vào dịp cuối năm, cái nắng, cái lạnh bắt đầu đầy ắp là mùa lễ hội ở Tây Nguyên rộ lên. Đây cũng là thời điểm khí hậu Tây Nguyên khá đẹp trong năm, hạt lúa, hạt bắp đã về kho, men rượu đã ủ chín... đời sống văn hóa tinh thần của người dân Tây Nguyên ở các buôn làng cũng thắm thiết, nồng ấm...
             Già làng Dom mời tôi về dự lễ Pơ thi (bỏ mả) của làng ở Yang Bắc, Đak Pơ, Gia Lai. Đây là một lễ hội lớn của người Jrai và Bahnar cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên. Bởi trong tín ngưỡng lâu đời của họ có niềm tin sau khi chết, linh hồn sẽ về thế giới bên kia sống cùng với tổ tiên, ông bà. Nhưng khi mới chết, linh hồn của người chết không đi hẳn mà còn lưu luyến với trần thế. Và quan niệm sau lễ bỏ mả, linh hồn người chết mới có thể hoàn toàn tách khỏi mọi sự ràng buộc với cuộc sống trần gian, để thực sự về với tổ tiên và người sống thì được giải phóng khỏi liên hệ với người đã chết. Chính do quan niệm như vậy mà sau một thời gian người chết, họ có phong tục làm lễ bỏ mả để tiễn đưa linh hồn người chết ra đi.
             Để chuẩn bị cho lễ bỏ mả, người nhà, dòng họ trong làng chuẩn bị khá chu đáo các vật phẩm để cúng lễ theo quan niệm phong tục của từng tộc người. Người Bahnar quan niệm chết là sự tái sinh tới sống ở một thế giới khác, “thế giới ma” (thế giới Atâu) ngược hoàn toàn với thế giới người trên trần thế, nhưng “ma” cũng sinh hoạt như người, cũng lao động, có các quan hệ... (sống sao, thác vậy) nên khi người thân mất đi, người sống vẫn chăm nuôi cái gọi là “hồn ma” và hằng ngày người thân vẫn ra khu nhà mồ thăm viếng, cho ăn uống, đốt lửa sưởi ấm và thậm chí họ còn chuyện trò tâm sự yêu thương như khi đang còn sống cho đến khi làm lễ bỏ mả xong mới dứt.
            Trước lễ bỏ mả, những nghệ nhân của làng làm những con rối, tô vẽ màu sắc khá sinh động gắn với đủ hình ảnh sinh hoạt đời thường của con người ở buôn làng như người giã gạo, sảy gạo, cặp đàn ông đàn bà yêu thương, chim, thú... Người Bahnar gọi lễ hội bỏ mả là vào hội nhà mả nên tổ chức lễ hội này rất lớn, thời gian thường từ 3-5 ngày.
           Việc đầu tiên của lễ bỏ mả bắt đầu bằng nghi lễ cầu xin “hồn ma” người chết cho dựng nhà mồ mới và sau đó mọi người bắt tay vào dọn dẹp khu nhà mả cũ để chuẩn bị dựng nhà mả mới, báo cho hồn ma biết những người sống chuẩn bị làm lễ bỏ mả. Sau đó tiến hành làm thịt con vật hiến sinh (thường là heo) lấy gan, lưỡi, tim, da bụng và cổ họng của con vật xâu lại rồi lấy rượu ghè cho vào ống tre đưa ra nhà mả làm lễ cúng. Người chủ đứng cúng lễ đổ rượu vào xâu thịt cho thấm xuống đầu nấm mộ và đọc lời khấn: Nay tôi đem cho ma thịt heo và rượu để báo cho ma biết chúng tôi làm nhà mồ cho ma lần cuối cùng. Thế là hết rồi nhé, từ nay ma đừng quấy rầy gia đình nữa để gia đình làm ăn ngày càng khá hơn, tốt hơn.
           Sau khi tiến hành các bước nghi lễ trong lễ bỏ mả, bộ phận người múa rối và người trình diễn mặt nạ bắt đầu nhảy múa trong tiếng nhạc buồn, tiếng trống, chiêng biểu lộ sự tiếc thương, lưu luyến của người sống với linh hồn người đã chết. Những người múa rối và trình diễn mặt nạ cùng đoàn người chậm rãi đi quanh nhà mồ, vòng qua các nhà mồ khác theo chiều từ trái qua phải, theo ý nghĩa chiều của sự sống.
          Sau đó mọi người ngồi quây quần bên ngôi nhà mả mới ăn uống, trò truyện và vui chơi cho tới tận khuya mới về. Trước khi ăn uống, vui chơi, gia đình đem đồ dùng, vật phẩm chia vào nhà mả mới cho người chết và khóc lần cuối cùng vĩnh biệt người thân đã khuất. Kết thúc lễ bỏ mả, gia đình của người chết làm cơm rượu đãi những người làm việc giúp trong những ngày diễn ra lễ và làm lễ tạ ơn các thần.
            Một lễ hội lớn của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vào mùa này nữa là lễ mừng lúa mới. Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên coi lễ mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng để thần lúa giúp dân làng mùa sau bội thu. Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức theo từng buôn làng, sau đó mới tỏa về từng nóc nhà. Trong quá trình thu hoạch, già làng sẽ quyết định chọn một đám lúa tốt nhất để lại và chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cúng thần Ia Pôm (Thần Lúa, thần nông nghiệp) ngay tại chân ruộng. Ngày diễn ra lễ cúng, bà con trong làng đều có mặt, ai cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thức ăn của mình phục vụ buổi lễ, như một vài ché rượu cần hoặc một con gà, miếng thịt... Đây là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Lễ cúng được tính và thực hiện theo vòng đời của cây lúa rẫy, một loại cây được bà con coi là nơi nương náu của linh hồn cha ông.
            Lễ cúng rẫy ngày nay có phần được tổ chức gọn nhẹ nhưng vẫn không kém phần linh thiêng. Để chuẩn bị cho lễ này, những người đàn ông đi chặt tre, cây rừng dựng một lán trại nhỏ và làm bàn bằng tre để đặt lễ, một số khác lo làm gà, heo... Còn phụ nữ là chủ gia đình nên sẽ đi chọn những bông lúa đẹp và nặng hạt nhất để tuốt đầy một gùi to, chuẩn bị cho phần cúng Thần Lúa. Lúa phải tuốt bằng tay vì họ tin rằng nếu dùng liềm cắt rồi đập để lấy hạt sẽ làm đau thân lúa, làm tổn hại đến linh hồn của thần...
            Trước tiên là cúng ma trong dòng họ để những linh hồn không bị đói mà về quấy rầy. Sau đó là cúng các thần cư ngụ ở đây, mời các vị về uống rượu, ăn thịt, xin các vị thần phù hộ cho dân làng được mưa thuận gió hòa để cây lúa, cây bắp, cây đậu... được tươi tốt. Cuối cùng là cúng Thần Lúa. Người cúng thường là già làng khấn mời Thần Lúa về cho đến khi ngọn nến tắt có nghĩa là Thần Lúa đã chấp nhận lời mời về chứng kiến nghi lễ cúng rẫy của bà con. Khấn thần về rồi bắt đầu rót rượu cần ra 4 chiếc ly bằng lá chuối và xé thịt thành từng miếng nhỏ để mời Thần Lúa. Sau 4 lần rót rượu, thực hiện nghi lễ rước Thần Lúa về theo chủ nhà và ở lại cùng gia đình trong kho để mùa sau phù hộ cho đám rẫy được nhiều lúa hơn.
            Sau nghi lễ, mọi người ăn uống, vui chơi, ca hát cho đến khi tàn cuộc. Khách đến dự lễ còn được gia chủ trao tay mỗi người một gói nhỏ thức ăn khi ra về, như để cùng chia đều sự may mắn...
           Tuy cách tổ chức cùng vài nghi thức tiến hành của từng tộc người có những nét khác nhau, nhưng đều mang chung một ý nghĩa là tạ ơn thần sau khi kết thúc một chu kỳ sản xuất chính của năm. Các dân tộc vùng Tây Nguyên sau mùa thu hoạch, cũng trùng vào dịp cuối năm âm lịch, tổ chức lễ ăn mừng lúa mới. Việc tổ chức lễ ăn mừng lớn hay nhỏ là tuỳ thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình, và cũng tuỳ theo đó mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày.
            Đặc biệt, âm nhạc cồng chiêng luôn có mặt trong các lễ cúng và sinh hoạt văn hóa tinh thần ở buôn làng từ khi con người cất tiếng khóc chào đời cho tới khi vĩnh biệt cuộc đời. Trong vô số nghi lễ nông nghiệp hoặc đời người ở Tây Nguyên, cồng chiêng luôn là phương tiện đặc biệt để con người giao tế với thần linh, giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng.
            Được hòa mình trong khung cảnh buôn làng với tiếng cồng, tiếng chiêng của lễ hội, thả hồn bên những ngôi nhà mồ đầy tượng gỗ trầm tư, những rẫy lúa chín vàng bên nương... đã gợi nên nhiều cảm xúc ấn tượng cho những ai mỗi lần đến với buôn làng Tây Nguyên.
MAI THỊ TRANG. Lễ hội truyền thống trong đời sống văn hóa của người Tây Nguyên / Mai Thị Trang // Tạp chí Lý luận chính trị & truyền thông. - 2016. - Số tháng 4. - Tr. 72-75
                Cùng với sử thi, cồng chiêng, lễ hội truyền thống trở thành một trong những yếu tố đặc biệt không thể trộn lẫn của văn hóa Tây Nguyên. Chúng kết hợp với nhau, cùng với nhau làm nên một Tây Nguyên đầy huyền tích, hấp dẫn và vô cùng bí ẩn. Do ở vào địa hình là một bình nguyên trên cao, tách biệt với các vùng địa lý khác của cả nước nên 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, cùng với nhau tạo nên một vùng văn hóa riêng biệt, vùng văn hóa Tây Nguyên. Bài viết đã phần nào cho chúng ta thấy được sự độc đáo của văn hóa nghi lễ - lễ hội Tây Nguyên cùng việc bảo tồn phát huy những giá trị truyền thống trong các nghi lễ - lễ hội trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
                1. Vị trí của lễ hội truyền thống trong đời sống văn hóa Tây Nguyên
                Có thể nói, Tây Nguyên là một vùng đất của lễ hội, do xuất phát từ tín ngưỡng đa thần, “vạn vật hữu linh”, từ rừng núi, cây cối, con suối, dòng sông, hòn đá, con vật đều mang trong mình linh hồn, đều ẩn chứa những câu chuyện thiêng liêng được con người sùng kính, dẫn đến trong tất cả các hoạt động sống của mình, con người nơi đây đều có tín ngưỡng cầu xin Yang cho phép, làm được việc rồi sẽ có lễ tạ ơn, làm không được việc thì sẽ có lễ tạ tội... Chính vì thế, bao trùm lên Tây Nguyên là tiếp nối những lễ nghi, lễ hội từ mùa này sang mùa khác. Các lễ hội đan cài với nhau, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của Tây Nguyên. Hay nói cách khác, lễ hội truyền thống cùng với các lễ nghi, không gian lễ hội và tín ngưỡng của người dân nơi đây đã làm nên đời sống tinh thần riêng của Tây Nguyên.
                2. Hệ thống lễ hội ở Tây Nguyên
                Các dân tộc bản địa Tây Nguyên có một nền văn hóa nghi lễ - lễ hội vô cùng độc đáo. Nó đi suốt vòng đời mỗi con người, từ lúc còn trong bụng mẹ, đến lúc sinh ra, trưởng thành, sinh con đẻ cái cho đến khi trở về với ông bà tổ tiên, với Yang trong tận rừng sâu. Tất cả đều gắn liền với lễ hội: Lễ cúng khi người mẹ mang thai, lễ cầu sinh đẻ, lễ cúng trước khi sinh, lễ cúng đặt tên, thổi tai, lễ cúng đầy tháng, lễ cúng đầy một mùa rẫy, lễ cúng đầy ba mùa rẫy, lễ cúng đầy bảy mùa rẫy, lễ cúng tròn 15 mùa rẫy, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ cưới chồng, lễ cúng sức khỏe hàng năm của mỗi gia đình, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ cúng vào nhà mới, lễ móc Kpan, lễ kết nghĩa anh em, lễ tang, lễ bỏ mả... Tất cả nghi lễ này gắn lấy vòng đời của người Tây Nguyên. Trong không gian rừng núi, cùng với những điệu sử thi và tiếng cồng chiêng bập bùng, tạo nên một sắc màu văn hóa mang tính đặc trưng vùng miền rõ rệt, làm nên một Tây Nguyên lạ lùng, mà như một nhà nghiên cứu từng nói đại ý rằng: Tây Nguyên là một vùng đất mà mỗi bước chân đi là có một huyền thoại.
              Trong hệ thống nghi lễ vòng đời của người Tây Nguyên, thì đáng chú ý hơn cả là lễ đặt tên, thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cưới và lễ bỏ mả. Lễ đặt tên, thổi tai (ngă Yang Biê anaên, bur mngaêt eâwa) của người Êđê được thực hiện khi đứa bé sinh từ 1 ngày đến 1 tuần lễ. Nghi lễ này bao gồm hai bước, bước thứ nhất là cúng Yang Bah Huê (thần che chở trẻ sơ sinh và con người). Lễ vật gồm một ché rượu và một con gà, hai bà đỡ ngồi trước mặt thầy cúng, sau khi cúng xong gia đình sẽ mời hai bà hưởng lễ vật, như biểu thị sự biết ơn của gia đình với họ. Tiếp đó, là lễ thổi tai cho trẻ, bà đỡ miệng nhai củ gừng, thổi khẽ vào hai bên tai cho trẻ và cầu thần trời (Aê Diê) tiếp sinh khí cho cháu bé, cho cháu một sức khỏe và trí tuệ tốt nhất; đồng thời, cầu mong em bé sẽ có được một đôi tai thật thính để có thể nghe được những điều hay lẽ phải từ đấng sinh thành và những người lớn tuổi trong gia đình, buôn làng. Người dân ở đây cho rằng, lúc mới sinh ra đứa trẻ chưa có linh hồn, nên nghi lễ đặt tên, thổi tai cũng là lúc họ làm lễ nhập hồn cho đứa trẻ. Lễ cúng đặt tên, thổi tai là một nghi lễ quan trọng trong suốt vòng đời của con người. Nó là đốm lửa hy vọng đầu tiên được gieo lên trong cuộc đời một con người, nơi đây đặt rất nhiều hy vọng của gia đình vào đứa bé, cũng thể hiện tính trao truyền, kế thế trong đời sống văn hóa của người Tây Nguyên.
             Lễ trưởng thành được tổ chức trang trọng, với sự tham gia của gia đình, họ hàng và người dân trong buôn làng, nó đánh dấu bước trưởng thành của một đứa trẻ, từ đó nó sẽ tự do như “con chim trong rừng, con cá dưới nước”, và hơn hết, được tham gia gánh vác các việc lớn bé của buôn làng.
              Xen giữa cuộc sống sản xuất canh tác quanh năm của người dân Tây Nguyên là các lễ hội nông nghiệp. Như: lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước, lễ cúng thần gió, lễ cúng công cụ lao động, lễ mừng trận mưa đầu mùa, lễ tuốt lúa, lễ ăn cơm mới, lễ mừng lúa mới, lễ rước thần lúa vào kho hội đua voi, lễ hội cồng chiêng, hội xuân... Tất cả những nghi lễ này đều hướng về một vụ mùa bội thu, lúa ngô đầy kho, trâu, bò, lợn, gà đầy chuồng, tất cả mọi người đều được ấm no hạnh phúc. Đây cũng là dịp để con người nơi đây tụ hội, cùng nhau sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tôn vinh thành quả lao động, đồng thời là dịp để giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống của dân tộc mình.
             Cuối cùng, sau khi một con người chết đi, người dân Tây Nguyên xây dựng nhà mồ, với đầy đủ các vật dụng như lúc họ còn sống. Sau thời gian hai đến ba năm, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, lễ bỏ mả sẽ được tiến hành. Lễ này được tổ chức sau mùa rẫy, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch. Nó được tổ chức trong từng gia đình riêng lẻ, với sự tham gia của cả dòng họ và buôn làng. Đến ngày lễ, con cháu sẽ tập trung sửa sang lại nhà mồ, dựng các cột nêu, tạc các tượng người và vật bằng gỗ, vệ sinh xung quanh cẩn thận, và bắt đầu bước vào lễ chính. Chính lễ, chủ nhà cho thịt bò, lợn, gà, cùng với hàng chục ché rượu để làm lễ tiễn đưa linh hồn người quá cố về với Yang. Sau đó sẽ tiến hành làm lễ nối dây cho người góa bụa với những người trong gia đình người đã mất. Sau nghi lễ này, chủ nhà lại tiếp tục giết thịt để cúng thần linh và thết đãi bà con tới dự lễ. Lễ bỏ mả được thực hiện trong nhiều ngày, sau ngày đầu tiên làm lễ tiễn đưa linh hồn người đã khuất. Ngày tiếp theo sẽ là lễ dựng cây nêu buộc trâu, lễ buộc trâu, lễ khóc trâu... Chủ nhà sau đó lại làm lễ giao trâu cho người đã khuất trong sự chứng kiến của thần mặt trời và buôn làng. Khi tàn lễ, chủ nhà còn cẩn thận gói ghém một nắm xôi, một ít thịt để cho khách mang về, nhằm tỏ lòng biết ơn với việc khách đã đến dự lễ bỏ mả của gia đình mình.
             Lễ bỏ mả của người Tây Nguyên được xem là một lễ hội truyền thống lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với những giá trị tâm linh nặng màu sắc thần bí, thấm đẫm tình người, đây còn là dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng để thắt chặt tình đoàn kết. Các loại hình văn hóa của người Tây Nguyên như diễn tấu cồng chiêng, múa tung khắc, múa trống, hát dân ca, kể khan, hát sử thi... đều được diễn ra trong lễ bỏ mả. Chính vì thế, người Tây Nguyên đặc biệt coi trọng lễ nghi này.
             3. Cồng chiêng trong lễ hội truyền thống của người Tây Nguyên
            Hệ thống lễ hội của người Tây Nguyên thường được tiến hành trong không gian văn hóa buôn làng, bao gồm: bến nước, đất làm rẫy, đất nhà mồ, khu rừng nguyên sinh. Đây cũng chính là không gian văn hóa nhà dài, không gian văn hóa lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng, cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là một khí nhạc đơn thuần, mà những thanh âm từ loại nhạc cụ đặc biệt này, cùng không gian văn hóa cồng chiêng đã làm nên hồn cốt của người Tây Nguyên. Chính vì thế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại” vào ngày 15.11.2005. Có thể nói, bảo vệ không gian vănhóa cồng chiêng chính là bảo vệ không gian văn hóa lễ hội truyền thống ở Tây Nguyên.
            Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh Tây Nguyên, ở khắp các dân tộc thiểu số bản địa. Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có pha vàng, bạc hoặc đồng đen trong quá trình chế tác. Dàn cồng chiêng thường có nhiều bộ, mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhận những vai trò khác nhau trong một cuộc hòa tấu. Giá trị của cồng chiêng không chỉ nằm ở kỹ thuật chế tác, nghệ thuật sử dụng mà hơn thế, nó còn có ý nghĩa tâm linh. Người Tây Nguyên quan niệm rằng, mỗi chiếc cồng, chiêng là đại diện cho một vị thần, cồng chiêng càng cổ thì chứng tỏ quyền lực của vị thần đó càng cao. Cồng chiêng trở thành một tài sản quý giá, được coi như bảo vật của người Tây Nguyên, nó tượng trưng cho quyền lực và sự giàu có. Hình ảnh từng vòng người trong trang phục truyền thống, xung quanh những ngọn lửa cao vút, bên những vò rượu cần sóng sánh cùng tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo nên một Tây Nguyên vừa linh thiêng vừa lãng mạn, vừa gần gũi mà bí ẩn đến tận cùng, cồng chiêng được sử dụng hầu khắp trong các nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng của người Tây Nguyên. Nhạc khí này được xem như một công cụ, cầu nối được con người giao tiếp với thần linh, cồng chiêng là sự hội tụ giữa yếu tố linh thiêng thần thánh và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân Tây Nguyên.
            Nói tóm lại, với người Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng chính là không gian lễ hội. Chỉ có ở lễ hội, cồng chiêng mới tồn tại và phát huy tối đa hiệu quả của mình. Nếu để các lễ hội bị mai một, thì không gian biểu diễn cồng chiêng sẽ không còn, cũng như thế, nếu không còn những thanh âm trầm hùng của cồng chiêng, các lễ nghi trong lễ hội sẽ mất đi một nửa sự trang trọng vốn có.
             4. Sự thích nghi của lễ hội truyền thống Tây Nguyên trong nền kinh tế thị trường
           Có thể nói rằng, nếu một ngày không còn lễ hội nữa, thì cuộc sống của người Tây Nguyên chỉ còn là cái vỏ trống rỗng, không có linh hồn. Lễ hội gắn chặt với con người Tây Nguyên và các hoạt động liên quan đến sự sinh tồn của họ. Nó góp phần đảm bảo sự an toàn, vững vàng cho cuộc sống kinh tế xã hội của con người nơi đây trong suốt lịch sử hình thành và phát triển. Tuy nhiên, có nhiều thứ đã thay đổi trước sự du nhập của làn sóng kinh tế thị trường. Từ việc thay đổi cơ cấu dân cư, thay đổi sở hữu đất rừng, thay đổi hình thức canh tác, thay đổi trình độ nhận thức của người dân, thay đổi chính sách quản lý... nên nhiều yếu tố lễ hội đã không còn nguyên vẹn như trong truyền thống nữa.
           Thay đổi trong cơ cấu cây trồng làm cho vị trí cây lúa bị giảm dần trong sản xuất nông nghiệp, vì thế những nghi lễ liên quan đến cây lúa như lễ trọc tỉa, lễ cúng lúa mới, lễ ăn trâu mừng được mùa,... không còn được chú ý như trước. Chỉ còn những gia đình nào làm nông nghiệp thuần trồng lúa thì mới giữ nguyên được những phong tục đó. Đặc biệt, ở những gia đình chuyển sang làm kinh doanh, dịch vụ thì các lễ hội trên gần như mất hẳn.
            Nền kinh tế thị trường với xu hướng thương mại hóa đang len vào từng công đoạn của lễ hội. Nhiều dạng dịch vụ ăn theo lễ hội như cho thuê chiếu nghỉ, chụp ảnh lưu niệm, cho thuê mâm đặt đồ cúng tế, bán hương hoa vàng mã... kèm theo còn xuất hiện cả tệ nạn cờ bạc, rượu chè, ăn cắp, trấn lột, hành khất và thậm chí mại dâm. Chùa giả, động giả, hòm công đức nhan nhản khắp nơi, dưới mọi hình thức. Các lễ hội tín ngưỡng của người Tây Nguyên cũng không tránh khỏi xu hướng trên.
             Dưới tác động của kinh tế thị trường, những kiêng cữ trong các lễ hội nông nghiệp và lễ hội theo vòng đời, một số bị mai một, một số vẫn được duy trì nhưng ở một mức độ nhất định hoặc có những thay đổi quan trọng theo hướng đơn giản hóa các lễ nghi truyền thống. Ví như trong lễ Hôn ước (Bi kơkuôl). Hiện nay, tục lệ cô gái đến sống nhà bố mẹ chồng không còn nữa, nhưng họ phải trả cho nhà trai bằng tiền với giá trị tương ứng với thời gian cô gái làm dâu ở nhà trai. Ví dụ, trước kia, theo luật tục quy định, cô gái phải đến sống nhà bố mẹ chồng tối thiểu là 3 năm, nay được quy ra tiền mỗi năm một chỉ vàng, và được giao cho nhà trai cùng với của thách cưới, hoặc sau làm lễ gọi chồng về nhà vợ.
              5. Bảo tồn và gìn giữ những lễ hội truyền thống với phát triển bền vững Tây Nguyên
              Một thực tế đáng buồn là văn hóa Tây Nguyênđang ngày càng mai một. Trước làn sóng di cư ồ ạt vào Tây Nguyên sau năm 1975, cơ cấu dân cư và sở hữu đất bị đảo lộn hoàn toàn, các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên trở thành người “thiểu số” trên chính mảnh đất cha ông để lại. Rừng bị tàn phá nặng nề, các hình thức canh tác truyền thống bị đảo lộn. Người Tây Nguyên bỗng chốc mất rừng, lớp lớp đại ngàn thâm nghiêm mà họ tôn sùng, nhanh chóng trở thành những nông trường cà phê, cao su, điều, hồ tiêu... trong làn sóng tăng trưởng dân cư và tăng trưởng kinh tế như vũ bão. Về vấn đề này, nhà văn Nguyên Ngọc từng khẳng định “mất rừng là mất văn hóa Tây Nguyên”. Cùng với việc kinh tế phát triển nhanh chóng, văn hóa Tây Nguyên trải qua một cơn chuyển mình chưa từng có trong lịch sử, người dân Tây Nguyên không kịp thích nghi, hoặc thích nghi quá nhanh, nên ít nhiều đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa truyền thống của mình.
              Đồng thời, với việc mất rừng, kết cấu và quy mô làng của người Tây Nguyên không còn như xưa. Không còn những buôn làng có kết chặt chẽ trong không gian truyền thống, những nhà rông, nhà dài, nhà sàn thưa thớt dần. Hơn thế nữa, trong cơn ngơ ngác “mất đất”, “mất rừng”, người dân các dân tộc tại chỗ của Tây Nguyên đang loay hoay với cuộc mưu sinh, nên đã vô tình quên mất việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Thậm chí, theo thông tin ghi nhận được, nhiều nơi đã xuất hiện hiện tượng người dân phải bán cồng chiêng - tài sản tâm linh quý giá nhất của mình để phục vụ cho nhu cầu sống trước mắt. Thực tế đau lòng này, hơn bao giờ hết là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người làm văn hóa, nếu công cuộc gìn giữ không được tiến hành khẩn cấp, thì việc mất văn hóa Tây Nguyên chỉ còn là vấn đề một sớm một chiều.
             Đằng sau làn sóng di cư ồ ạt sau năm 1975, dân số Tây Nguyên gia tăng một cách đột biến. Việc tăng nhanh dân số, hơn bao giờ hết đặt Tây Nguyên vào tình trạng báo động về việc giữ gìn và phát huy nền văn hóa truyền thống trong phát triển bền vững. Văn hóa Tây Nguyên bị pha tạp, cắt xén, mai một dần.
              Hiện nay, một số lễ hội văn hóa của người Tây Nguyên như lễ hội đâm trâu, lễ hội năm mới, lễ hội cồng chiêng… chỉ còn xuất hiện trong các festival, các hoạt động văn hóa do Nhà nước tổ chức - quy mô lớn, rình rang nhưng mất đi hồn cốt. Không những thế, một bộ phận giới trẻ của Tây Nguyên lãng quên chính văn hóa truyền thống của mình, không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, văn hóa lễ hội bị thu hẹp đến mức báo động.
              Được xem là một địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái của nước ta, vì thế việc gìn giữ sự ổn định và phát triển bền vững của Tây Nguyên trở thành một vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Để có thể giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách quản lý và người dân bản địa. Tránh việc ồ ạt khai thác, và để lại cho hậu thế một bãi chiến trường ngổn ngang. Thiết nghĩ, trước hết cần phải gấp rút có những chính sách bảo vệ và phục hồi những khu rừng đã bị tổn thương, đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ ở Tây Nguyên. Đây là cơ sở, đầu mối quan trọng cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai; và hơn thế, rừng không đơn thuần là môi trường sống, mà còn là linh hồn của người Tây Nguyên, giữ được rừng thì sẽ giữ được những giá trị cốt lõi của miền đất này.
              Đồng thời, phải đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, như một số nước trên thế giới đã áp dụng. Đó là tập trung khai thác du lịch sinh thái, bảo tồn nguyên trạng các sinh hoạt của người dân bản địa, một mặt có thể thu hút dài lâu những lượt khách tham quan, mặt khác giúp người Tây Nguyên không đánh mất mình trong quá trình hội nhập. Để biến người dân Tây Nguyên trở thành những người biết khai thác du lịch một cách thông minh, tức là vừa làm kinh tế vừa giữ được mình, cần có một sự hỗ trợ đắc lực và sự chung tay từ những cá nhân tập thể hữu trách.
              Đặt Tây Nguyên vào trong huyết mạch của cả nước để yêu thương, tự hào và cùng nhau có ý thức giữ gìn, bảo vệ. Hãy chung tay, để những điệu sử thi hùng tráng, những lễ nghi, lễ hội truyền thống của người dân nơi này vẫn có thể kiêu hãnh đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc.
ĐẶNG VĂN HƯỜNG. Lễ hội cồng, chiêng của các dân tộc Tây Nguyên / Đặng Văn Hường // Sách Tìm hiểu một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo các dân tộc vùng Tây Nguyên. - H. : Quân đội nhân dân, 2014. - Tr. 201, 202-205, 206
Cồng, chiêng là loại nhạc cụ gắn bó với con người Tây Nguyên từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt về “thế giới ma”. Cứ sau một mùa thu hoạch lúa trên rẫy, ruộng là đến mùa lễ hội của các dân tộc. Cuối đông đầu xuân, những cơn mưa cuối mùa đã thưa dần, bên đường đi, hoa cúc quỳ vàng rực, đồng bào bước vào tháng ninh nơng, tháng “ăn năm uống tháng”. Tiếng cồng, chiêng vang dậy núi rừng mời gọi mọi người đi uống nước giọt của người Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng ở Gia Lai, Kon Tum; đi ăn cơm mới của người Ê Đê ở Đắc Lắc; đi đón hồn lúa của người Mnông ở Lâm Đồng... Bất kỳ dân tộc nào, tiếng cồng, chiêng luôn phản ánh tâm tư, nguyện vọng, là nỗi nhớ niềm thương, là lời mời gọi mọi người xa gần về với Tây Nguyên, về vui lễ hội. Từ thủa nào xa xưa, tổ tiên các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo thạch cầm, thảo cầm để ngợi ca quê hương, con người nơi rừng xanh bát ngát, núi cao hùng vĩ mà rất gần gũi với con người. Rồi đến một thời kỳ, những cồng, chiêng đồng, pha đồng đen, vàng, bạc ra đời cất tiếng trầm bổng giữa núi rừng trong tháng ninh nơng - lễ bỏ mả, mùa thu hoạch lúa.
Cồng, chiêng gắn với con người Tây Nguyên từ khi mới chào đời. Từ khi A mí, ra vườn hứng giọt sương vào cái bát đồng, A ma lấy cồng, chiêng treo lên cột thiêng, cột ché rượu cần vào cột, gióng lên vài hồi cồng, chiêng, báo với thần linh và dân buôn làng một thành viên mới ra đời. Cồng, chiêng đi theo con người đến với các lễ nghi đặt tên, cắt việc, bắt chồng cưới vợ, làm nhà, chúc sức khỏe cho người già, lễ hội ăn trâu, ăn mừng chiến thắng, tang ma, bỏ mả, các lễ nghi nông nghiệp, cồng, chiêng là phương tiện giao tiếp với thần linh, giao lưu cộng đồng, anh em, bè bạn, là văn hóa đa sắc màu chung của người Tây Nguyên. Mỗi dân tộc có cách diễn tấu cồng, chiêng mang sắc thái riêng. Tiếng cồng, chiêng của người Ba Na trầm hùng như cơn gió thổi ào qua cánh rừng già. Tiếng cồng, chiêng của người Gia Rai nghe náo nức như mời gọi con trai, con gái nắm tay nhau bước vào vòng xoang cho vai sát vai, hông kề hông. Tiếng cồng, chiêng Xơ Đăng hùng dũng như bước chân người dũng sĩ bước vào cuộc đua tranh. Tiếng cồng, chiêng của người Mạ, Mnông nghe như tiếng già làng kể chuyện cổ tích, trầm bổng mà sao buồn đến nao lòng, làm trĩu nặng trong lòng người dự hội. Tiếng cồng, chiêng của người Ê Đê dồn dập như cơn mưa rừng, mạnh như thác đổ, như khát vọng của người tù trưởng Đam San quyết chống lại tập tục mẫu hệ, với ước mơ bắt nữ thần mặt trời về làm vợ. Đến vùng nào của Tây Nguyên, người đã từng một lần dự lễ hội cồng, chiêng của các dân tộc sẽ đoán được tiếng cồng, chiêng của dân tộc nào, ở họ đang làm lễ gì. Có lẽ vì thế mà một thời những đứa con của Tây Nguyên lầm đường lạc lối đi theo bọn xấu vào rừng, đêm nghe tiếng cồng, chiêng không chịu nổi để rồi phải nhờ người thân đến xin già làng chuộc lỗi được trở về với buôn làng.
Người Mường ở phía bắc có cồng, người Tây Nguyên có cả bộ cồng, chiêng, chiêng không có núm, cồng có núm. Cồng, chiêng được sử dụng theo bộ, hợp thành một dàn, thường có trống da giữ nhịp, các loại nhạc cụ khác hòa theo. Mỗi dân tộc có kết cấu bộ cồng, chiêng riêng. Người Gié - Triêng có bộ 12 chiếc, gồm 3 cồng, 9 chiêng; bộ chiêng 7 chiếc, 6 chiếc, 4 chiếc. Người Mạ có bộ 6 chiêng, khi dùng thường sử dụng 3 chiêng, 2 chiêng hòa với trống. Người Ê Đê có bộ chiêng 6 chiếc, bộ cồng 3 chiếc, chưa kể chiêng lớn thường để đệm cho dàn nhạc đồng 3, 5, 7, 11 chiếc cồng, chiêng. Người Mnông có bộ cồng 3 chiếc, bộ chiêng 6 chiếc. Người Gia Rai có bộ cồng 3, 6 chiếc; bộ chiêng 7, 9 chiếc, khi hòa tấu dùng 3 cồng 7 chiêng, lễ lớn dùng 9 cồng 15 chiêng. Mỗi chiếc cồng, chiêng trong bộ cồng, chiêng đều có tên gọi riêng. Đồng bào phân loại cồng, chiêng rất rõ ràng. Về giá trị, họ chia ra cồng, chiêng của người Lào (ching Lao), cồng, chiêng của người Kinh (ching Joăn),cồng, chiêng của người Cam-pu-chia (ching Kur). Bộ cồng, chiêng đồng có pha đồng đen, vàng, bạc đánh vào phát tiếng ngân trong vang xa được đổi bằng mấy chục con trâu hoặc một con voi. Trong Trường ca Đam San của dân tộc Ê Đê, chàng Đam San đã cất tiếng hát: “Ơ chiêng! Hãy vang lên đến chín tầng trời, vọng sâu xuống bảy tầng đất, phía tây đến chỗ người Lào buôn voi, vọng sang đằng đông nơi người Kinh buôn muối. Rằng, hôm nay nhà Đam San có việc lớn”.
Vào lễ hội, âm nhạc của các dân tộc thuộc loại đa thanh, đa nhạc cụ, có giai điệu rõ nét, thang bậc ổn định; trong đa thanh ấy, tiếng cồng, chiêng luôn là âm thanh nổi trội. Tiếng của dàn cồng, chiêng là lời ca trữ tình rực lửa của con người Tây Nguyên sinh sống trên cao nguyên bazan đầy nắng, gió ngàn; là hơi thở của núi rừng cuối dãy Trường Sơn hùng vĩ. Các bài tấu cồng, chiêng thường ngắn gọn, cấu trúc đơn cuốn giản, lặp đi lặp lại nhiều lần, nhịp lúc nhanh lúc chậm, lúc thong thả, lúc dồn dập, có sức lôi người nghe. Mỗi loại lễ hội có bài tấu cồng, chiêng khác nhau. Lễ lớn cùng tấu nhiều bài khác nhau theo từng giai đoạn của buổi lễ. Dàn cồng, chiêng buôn Koh siă của người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột đã từng thay mặt “họ hàng nhà chiêng Tây Nguyên” dự liên hoan âm nhạc dân gian thế giới tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1991; sang Cộng hòa Séc biểu diễn vào tháng 10 năm 1998...
Hiện nay, văn hóa cồng, chiêng các dân tộc Tây Nguyên được Đảng và Nhà nước ta khuyến khích bảo tồn, phát huy, truyền lại cho con cháu muôn đời. Văn hóa cồng, chiêng được xếp vào di sản văn hóa phi vật thể không chỉ của khu vực Tây Nguyên mà còn di sản chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được UNESCO và bạn bè trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Từ năm 1992, Lễ hội cồng, chiêng Tây Nguyên được chính thức tổ chức vào dịp cuối mùa xuân hàng năm ở Tây Nguyên.
Cứ mỗi độ xuân về, mưa rừng đã ngớt, cái lạnh đã đi qua, gió khúc khích cười trên những búp non cà phê, bời lời, cánh hoa cúc quỳ... khuôn mặt con trai, con gái Tây Nguyên bừng sáng lên, bước chân hối hả bước vào lễ hội cồng, chiêng. Sau lễ hội cồng, chiêng chung cho tất cả các dân tộc được Đảng và chính quyền các địa phương đồng tổ chức tại thành phố Pleiku hay Buôn Ma Thuột, các dân tộc đua tài bằng đội múa cồng, chiêng. Sau lễ hội chung là lễ hội cồng, chiêng của các buôn làng. Vào mùa lễ hội, cả Tây Nguyên âm vang tiếng cồng, chiêng mời gọi mọi người hãy đến với buôn làng Tây Nguyên, đến với mái nhà rông cao vút, cùng uống rượu cần, cùng múa hát, cùng đưa chân nắm tay vòng trong, vòng ngoài theo tiếng cồng, chiêng cho đất trời, núi rừng cùng say đắm.
HUỆ HƯƠNG. Lễ hội mừng nhà rông mới của dân tộc Gia Rai / Huệ Hương // Tạp chí Dân tộc. - 2011. - Số 128. - Tháng 8. - Tr.59-60
                Người Gia Rai còn có tên gọi khác là người Giơ Rai, Chơ Rai, Tơ Buăn, Hơbau, Hdrung, Chor hay Gia Lai. Người Gia Rai có dân số khoảng 411.275 người, cư trú tập trung đông nhất ở tỉnh Gia Lai, chiếm tới 90% và ngoài ra còn cư trú ở các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc. Người Gia Rai có một nền văn hoá cổ truyền với bản sắc văn hoá riêng biệt thể hiện tính cách độc đáo. Dấu ấn văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Gia Rai rất đặc sắc, tiêu biểu như lễ hội cồng chiêng, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả...Trong đó Lễ hội mừng nhà Rông mới của dân tộc Gia Rai là một biểu tượng văn hoá sinh động, một nét đẹp văn hoá độc đáo riêng góp phần làm đa dạng đi sản văn hoá vật thể-phi vật thể của cộng đồng Gia Rai.
                Ngôi nhà Rông của dân tộc Gia Rai thường được xây dựng ở trung tâm của một làng, là nơi để sinh hoạt văn hoá, là biểu tượng cả về sự giàu mạnh và phong phú về đời sống tinh thần của một cộng đồng. Ngôi nhà Rông gắn bó mật thiết với tất cả sự kiện trọng đại của làng, là nơi các già truyền lại cho con cháu những phong tục, nếp sống của bao thế hệ và cũng là nơi tổ chức văn hoá truyền thống của cả làng.
                Chính vì vậy, việc hoàn thành một ngôi nhà Rông mới đương nhiên là một sự kiện trọng đại của cả làng hoặc của cả một cộng đồng người. Một lễ hội với quy mô và tầm vóc tương xứng với ngôi nhà Rông mới sẽ được tổ chức vào một ngày ''đẹp'' do các già làng chọn và xin ý kiến của Giàng. Trước khi diễn ra lễ hội vài ngày, công việc chuẩn bị gần như đã hoàn tất. Đầu tiên là phải chọn vị trí trồng cây nêu ở giữa sân rộng trước ngôi nhà Rông. Cây nêu là một công trình nghệ thuật tổng hợp, chỉ dùng tre, gỗ kết hợp điêu khắc vào hội hoạ, trang trí các màu: đen, đỏ, trắng được lấy từ than củi, đất, đôi khi từ máu các con vật hiến sinh. Trên thân cây nêu có các hình trang trí như hình mặt trời, tay thần, cây rau dớn, hoa văn đặc trưng của dân tộc. Một cột nêu còn trồng một cây Pơ lang (cây hoa gạo) tượng trưng cho sự trường tồn của cộng đồng. Dựng xong cây nêu, trai tráng dưới sự điều khiển của già làng buộc trâu, dê vào thòng lọng. Trâu và dê là vật cúng thần nên thòng lọng cũng được làm rất công phu. Họ giết một con heo nhỏ để báo với Giàng việc này. Sau đó các cô gái làng tập trung chế biến rau rừng thành nhiều món ăn độc đáo. Cánh đàn ông thì chuẩn bị một ghè rượụ thiêng, lấy một ghè rượu nhỏ và cắt tiết một con gà trong làm lễ cúng báo với Giàng, xin phép mở hội. Bát tiết gà hoà rượu cúng là vật thiêng, nên phụ nữ, con trẻ không được đụng vào. Các già làng đem bát tiết ra vị trí dựng nêu làm lễ cúng tế. Già làng, chủ lễ, cầm bát tiết gà đưa quanh cây nêu lớn năm vòng: ba vòng từ phải qua trái, hai vòng từ trái qua phải. Theo quan niệm của họ, ngược chiều kim đồng hồ là chiều lặn của mặt trời; chiều đến với ông bà tổ tiên, còn xuôi chiều kim đồng hồ là chiều vận động bất tận của mặt trời. Trong khi hành lễ, họ kiêng tránh để bát tiết gà bị đỗ, do họ sợ rằng dân làng gặp những điều không hay.
                Lúc này tiếng chiêng, tiếng cồng bắt đầu nổi lên trầm hùng cùng những vòng múa xoang của các cô gái. Bài cồng chiêng thứ nhất mang ý nghĩa mừng nhà rông mới và mời các thần linh về chứng kiến lễ ăn trâu của dân làng. Bài thứ hai mời ông bà tổ tiên, còn bài thứ ba mời bà con xa gần về dự hội. Sau đó họ tiến hành một thủ tục tâm linh gọi là prế prang. Già làng dùng một sợi dây dài, buộc một đầu vào gốc nêu, dây được kéo dài ra, sau hiệu lệnh của ông, tất cả già trẻ trai gái đều cầm tay vào sợi dây, vài phút sau đầu dây được chuyển từ cột nêu buộc trâu sang cột buộc dê.
                Các già làng giải thích rằng, dân làng quá đông, không đủ chỗ cho tất cả mọi người cùng lúc sờ vào cột nêu nên phải nối dây dài ra, vì đó là ''sợi dây thông linh'' để dân làng tiễn vật hiến sinh và báo với Giàng họ đã góp công sức tiền của vào việc tổ chức lễ hội và cầu mong Giàng ban phúc. Già làng đứng bên cây nêu buộc trâu làm lễ khấn Giàng và cầu xin Giàng ban cho con người sức khoẻ, cho con trâu, con bò, con heo mau lớn, thóc lúa đầy kho, ruộng rẫy đầy mỳ bắp, mọi hận thù tan biến.
                Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, đội cồng chiêng đánh một vòng quanh nhà Rông rồi đến thăm từng nhà. Các gia đình biếu lại họ gà rượu bầu bí... Sau đó những người đàn ông đại diện cho các gia đình mang theo mỗi người một nắm gạo. Số gạo góp này được coi là gạo thiêng, được già làng rắc lên lưng trâu với ý nghĩa tiễn đưa vật hiến sinh về với Giàng. Trong tiếng chiêng rộn rã, mấy thanh niên khoẻ mạnh, tay cầm giáo, tay cầm khiên bước ra. Họ múa điệu múa chiến trận khoẻ khoắn quanh cột buộc trâu trong tiếng hò reo đầy phấn khích của dân làng. Đây cũng là lúc diễn ra nghi lễ đâm trâu. Sau đó dân làng cắt đuôi trâu treo lên cây nêu. Thịt trâu được thui và chia đều cho mọi gia đình. Con dê cũng được hiến tế ngay sau đó.
                Cúng xong nhà Rông, một lần nữa sợi dây thông linh lại được giăng ra để dân làng báo với Giàng rằng mọi việc đã hoàn tất. Sang ngày thứ ba của lễ hội, đầu trâu được mang lên nhà rông. Một thanh niên cẩn thận lột da và thịt khỏi đầu trâu, riêng lưỡi và óc con vật được băm nhuyễn, trộn đều rồi gói trong lá rừng đem nướng để mang lên nhà rông làm lễ cúng Giàng xin phép từ nay nhà Rông sẽ được đưa vào sử dụng.
                Lễ hội kết thúc khi xương đầu trâu được gác lên một góc cao trong nhà Rông. Sau đó, các già làng ngồi lại với nhau rút kính nghiệm về việc tổ chức lễ hội, bàn xem có ai ở xa hay ốm đau không về được thì bàn cách giúp đỡ. Đây chính là ý nghĩa, giá trị biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết, tính cố kết cộng đồng của dân tộc Gia Rai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh đó, lễ hội cũng góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển những nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào trước những nguy cơ mai một theo thời gian.
                Mặc dù cũng có một số nghi thức khác nhau đối với cộng đồng người Gia Rai cư trú trên những vùng đất khác nhau nhưng về cơ bản thì nghi thức tổ chức mừng nhà Rông mới đều được tiến hành theo những bước cơ bản như vậy, thể hiện rõ rệt tính cộng đồng của tộc người Gia Rai ở Tây Nguyên.
NGỌC HÀ. Độc đáo lễ hội đâm trâu / Ngọc Hà // Báo Bảo vệ pháp luật. - 2011. - Số Xuân Tân Mão. - Tr. 58
Lễ hội đâm trâu là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên như: Jrai, Bahnar, Ê Đê, Xê Đăng... Lễ đâm trâu thường được tổ chức trong những dịp tế lễ thần linh, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu và các sự kiện quan trọng của buôn làng...
Lễ đâm trâu là lễ hiến sinh, thể hiện sự kết nối giữa con người và Yàng (trời) cùng các vị thần linh thần Sông, thần Núi, thần Lửa... Đây là dịp để con người các dân tộc Tây Nguyên cảm ơn thần linh đã cho dân làng mưa thuận, gió hòa, ngăn cản thú dữ, thiên tai, địch họa... cho dân làng cuộc sống ấm no, yên lành. Dù cuộc sống có khó khăn, thiếu thốn đến đâu thì hàng năm, người dân các dân tộc ở Tây Nguyên cũng tổ chức lễ đâm trâu để cúng thần linh.
Người làng chọn bãi đất trống thường là trước sân nhà Rông để tổ chức buổi lễ đâm trâu trọng đại. Để báo hiệu vào hội, tiếng cồng chiêng sẽ được nổi lên, nghênh đón thần linh, mời gọi người trần về tham dự. Tiếng cồng chiêng sẽ ngân vang trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Việc cần chuẩn bị đầu tiên cho lễ hội đâm trâu là dựng cây nêu nơi diễn ra buổi lễ. Cây nêu được coi là trục thông linh, với ý tưởng đưa ước nguyện của con người đến với thần linh, cầu mừng thần linh ban cho dân làng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các thanh niên, trai tráng của làng được giao nhiệm vụ vào tận rừng sâu chặt hạ 5 cây gỗ, để nguyên cành lá (ngày nay được thay thế bằng cây tre) mang về làm cây nêu. Trên những cây này, các nghệ nhân của làng sẽ chạm khắc các hình: răng cưa (tượng trưng cho núi đồi), đường lượn sóng (tượng trưng cho sông, suối), ô vuông (tượng trưng cho ruộng đồng), tam giác đối đỉnh (tượng trưng cho sinh thực khí nam nữ), hình các con vật như: khỉ, nai, hươu, chim chóc và hình các loại cây cối... mặt trời, mặt trăng. Sau khi hoàn thành việc trang trí, cây nêu được chôn vào một nơi được cho là đất thiêng, nơi thể hiện sự giao thoa giữa trời và đất, âm và dương.
Cây nêu được hoàn thành xong, vị chủ lễ và thầy cúng sẽ làm lễ xin phép Yàng và các vị thần linh cho dân làng được tổ chức lễ hội. Con trâu khỏe nhất, đẹp nhất sẽ được dẫn ra, buộc vào cổ chiếc gồng chắc khỏe bằng dây mây vào cây nêu. Những chàng trai đầu chít khăn đỏ, mặc áo lễ, thêu hoa văn sặc sỡ hai bên vạt áo, đóng khố hoa, đánh trống, khua chiêng chờ tín hiệu của chủ lễ để nổi nhịp cồng chiêng. Các cô gái mặc áo lễ, váy hoa, đầu chít khăn trắng đứng thành vòng tròn. Trong buôn làng, già trẻ, gái trai xúng xính quần áo đẹp, tập trung trước nhà Rông. Khi mọi thứ đã đâu vào đấy, thầy cúng sẽ một lần nữa làm lễ cầu xin Yàng, thần Núi, thần Sông suối về chứng kiến ngày hội đâm trâu của dân làng, cầu xin các thần phù hộ cho dân làng trồng được nhiều lúa, nuôi được nhiều trâu bò, súc vật... Cúng thần linh xong, cồng chiêng lại vang lên thúc giục nam thanh, nữ tú nhảy múa theo điệu nhạc. Các chàng trai đầu chít khăn đỏ, tay cầm lưỡi giáo sắc nhọn nhảy múa vòng quanh con trâu. Nhảy múa mấy vòng, họ dừng lại, đặt giáo xuống rồi dùng những cây gậy gỗ thi đấu với nhau. Tiếng hô vang vọng núi rừng cùng âm thanh cồng chiêng trong trẻo ngân vang.
Các màn múa hát kết thúc cũng là lúc họ bước vào thủ tục đâm trâu. Hai trai làng cầm giáo dài, xông vào con trâu, một chàng dùng giáo chặt vào hai chân sau con trâu cho nó quỵ xuống, người còn lại dùng lao đâm vào huyệt tử (tim của con trâu). Khi mũi lao được phóng vào tim trâu cũng là lúc thể hiện đỉnh điểm linh hồn của lễ hội. Tiếp đó, những thanh niên khác cầm giáo, mác nối đuôi nhau nhảy múa, trong tiếng cồng chiêng càng lúc càng gấp rút, nhịp nhàng, các thiếu nữ thì múa xoang xoay vòng quanh trong niềm phấn khích tột cùng.
Lễ hội đâm trâu được xen kẽ với nhiều hoạt động truyền thống thể hiện rõ tính cộng đồng, ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Sau buổi lễ này, mọi nỗi buồn, khó khăn, hiềm khích sẽ được xua đi hết chỉ còn lại niềm vui, hạnh phúc và sự tin tưởng về một cuộc sống ấm no sắp đến.
NGUYỄN THỊ THU LOAN. Lễ hội Kơ Cham - Tết của người Bahnar Konkerđeh / Nguyễn Thị Thu Loan // Tạp chí Khoa học và công nghệ Gia Lai. - 2007. - Số 1. - Tr. 20-21, 31
Người ta thường nói: ''Năm hết Tết đến'' nhưng kỳ thực cái Tết đó chỉ quen thuộc với người Kinh. Còn một số tộc người vẫn có cái Tết riêng của mình: Không nói đâu xa, ngay trên mảnh đất Gia Lai đã có nhiều cái Tết khác nhau. Một trong những Tết đó là của người Bahnar Konkerđeh thông qua lễ hội Kơ Cham.
Người Bahnar Konkerđeh thường sống ở giữa rừng già, cách biệt với các cộng đồng khác. (Dĩ nhiên hiện nay sự cách biệt đó không còn quá lớn như xưa nhưng vẫn để lại sự khác biệt trong ngôn ngữ, hệ thống lễ hội, cách tổ chức lễ hội). Nhóm Bahnar Konkerđeh còn định cư tương đối nhiều ở xã Ia Hội, Yang Bắc huyện An Khê, xã Sơ Ró, Đak Sông huyện Kông Cho.
Hàng năm cứ vào khoảng tháng mười âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong thì cuộc sống của đồng bào mới tương đối thư nhàn. Đất trời Tây Nguyên như được thay da đổi thịt: Mưa hầu như không có. Bầu trời cao trong xanh. Khí hậu thiên nhiên dường như đã tác động mạnh mẽ đến mọi sinh vật sống trên mặt đất: ''Năm hết rồi, đất trời mát mẻ. Con vẹt hót, con sáo ca. Con chim Bak kêu chúc chu. Năm hết rồi, mùa khô đến đẹp lắm. Rẫy dọn sạch rồi, chúng ta, chúng ta sắp nghỉ ngơi. Mùa khô đến đẹp tươi. Chúng ta  cùng đi chơi. Chúng ta cùng bắt cá. Cá Hếch, cá Hlang thịt thơm màu đẹp. Cá Xơchiơ tung tăng bơi lượn. Chúng ta cùng đi hái lá, hái rau rừng. Lá hning, lá hnang thơm ngon tươi mát..." (Bài ca của người Bahnar). Và quả thật vào thời điểm này là lúc các tộc người chuẩn bị bước vào mùa lễ hội: Cho lúa vào kho làm lễ đóng cửa kho, lễ tạ thần, lễ bỏ mả. Nhưng xét cho cùng tất cả những lễ hội ấy vẫn là những công việc cần phải làm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình để kết thúc một mùa nương rẫy. Phải đợi đến lễ hội Kơ Cham thì mới đúng nghĩa là một lễ hội chung của cả làng - của chung một cộng đồng náo nức đón chào một năm mới.
                Xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp nên người Bahnar cho rằng luôn có các Yàng đã nuôi sống, tạo điều kiện cho các loại cây nông nghiệp cùng gia súc phát triển như Yàng trời, Yàng mưa, Yàng đất, Yàng sấm, Yàng nước... Đây chính là dịp để họ tưởng nhớ, tri ơn tới các Yàng có liên quan đến sự được mất của mùa màng, Họ cũng không quên các Atâu, Yàng núi, Yàng sông... đã gìn giữ cuộc sống ở buôn làng được ấm no, hạnh phúc. Với ý nghĩa nhân sinh sâu xa như vậy nên mỗi khi làng tổ chức lễ hội Kơ Cham, người Bahnar Konkerđeh dù đang làm ở đâu, đang bận bất cứ công việc gì vẫn cứ tìm về làng, sum họp với cộng đồng trong những ngày vui đó để được chứng kiến những nghi lễ linh thiêng, được chung sức vào những công việc chung như lấy nước, chuẩn bị rượu, chuẩn bị các món ăn, đồ lễ... được hòa mình vào vòng xoang, vào những trò chơi múa hát thâu đêm. Trong những ngày này, mối quan hệ buôn làng được mở rộng ra. Tình cha mẹ, anh em, bạn bè, hàng xóm trở nên gần gũi thân thiết hơn.
                Lễ hội Kơ Cham thường được tổ chức trong khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch. Trước đó cả làng cùng họp lại để chọn ngày lành tháng tốt và bàn mức đóng góp của mỗi người (trung bình 15.000 - 20.000đ). Già làng phân công người vào rừng chặt tre nứa, gỗ để dựng cột gưng, làm chơ-đang (nơi bày lễ vật để cúng). Lễ Kơ Cham được tiến hành trước sân nhà rông (từ Kơ Cham có nghĩa là sân làng). Người ta dựng cột gưng được trang trí rất công phu ở giữa sân. Sau cột gưng là ba chơ - đang để thờ ba hệ thống thần khác nhau. (Có làng dựng tới 7 chơ - đang. Mỗi chơ - đang là mỗi vị thần).
Xuất phát từ quan niệm cho rằng Atâu là ông, bà, cha mẹ, anh em... vốn dĩ là những người gần gũi với mình nhất, khi mất đi thì vẫn tiếp tục phù hộ những điều tốt đẹp cho mình, cho buôn làng nên nghi lễ tiến hành ở chơ - đang Atâu trước tiên, dành cho atâu bài khấn riêng. Nội dung bài khấn thường là báo tin cho atâu biết người sống đã dâng lễ vật đầy đủ và cầu mong atâu tiếp tục phù hộ: "Cho chúng tôi sức khỏe dồi dào, làm ăn giàu có, lúa gạo đầy bồ, ngô khoai đầy chòi, con người khỏe mạnh, ai cũng ấm no.
Cúng atâu xong các già làng mới thực hiện các nghi lễ cúng ở chơ - đang Yàng trời. Tại đây cũng bày biện tương tự như ở chơ - đang atâu nhưng số lượng người cúng đông hơn và phải là con số lẻ để thể hiện sự ngưỡng vọng và hùng mạnh. Bài khấn bên này bao giờ cũng dài hơn, lâu hơn. Nội dung thường là thông báo cho các Yàng biết dân làng đã mở lễ hội và mời các Yàng hãy xuống cùng uống rượu, ăn thịt, cùng vui chơi với dân làng. Sau bao nhiêu nghi lễ dân làng không quên bày tỏ niềm thiết tha mong ước nhất của mình khi đón chào một năm mới là : "Cầu mong cho chúng tôi được ấm no. Ước cho lá lúa bằng lá ngô, lá ngô bằng lá chuối, quả bầu bằng cái sàng, hoa màu ngày càng tốt tươi. Mong cho chúng tôi làm rẫy thì được mùa, làm việc gì cũng đem lại của cải". Đến chiều tối người ta tiếp tục cúng ở chơ - đang dành cho Yàng núi hoặc Yàng sông. Đây là những tên núi hoặc tên sông có ở ngay trong địa phận của làng đó mà dân làng tin rằng các Yàng này đã góp phần không nhỏ trong sự bảo vệ cuộc sống bình yên ở buôn làng. Ởđây cũng bày biện lễ vật đầy đủ như ở các chơ - đang khác: Một nhúm huyết, một ít gan, thịt, cơm, nước, rượu... Khi làm lễ cũng là các già làng đứng ra thực hiện nghi lễ và đọc bài khấn như ở các chơ - đang kia. Xong xuôi người ta thả một con gà trống to hơn vốc tay - một hành động tương tự như phóng sinh. Đến đây phần lễ hoàn toàn kết thúc. Cồng chiêng, múa hát, trò chơi... trước đây chỉ mang tính chất phụ họa, là yếu tố manh nha thì giờ đây chiếm lĩnh hoàn toàn không gian sinh hoạt của lễ hội. Mọi người nghỉ ngơi, ăn uống, hò hát vui chơi nhảy múa liên tục trong hai - ba ngày tiếp theo đó.
Sau lễ Kơ Cham dân làng lại trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Ai ưng vào rừng kiếm củi thì kiếm củi. Ai ưng xuống suối bắt cá thì đi bắt cá. Đặc biệt chỉ có sau khi tổ chức lễ hội Kơ Cham người trong làng mới tiến hành công việc dọn rẫy, trồng trỉa bắt đầu một vụ mùa mới. Có thể nói Lễ hội Kơ Cham chính là dịp để người Bahnar Konkơđer tổng kết lại một chặng đường đã qua trong mỗi con người cá thể cũng như toàn cộng đồng. Với họ, mỗi một chặng đường là một mùa nương rẫy. Trong chặng đường ấy và cả những chặng đường tiếp theo người Bahnar vẫn luôn luôn khát khao, cầu mong vươn tới một sự hưng thịnh toàn diện về sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho từng con người cũng như toàn cộng đồng. Qua lễ hội Kơ Cham chúng ta càng thấm thía rằng tuy con người sống ở môi trường khác nhau, phong tục tập quán khác nhau nhưng đều có chung những khát vọng chân chính. Niềm mơ ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc chỉ là một mà thôi.
PHẠM DUY. Lễ hội cầu mưa của người Jrai ở Phú Thiện / Phạm Duy // Báo Dân tộc và phát triển. - 2011. - Số 720. - Ngày 28/9. - Tr.7
Nhằm bảo tồn và phát huy những lễ hội truyền thống và độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng lại Lễ Cầu mưa ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện.
Trên một miếng đất rộng đã được quét dọn sạch sẽ, những lão làng Jrai trong trang phục lễ nghi truyền thống trải bức chiếu trên nền nhà rông để thầy cúng ngồi làm chủ lễ với mâm bát, bình ché bày kề bên. Các lão làng cùng trai trẻ thay nhau gióng lên chiêng trống. Trong khi đó, những người khác lo nhóm bếp nhen lửa và chuẩn bị cho buổi hành lễ bắt đầu.
Trước đó, dân làng phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật gồm 1 ghè rượu, nến, gạo, muối, một con heo thui được mổ bỏ nội tạng, cắt ra bày trên đĩa được đan bằng phên tre. Thầy cúng đầu bước vào khu vực hành lễ tiến hành nghi thức vẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu khỏe, cầu phúc. Sau đó thầy sẽ ngồi hướng về phía bàn lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tự rót nước vào ché rượu bằng tay phải. Tiếng chiêng trống, lời văn tế ngân nga, vẻ trang nghiêm, trịnh trọng của thầy, ngọn lửa bếp bùng cháy trong trong nhà rông càng thể hiện sức mạnh siêu nhiên, huyền bí. Vừa khấn, thầy vừa lấy gạo vãi ra chiếu cúng để mời: thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ.
Khi làm lễ, thầy cúng Rơ Lan Hieo ở làng Plơi Ơi, lấy thịt ném 3 lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt, Rơ Lan Hieo cũng không quên cầm cây gươm thần, chỉ hướng từ đông sang tây, vừa luôn miệng cầu khấn. Cầu mong Jàng cho mưa thuận, gió hòa, bà con trong làng đoàn kết cùng bảo nhau làm ăn. Con cháu trong làng không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Mọi người ai cũng được hưởng phúc của Jàng để sau này cùng sinh được con trai, con gái.
Trong Lễ hội Cầu mưa, mỗi nhà trong làng đều tự nguyện mang một ghè rượu ra để góp vào việc làng. Tại nơi Lễ Cầu mưa, thầy cúng dựng 4 cây gậy cao hơn 1m và để trên đó một đài được đan bằng tre, bên trên để một tàu lá chuối, trên đó thắp một cây nến, một miếng thịt vai, một đĩa gạo lẫn muối, 1 chén rượu. Khi nào nến tắt cũng là lúc xong lễ.
Sau Lễ Cầu mưa, rượu ghè được mở nắp, mùi bắp non ngòn ngọt lan tỏa khắp nhà rông. Thanh niên là những người đầu tiên mở bình, nhấc cần khai tiệc rượu. Bên ngoài, tiếng cồng chiêng vang lên, những phụ nữ sẽ bước vào với điệu múa nhịp nhàng cùng ché rượu cần sóng sánh. Sau lượt thanh niên trai trẻ là đến các cụ phụ lão. Tất cả mọi người đến với lễ, với tiệc rượu bằng tấm lòng thành kính và sự thanh khiết.
Sau lễ hội, ai về nhà nấy và ngày mai lại bắt tay tiếp tục vào công việc nương rẫy để thực hiện ước muốn một mùa bội thu.
THANH CHƯƠNG. Lễ hội tạ ơn thần lúa của người Bahnar / Thanh Chương // Tạp chí Thông tin và truyền thông Gia Lai. - 2011. - Số 1. - Tr. 40, 41
Vào khoảng tháng 12 âm lịch, khi lúa đã thu hoạch xong, người dân tộc Bahnar ở huyện Kbang tỉnh Gia Lai tổ chức lễ tạ ơn Thần lúa (Sré Yang). Đây là lễ hội suy tôn tất cả các thần liên quan đến sản xuất nông nghiệp như Yang sấm, Yang sét, Yang mưa, Yang Hơri... để cảm ơn tất cả các thần đã giúp cho mùa màng trong năm và cầu ước các Yang sẽ tiếp tục phù hộ cho mùa màng tiếp theo được tốt tươi. Cả làng tụ tập tại nhà rông làm lễ kéo dài 1-3 ngày tùy theo từng năm.
Để tổ chức được lễ hội lớn này, đòi hỏi khâu chuẩn bị về vật chất rất công phu. Thường thì già làng thông báo ngày giờ đến từng gia đình để có làng họp. Nơi họp được tổ chức tại nhà Rông. Dân làng bàn bạc chọn ra ngày, tháng tổ chức lễ hội. Sau đó mọi người cùng thảo luận định mức đóng góp để mua lễ vật. Tùy theo từng làng mà mức đóng góp có khác nhau. Có thể phân đều theo đầu người, từ người già đến trẻ em đều có mức đóng góp như nhau hoặc có thể chia theo từng hộ gia đình. Tất cả phần vật chất phục vụ cho lễ hội được bàn bạc kỹ lưỡng trong cộng đồng.
Cũng trong buổi họp cộng đồng làng đó, già làng phân công một số thanh niên vào làng lấy gỗ, nứa tre phục vụ cho trang trí lễ hội như làm cột Gưng, Chơ-dang, cây nêu. Những công việc này đều được chuẩn bị trước cả tháng trời. Gỗ để làm cột Gưng, Chơ-đang phải dễ lột vỏ, mềm, dẻo, dễ đục đẽo và chạm trổ như gỗ các loại cây gòn, vông... Chơ-đang thường được làm bằng những tấm đan tre nứa, trên nền được trang trí sinh động, đẹp mắt với những hình thoi, ô vuông, tam giác... chìm hoặc nổi trội khắp diện tích bàn thờ. Màu đỏ và đen là hai màu chính được vẽ lên đậm nét trên nền tre nứa trắng ngà. Chơ-đang được trang trí công phu bằng những đường nét uốn lượn như mui thuyền và có đường răng cưa, trông rất cầu kỳ và bắt mắt. Cột Gưng có đường nét chắc khỏe, đế là bốn cây gỗ tròn, phần trên có một khung vuông cũng bằng gỗ tạo nên một cái khuôn vững chắc, bên trong dựng cây Nêu bằng thân cây le còn để nguyên phần ngọn. Trên thân cây le được khoanh từng đoạn cạo bỏ lớp vỏ xanh để tạo cho cây Nêu từng khoảng màu trắng, màu xanh. Trên đầu cây Nêu treo hình tượng những con cá đan bằng tre và các chùm ống sáo để mỗi khi gió thổi qua nghe được tiếng sáo kêu vui tai.
Từ lúc họp bàn đến ngày lễ hội, trong cộng đồng ai nấy đều náo nức cho ngày hội. Tất cả mọi người đều ra nhà rông. Mỗi nhóm người đều làm một nhiệm vụ. Nhóm thì dựng cột, đan lát, trang trí, làm cần rượu, nhóm thì nấu nướng... Không khí bận rộn, vui vẻ hiện rõ lên gương mặt mọi người, bao trùm lên cả cộng đồng.
Cột Gưng được dựng giữa sân với một Chơ-đang khá lớn. Trên đó bày các lễ vật gồm: đầu heo, đùi heo, gan, huyết cùng cơm nước, rượu. Khi mọi việc chuẩn bị đã chu tất, dân làng mới bước vào thực hiện các nghi lễ. Tất cả những người biết cúng trong làng (chọn con số lẻ) tập trung lại thực hiện nghi lễ đọc bài Sơmăh. Nội dung bài cúng là hiệu triệu các thần liên quan đến sản xuất xuống ăn cơm, ăn thịt, uống rượu, cảm ơn các vị thần và cầu xin các vị thần tiếp tục phù hộ cho cả buôn làng cũng như mỗi gia đình sang năm mới được mùa to hơn năm trước.
Một bài Sơmăh của lễ tạ thần lúa (Sré Yang) có nội dung được dịch là: "Ơ Yang! Hỡi Yang ông. Yang bà! Hôm nay chúng tôi làm lễ tạ Yang. Trước kia chúng tôi hứa với Yang. Người không bị đau bệnh. Làng không bị đói ăn. Chúng tôi sẽ tạ Yang. Chúng tôi không hứa với thần Sấm. Chúng tôi không hứa với thần Gió. Xin các thần đừng chờ. Chúng tôi cầu Yang phù hộ cho làng tôi vững mạnh. Lên rừng xuống núi, đi suốt, tắm sông, từ già đến trẻ đều mạnh khoẻ. Đan, dệt, làm rẫy đều mau xong, có nhiều lúa gạo, bắp treo đầu giàn, lúa chất đầy kho. Yang hãy phù hộ, giang tay nâng đỡ. Dân làng yên vui".
Khi tiến hành lễ, một đội cồng chiêng cùng đội múa xoang đi xung quanh cột Gưng theo chiều từ phải sang trái. Cuộc vui này kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, mọi người ăn uống, vui chơi tại nhà rông. Đây là một lễ hội lớn của tộc người Bahnar ở Kbang.
Đến với lễ hội tạ ơn thần lúa, chúng ta sẽ được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian đặc sắc của người Bahnar, được thưởng thức lời ca, điệu múa, được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng, ẩm thực truyền thống, những trò chơi dân gian lý thú của tộc người Bahnar. Mọi người đều sống hết mình trong các trò chơi, diễn xướng trong tình thân thiện chan hoà. Lễ hội kết thúc ai nấy đều phấn khởi tràn đầy, niềm tin được nâng lên với nghị lực mới, sức mạnh mới cùng những năng lực mới được hồi sinh.
 
NGUYỄN TỪ CHI. Lễ hội pơthi trong đời sống của người Bana và người Giarai / Nguyễn Từ Chi // Sách Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại. - 1993. - Tr. 129-138
                Pơthi là lễ hội bỏ ma, có nguồn gốc từ một lễ tục nhằm từ biệt những người đã chết. Tục lệ này phổ biến ở nhiều vùng trên thế giới; tuy nhiên lễ bỏ ma được tổ chức như là lễ hội chính của một năm, ở thời gian giao thời giữa hai chu kỳ sản xuất rẫy truyền thống hiện chỉ còn tồn tại ở các tộc ít người nói tiếng Nam Á và tiếng Nam Đảo cư trú ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên của Việt Nam, vùng Nam, Hạ Lào, vùng Đông Bắc Campuchia và một số vùng khác.
Báo cáo của chúng tôi dựa trên tài liệu khảo sát trên thực địa trong nhiều năm về lễ hội này của người Bana (thuộc dòng Nam Á - Austro - Asiatique) và của người Giarai (thuộc dòng Nam Đảo - Malayo - Polinesien ) hiện cư trú tại tỉnh Gia Lai.
Với người Bana, người Giarai, mỗi làng có một khu dành để chôn người chết, gọi là làng ma, khi có người chết người ta chôn vào đó. Nơi này được gọi là làng ma mới (Plêi Atâu nao).
Làng ma mới không phải là nơi vĩnh viễn dành cho người chết, đây chỉ là một trạm dừng chân của ma, tuy ở ngoài làng của người sống nhưng vẫn ở trên thế giới này thôi. Chỉ sau khi chôn cất một vài năm, người chết mới ra đi một chuyến dài, lần này để vĩnh viễn đến cư trú tại làng ma (Plei Atâu). Người Bana gọi nơi đó là măng lung (cửa tối), còn người Giarai cho rằng đó là luých tơ nă (nơi tận cùng của đất). Đó là dịp người sống làm lễ "bỏ ma" (mớt Atâu). Sau lễ bỏ, ma đã thành tổ tiên, còn có nhiều mối quan hệ mờ nhạt với những người thân đang sống. Còn trước lễ bỏ, khi ma còn là ma mới ở trong nghĩa địa cạnh làng, chúng vẫn quan hệ khăng khít với những người còn sống về nhiều mặt, đặc biệt là quan hệ kinh tế và quan hệ hôn nhân, bởi thế người sống phải tổ chức lễ bỏ để cắt đứt các quan hệ ấy.
1. Pơthi - lễ hội và văn hóa
                a) Nhà mồ và tượng mồ
Với mong muốn cho ma giàu sang, hùng mạnh ở thế giới của tổ tiên, có lẽ cả vì mục đích gây ấn tượng mạnh để tạo tính hiệu quả cho lễ hội, mà trước lúc bỏ mả, thân chủ làm cho ma một ngôi nhà mồ mới. Đây là một công trình tập thể, đòi hỏi sự đóng góp của nhiều nghệ nhân dân gian trong một làng, đôi khi là cả trong một vùng để đan, đẽo, tạc, vẽ, khắc... Có thể nói rằng nhà mồ là một công trình kiến trúc nghệ thuật đích thực. Ngôi nhà được kiến trúc cầu kỳ, công phu với một tổ hợp tượng gỗ đủ các loại: tượng chim, tượng thú, tượng người trong đó hình ảnh linga và yoni được nhấn mạnh luôn luôn nổi bật lên.
Nơi tập trung các đồ án trang trí ở tổ hợp nhà mồ, tượng mồ là đường nóc của ngôi nhà (tiếng Bana gọi đường này là tơ pơng) và trên cột vũ trụ (tiếng Bana gọi là klao còn tiếng Giarai gọi là kút).
Tại những bộ phận vừa nói, giữa muôn vàn đồ án, hình mặt trời (ở người Bana) và hình mặt trăng (ở người Giarai), cùng với những đồ án khác biểu tượng cho mặt trời (hình chim, một số loại thú). Và khi cặp đối xứng với chúng là các đồ án miêu thuật các loài bò sát: rồng, rắn, cá sấu... biểu tượng cho thế giới khác, thế giới âm, xuất hiện một cách da diết.
Cùng với tổ hợp tượng mồ, các đồ án trang trí như vừa nói phản ánh quan niệm tập thể của các tộc người về vũ trụ, về cõi sống và cõi chết.
Khi lễ bỏ ma vừa kết thúc, ngôi nhà ma vừa mới được dựng lên với bao công phu bị "bỏ" ngay, không còn được người nhà chăm lo bảo dưỡng: mái sập, rào xiêu, cột gãy, tường đổ, hoa văn mờ đi... cho đến lúc toàn bộ kiến trúc ấy tiêu tan hẳn. Mặc chúng chỉ được tạo ra cho lễ bỏ mả mà thôi, có bỏ ma thì mới có chúng. Cùng với tượng mồ ở Melanesi, ở Tây Phi, tượng mồ Tây Nguyên có thể đóng góp cho kho tàng văn hóa của nhân loại những tác phẩm độc đáo.
b) Trò chơi rước rối
Tùy theo tập quán ở từng vùng nhưng nhìn chung phần hội trong lễ hội bỏ ma ở Tây Nguyên thường được mở đầu bằng trò chơi rước rối (Bram).
Có nhiều loại rối, có loại được làm bằng gỗ, hình dáng nửa người nửa thú. Có loại là một cặp hình người một nam một nữ. Cặp rối được gắn trên một ống tre, có dây giật. Người rước rối vừa đi vừa điều khiển con rối. Động tác chủ đạo của con rối là động tác mô phỏng động tác giao hợp. Dẫn đầu đoàn rước rối là một người đàn ông trát bùn, ăn mặc hở hang, đeo mặt nạ, thắt dây quanh đùi, quanh tay, cắm lá hoặc lông chim lên đầu, trong hình thù quái đản, vừa đi vừa diễn trò. Tiếp sau là đám vũ nữ, dàn hàng ngang đi giật lùi, phía sau là đám rước nhà thần (Hnam Yang). Nhà thần được đặt trên kiệu, dưới đó là chiếc trống to. Sau nhà thần là đội chiêng kéo dài theo hàng dọc...
Có nơi, nhất là ở vùng người Bana, con rối bằng tre đan, to bằng cơ thể người lớn: hình người, mặt khỉ, có đuôi. Những người đàn ông chơi rối hóa trang kỳ dị, cùng khiêng con rối múa tiến lùi theo nhịp nhạc trống, cồng, chiêng, nhịp gấp. Thỉnh thoảng họ hú lên hoặc hò reo, đôi lúc họ giằng nhau con rối và làm động tác giao hợp với rối một cách mãnh liệt... Còn những người phụ nữ thì thưởng thức và cổ vũ trò chơi này đầy hào hứng.
Trò chơi rước rối, các kiểu con rối, các loại mặt nạ là cách hóa trang kỳ dị (đeo mặt nạ, giả cách người đầy lông lá, đàn ông đóng đàn bà, đàn bà đóng đàn ông... mà ta hay gặp trong các lễ cầu mưa hoặc cầu nắng) khi chơi rối khá phổ biến ở nhiều tộc người, hiện còn tồn tại một cách đậm đặc ở cư dân Melanesien, ở Tây Phi và ở Tây Nguyên.
c) Trình diễn văn nghệ dân gian
Mỗi lễ bỏ ma là một dịp để các đội văn nghệ dân gian trong vùng khoe tài. Bằng quan sát của người ngoại đạo có thể thấy, động tác múa của các điệu múa trong lễ bỏ ma là múa tự do, đơn giản, tất cả mọi người dự hội đều có thể tham gia. Tất cả người múa, cầm tay nhau xoang (múa) kết hợp với động tác chân, chuyển động theo chiều ngược [kim đồng hồ], lấy nhà mồ làm tâm. Điều lý thú là các vòng xoang  tương tự nhau ấy nhằm biểu dạt các nội dung khác nhau trong suy tưởng của người sống và người chết, những tâm sự của người còn sống tiễn đưa đồng loại [đã chết] về với tổ tiên. Các bản nhạc có nội dung trên đây được thể hiện bằng các loại nhạc cụ: trống, chiêng, cồng, chũm chọe... Đây là các loại nhạc cụ phổ biến mang bản sắc riêng của Đông Nam Á thời cổ, hin tại chúng ta còn thấy ở các tộc người miền núi ở Philippin, Malaixia... và ở các cư dân Polinesien. Nhạc cụ này được dùng phổ biến trong lễ bỏ ma, có những bản nhạc được các nghệ nhân dân gian của nhiều đội chiêng trình diễn tp thể một cách điêu luyn.
d) Bữa ăn cộng cảm
Để củng cố sự cố kết của cộng đồng giữa những người còn sống và những người đã chết, giữa những người còn sống với nhau, lễ bỏ ma thường tổ chức bữa ăn cộng cảm. Trong suốt cả quá trình lễ hội, hàng trăm ché rượu được huy động, hàng ngàn ống cơm lam được chuẩn bị để dâng tiến thần linh, để cúng ma và để cho mọi người dự lễ hội uống và ăn. Còn vào ngày thứ hai của lễ hội, trước lúc chuẩn bị nghi lễ tiễn đưa linh hồn người chết về nơi tổ tiên, lễ hội tổ chức bữa ăn cộng cảm. Chỉ nói về mặt thức ăn, ở đây ta bắt gặp các món ăn và cách chế biến các món ăn rất cổ. Hàng chục con trâu con bò được giết thịt không cần dùng nước mà chỉ cần lửa đốt. Thịt trâu bò cũng không cần đun, nấu, nướng mà người ta chỉ sử dụng mật và thức ăn đang được chuyển hóa trong ruột non của con vật (phèo - thay thính ) bóp "chín" toàn bộ thịt của chính con vật đó. Mỗi bộ phận của con vật như da, thịt, xương... được chế biến thành các món ăn riêng. Ngoài thịt là chính, các món ăn phụ khác chỉ có nõn chuối rừng và gạo. Những món ăn, cách chế biến chúng... ngày nay ngoài lễ bỏ ma không phải lúc nào ta cũng bắt gặp trong đời sống của đồng bào.
Những điều vừa trình bày chưa phải là tất cả các sinh hoạt văn hóa trong lễ bỏ mả. Nếu nhìn từ góc độ dân tộc học thì có thể nói trong dịp lễ hội Pơthi, những bản sắc độc đáo nhất của các cư dân vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có dịp thuận lợi để biểu hiện.
2. Tính nhân bản của lễ hội Pơthi
                a) Quan hệ giữa người và ma trong lễ hội Pơthi
Mục đích chính của lễ hội Pơthi là tiễn đưa các tinh linh (ma mới) về với thế giới "tổ tiên" (ma cũ). Đương nhiên, thông qua lễ hội, chủ lễ nhằm giải quyết nhiều mối quan hệ giữa ma với người, giữa người với thế giới tự nhiên và giữa con người với nhau.
Theo đồng bào, giữa người sống và người chết có những ràng buộc đặc biệt. Chết chỉ là một khoảnh khắc trong cõi sống vô tận. Mặc dù đã chết nhưng khi còn ở nghĩa địa cạnh làng, hằng ngày người sống vẫn mang cơm, rượu để nuôi người chết đến tận sau lễ bỏ ma khi đã tiễn đưa ma về với "tổ tiên" mới thôi. Bởi thế khi còn là ma mới ở nghĩa địa, ma vẫn được quyền sở hữu các của cải của người thân còn sống, do đó trong lễ bỏ ma, ma có quyền được mang theo một phần của cải đó để về thế giới "tổ tiên" làm vốn.
Để bỏ ma, thân nhân người chết phải chia cho ma tất cả thức ăn, đồ dùng vật dụng: cơm, rượu, thịt, cây chuối, cây mía, ghè rượu, nồi đồng, chiêng, dao, rìu, mõ, gậy chọc lỗ, gùi, quần áo, xa quay sợi, khung dệt... không phải là hàng mã mà là đồ thật. Nội dung các lời khóc, bài cúng trong lễ bỏ ma ngoài việc giãi bày nỗi nhớ nhung, lòng thương tiếc, chủ yếu để người sống nói với người chết sự "sòng phẳng của người sống trong việc chia tài sản và mong muốn ma yên lòng về với tổ tiên, đừng có lấy các đồ dùng vật dụng khác, đúng ra là lấy tinh linh của chúng đi nữa.
Trong các thứ chia phần cho ma, có một lễ vật đặc biệt đó là con trâu. Trong quan niệm của đồng bào, trâu là con vật đã dẫn dắt con người tí hon (na ngai ) từ lòng đất lên trần làm người. Bởi thế, ngày nay con người muốn nhờ trâu để đến với tổ tiên. Bởi thế trước lúc kéo trâu (tui pao) vào cột ở nhà mồ để tế sống, các gia đình làm lễ kéo trâu. Nghi thức chính của lễ này là tất cả các thành viên trong gia đình sờ vào mõm trâu để trâu chứng kiến, rồi người chủ ném gạo và muối vào trâu và nói những lời nhắn nhủ trước lúc dắt con trâu đến nghĩa địa.
Thông thường người ta tế trâu còn sống, đến rạng sáng ngày hôm sau người ta mới giết trâu để lấy gan lấy máu và lấy đầu để tế ở nhà mồ, còn lại các bộ phận khác được sử dụng để chế biến các món ăn cho bữa tiệc cộng cảm. Cũng theo đồng bào, trâu hiến tế là trâu của ma nên bữa ăn cộng cảm gồm thức ăn của ma (thịt trâu) và của người (các món ăn khác), bởi thế những người cùng ăn cơm ma sẽ có những mối quan hệ đặc biệt.
Mặc dù đã chết chôn ở nghĩa địa, nhưng nếu chưa bỏ ma, các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ vợ chồng vẫn còn giữa ma và người. Chưa bỏ ma, người góa còn sống chưa có quyền tái giá. Việc nuôi ma được họ nhà vợ (hoặc chồng) giám sát, ai vi phạm sẽ bị phạt theo luật tục. Bởi thế lễ bỏ ma cũng nhằm giải phóng về mặt xã hội cho người góa. Khi chuẩn bị kết thúc lễ bỏ ma, anh em vợ hoặc chị em chồng dẫn người góa ra suối tắm để gột rửa thời kỳ chịu tang và sau khi thả gà để đưa tinh linh người chết về với tổ tiên, người giám sát chải tóc, mặc áo váy mới cho người góa và kéo họ rời ngôi mộ ra hòa nhập vào cuộc vui. Từ đây người góa hoàn toàn tự do.
b) Quan hệ giữa người và người trong lễ hội
Trong cuộc sống hằng ngày quan hệ giữa người và người trong cùng một làng hoặc giữa các làng không phải lúc nào cũng hòa thuận. Tặng nhau một ống cơm lam, mời nhau một cang rượu, một xâu thịt để tỏ lòng thiện chí, không khí linh thiêng của lễ hội sẽ dễ dàng xóa đi những mối bất hòa, hàn gắn những sứt mẻ, thắt chặt thêm những quan hệ tốt đẹp. Trai thanh gái lịch giữa các làng mượn ống cơm, cang rượu, nhịp múa hay làn điệu âm thanh của cồng chiêng để tỏ tình, hò hẹn kết duyên, kết bạn.
c) Quan hệ giữa con người và tự nhiên trong lễ hội
Với đồng bào Thượng, vạn vật từ hạt thóc, con dao, cái ghè rượu... đều có tinh linh và mỗi thứ đều có cuộc sống riêng của chúng. Mọi điều may rủi xảy ra với từng người, từng nhà, từng cộng đồng... đều có liên hệ giữa họ với thế giới xung quanh. Bởi thế trong ngày vui, đồng bào không quên tạ ơn các thần linh (Yàng), tạ ơn tổ tiên, đồng thời dâng thức ăn cho các đồ dùng, vật dụng và đọc các bài khấn cầu mong chúng cùng có cuộc sống yên lành với con người.
3. Lễ hội Pơthi và đời sống tinh thần của đồng bào trong tương lai
Lễ hội Pơthi, như đã nói vốn là lẽ sống của các cư dân vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, là một sinh hoạt văn hóa truyền thống lành mạnh của họ. Đương nhiên trong giai đoạn hiện nay muốn duy trì và phát huy truyền thống văn hóa này cũng còn một số điều cần phải bàn.
a) Pơthi và tục chôn chung
Các cư dân ở Tây Nguyên, đặc biệt là người Giarai thường có tục chôn chung. Tất cả những người cùng một họ (họ mẹ) chết trong một thời gian nhất định đều được chôn chung trong một nấm mồ, trong vòng ba năm khi ngôi mộ có khoảng 40 xác chết người ta mới làm lễ bỏ ma. Bởi thế quy mô của lễ bỏ ma này rất lớn (giết 40 con trâu và uống hàng trăm ché rượu). Tập quán chôn chung như hiện nay, nếu không được hướng dẫn rõ ràng là không hợp vệ sinh. Nhưng hướng dẫn đồng bào "tách mộ" trong chừng mực không ảnh hưởng đến phong tục kể cả liên quan đến lễ hội là vấn đề phức tạp cần phải được nghiên cứu kỹ càng.
b) Về bữa ăn cộng cảm
Phần lễ và phần hội trong lễ hội Pơthi có lẽ không có nhiều điều cần phải bàn, có chăng là về phương diện vệ sinh, nhất là vệ sinh trong bữa ăn cộng cảm. Chưa có tài liệu khoa học nào cho biết các món ăn trong lễ bỏ ma là hợp vệ sinh, nhất là bữa ăn lại được tổ chức ngay trong nghĩa địa, các món ăn chỉ được bày lên lá cây. Cách thức tổ chức bữa ăn cộng cảm hợp vệ sinh, không tác hại đến sức khỏe mà vẫn không ảnh hưởng đến không khí của lễ hội là vấn đề đáng được quan tâm để hướng dẫn cho đồng bào trong tương lai.
                              
 
Các tin khác
NHẬN XÉT BẠN ĐỌC
(Chưa có ý kiến nào được viết)
Đăng nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Thành tích khen thưởng
Sách mới Bổ sung
Chọn trang
1. Thăm thẳm xứ sâm / Ngọc Tấn .- 2025 Chi tiết
2. M¿t tram linh tám 108 Lục bát hai câu về Người / Tạ Chí Tào .- 2025 Chi tiết
3. Vượt qua sự chối bỏ / Beckker - Phelps, Leslie,Lam Phương .- 2023 Chi tiết
4. Chấp nhận những điều không thể thay đổi / Scarlet, Janina,Thành Bảo Ngọc .- 2023 Chi tiết
5. Nhạy cảm / Hoàng Chí Kiên,Phương Linh .- 2023 Chi tiết
Tài liệu số hoá mới
Chọn trang
1. Ấm lòng bữa cơm “2k” giữa lòng phố núi / Hồ, Hải Nam .-  Chi tiết
2. Phẫu thuật kỹ thuật cao ở Bệnh viện 211 cũng rất thiện chiến / Gia Minh .-  Chi tiết
3. Phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới / Kiên Quốc .-  Chi tiết
4. Lan man váy khố nhân một bức ảnh / Văn, Công Hùng .-  Chi tiết
5. Khơi thông nguồn lực văn hóa góp phần phát triển kinh tế bền vững / Nguyễn, Anh Sơn .-  Chi tiết
Tài liệu của Thư viện
1. Sách lẻ: 80621 
2. Bài trích: 17657 
3. Sách tập: 9647 
4. Sách bộ: 2398 
5. Ấn phẩm định kỳ: 1302 
6. Đĩa CD-ROM: 832 
SÁCH HUYỆN
Tặng sách cho Việt Kiều ở Lào & CPC
Cơ quan chủ quản: SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH GIA LAI
Bản quyền: THƯ VIỆN TỈNH GIA LAI
30 - Phạm Văn Đồng - TP. Pleiku - Tỉnh Gia Lai. Điện thoại: (059).6250708.
 Website: http://www.thuvientinhgialai.vn ; E-mail:  thuvientinh_gli@vnn.vn ; gialaitv@yahoo.com
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Thư viện tỉnh Gia Lai

Giấy phép do Sở TT&TT Gia Lai cấp số: 05/GPTTĐT-STTTT, ngày 13 tháng 6 năm 2014.