“Những nẻo đường nào sẽ dệt thành mạng đường đời cho mình lần bước, những dây đàn nào sẽ rung ngân thanh âm về sự tồn tại của chính mình; điều gì sẽ dành cho mình đây - những ban mai trong lành e ấp hạnh phúc và hương thơm tháng năm hay những hoàng hôn u ám với vầng trăng ủ ê nhợt nhạt?. Những ngày hạ nóng nung tranh đấu hay những cơn bão tuyết băng giá nghiệt ngã của số phận?” . Có lẽ những dòng văn chất chứa đầy nỗi suy tư kia cũng đủ để diễn đạt tinh thần lớn nhất của tác phẩm kinh điển “Con hủi” của nữ văn sĩ Ba Lan Helena Mniszek, đó là sự hoang mang của kiếp con người khi không thể biết trước được tương lai và cuộc chiến khốc liệt của họ trong việc giành lấy hạnh phúc của cuộc đời mình giữa muôn vàn những trái ngang khổ cực.
Tác phẩm là một câu chuyện tình thơ mộng, lãng mạn và có phần vi diệu của cặp đôi trai tài gái sắc. Chàng, đại công tước, là thanh niên được xem như “quý tộc của quý tộc” với dòng họ quyền quý nhất nước. Nàng - chỉ là đứa con gái một điền chủ nhỏ. Đây sẽ là một câu chuyện tình thơ mộng, đắm say và trong sáng biết bao nếu như chuyện tình ấy không bi đát đến nao lòng…
Tác giả kể câu chuyện về nghịch cảnh trong tình yêu lứa đôi nhưng khi nhìn rộng hơn ta có thể nhận ra nàng Stefcia Rudecka hoàn mĩ kia như một biểu tượng cho sự thật, chàng Waldermart oai hùng là hình ảnh cho khát khao của con người trong việc nhận ra và nắm giữ những sự thật ấy, còn toàn bộ giới quý tộc chống lại hạnh phúc của đôi thanh niên đại diện cho những sự yếu đuối, giả dối và u mê của con người trong cuộc hành trình hướng tới mặt trời chân lý.
Cuốn sách “Con hủi” của nữ văn sĩ Ba Lan Helena Mniszek, được Hữu Dũng dịch, do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012, dày 579tr. ; khổ 21cm.
“Con hủi” là một áng văn đặc sắc với câu chuyện tình như hồng nhan vốn bạc phận, dù đẹp nhưng vẫn bi đát. Vẫn là tình yêu, là đẳng cấp quý tộc nhưng ở “Con hủi” sẽ còn đánh thức bao khát khao và hoài vọng cao quý, muốn được sống hết mình, được yêu hết mình và khi cần, được hi sinh cho tình yêu ấy. Dù không được sống trọn bên nhau nhưng cái chết của nhân vật nữ chính đã chứng minh sự kiên cường, tình yêu trong sáng của con người trước những thế lực cố gắng giết chết tình yêu ấy. Dù bi thương nhưng “Con hủi” xứng đáng ở vị trí của một tiểu thuyết tuyệt vời chủ đề tình yêu, sống mãi trong tim người đọc dù đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng tiếng vang và bài học của tác phẩm còn nguyên giá trị.
Sách đang được phục vụ tại Thư viện tỉnh Gia Lai, với các ký hiệu kho: LD.029429, PM.040075, PM.040076.
Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc!
Phòng BS&XLTL