Gia Lai là địa bàn cư trú của ba tộc người chính: Bahnar, Jrai và người Việt. Người Bahnar và Jrai là cộng đồng dân cư tại chỗ, trước khi người Việt lên đây lập nghiệp. Sự hòa quyện và giao thoa ấy tạo nên bản sắc văn hóa Gia Lai. Ở đó, văn hóa truyền thống của tộc người Bahnar và Jrai là mảng màu đặc sắc mà trong đó nghệ thuật múa dân gian là góc sáng trong nền văn hóa Gia Lai nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung. Có thể nói, múa dân gian Bahnar và Jrai là một kho tàng văn hóa phi vật thể vô giá, thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa của hai tộc người này. Với truyền thống đấu tranh chống kẻ thù, thiên tai địch họa; với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng bay bổng và phong phú…đồng bào Bahnar và Jrai đã sáng tạo nên những điệu múa vô cùng độc đáo và đặc sắc, thể hiện phong thái, cốt cách của những người con núi rừng Tây Nguyên.
|
Từ những sinh hoạt hằng ngày, cùng với ước mơ đời thường trong cuộc sống, người Bahnar, Jrai đã lấy đó làm ý tưởng cho nhiều điệu múa: mừng chiến thắng, mừng được mùa, vui vào hội…Họ có thể múa ở mọi lúc, mọi nơi: khi đi lấy nước thì những bầu nước chính là đạo cụ múa, khi giã gạo những nhịp chày làm điệu múa thêm uyển chuyển, lúc trỉa hạt bàn tay múa thoăn thoát để gieo xuống đất từng mầm sống; lúc cõng con lên nương họ cũng vừa múa, vừa hát ru con…
Đặc biệt, trong nghệ thuật múa dân gian của đồng bào Bahnar và Jrai không thể không nhắc đến những điệu soang. Soang là cách gọi những hình thức múa phổ cập, tập thể có từ lâu đời của đồng bào Tây Nguyên trong đó có người Bahnar và Jrai ở Gia Lai. Soang mang tính cộng đồng, thường chuyển động theo những đường cong uốn lượn, những người tham gia đội hình soang di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng trong đội hình đồng điệu, phối hợp giữa co và duỗi chân, tay, nhún nhẩy đung đưa thân mình. Theo đội hình soang, bằng nét mềm mại của thân hình cộng với vẻ đẹp của y phục, người phụ nữ khoe ưu thế của họ trong những vận động mềm mại, duyên dáng. Với tính cách mạnh mẽ, những “vũ công” nam thực hiện những bước di chuyển đều xen kẽ những bước nhảy chuyển đổi vị trí biểu dương sức mạnh vào những giây phút cao trào của vũ điệu. Đội hình soang tiến hành trong khi đang thực hiện những nghi lễ thì gọi là soang nghi thức - những vũ điệu có nội dung nhất định đối với từng loại lễ hội. Và bên cạnh đội hình soang nghi thức là soang tự do, với sự tham gia tùy hứng của các thành viên trong cộng đồng.
Có thể nói, chính những vòng soang là sợi dây tình cảm nối kết các thành viên trong cộng đồng làng Bahnar và Jrai với nhau, đó cũng là sợi dây giao cảm giữa con người với thế giới thần linh trong những lễ hội cổ truyền. Bên ánh lửa bập bùng, bên ché rượu cần, những vòng soang làm dịu đi sự nhọc nhằn, vất vả; giúp tiếp thêm động lực cho mọi người vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Cũng chính những những vòng soang mà tình yêu đôi lứa đã được đâm chồi, nảy lộc, để những vòng soang mãi thấm đượm tình yêu thương.
Nghệ thuật múa dân gian dân tộc của người Bahnar và Jrai đã giúp cho mảng màu văn hóa của Tây Nguyên nói chung và của mảnh đất Gia Lai nói riêng thêm đặc sắc. Qua múa dân gian, những đặc trưng văn hóa độc đáo và vẻ đẹp của mảnh đất này được giới thiệu đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước; vì vậy mà múa được xem như nhịp đập hơi thở của mảnh đất nơi đây. Có thể nói, nhờ ca múa mà đời sống tinh thần của con người trở nên phong phú và đa dạng hơn, đó là mảnh đất để con người gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình. Múa dân gian chính là bức chân dung phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của tộc người Bahnar và Jrai ở Gia Lai trong quá trình tồn tại và phát triển. Điệu múa theo con người trên các bước đường của cuộc sống, khi lên nương, khi ra suối, khi vào hội và cả khi về thế giới bên kia với điệu múa trong lễ bỏ mả. Chính vì thế, việc gìn giữ và bảo tồn vốn nghệ thuật múa của đồng bào Bahnar và Jrai là một việc làm cần thiết hiện nay, và sự thành công của việc làm này phụ thuộc rất lớn vào hai chủ thể văn hóa nêu trên, chính họ là người quyết định sự tồn tại và lưu truyền của nghệ thuật múa trong cộng đồng; để thế hệ người Bahnar, Jrai về sau mãi còn được biết đến những điệu múa uyển chuyển, vòng soang nhịp nhàng của dân tộc mình.
Huyền Thương |