Họ đều còn nhớ rất rõ về nhà rông và làng Jrai truyền thống. Trong câu chuyện tôi cảm nhận có lẽ nhà rông của người Jrai là một trong những nhà rông to, cao nhất so với nhà rông các dân tộc khác; hai mái dốc đứng, nóc như cái lưỡi rìu sắc khỏe vút cao giữa nền xanh của trời, của cây. Xã hội Jrai tập trung ở làng, mọi việc đều diễn ra tại làng, bởi vậy nhà rông có một vị trí rất đặc biệt:
- Về mặt biểu trưng: Nhà rông được làm cao nhất trong làng, nên từ rất xa đã thấy mái nhà rông. Với mái nhà rông được trang trí có đặc trưng riêng của làng, thân thuộc với mỗi người trong làng bởi vậy từ rất xa nhìn thấy mái nhà rông là có thể biết đó có phải là làng mình hay không. Mái nhà rông như kim la bàn, như máy quan trắc cho mọi người tìm về được với làng giữa núi rừng trùng điệp. Nhà rông, từ kỹ thuật xây dựng đến mỹ thuật trang trí đến kết cấu xây dựng, mỗi vị trí, mỗi nơi bàn tay con người tạo dựng đều mang tính biểu tượng cho một ý tưởng nào đó, nhằm gửi gắm sự tôn kính, ẩn chứa hiện diện của Yang (thần). Sự to cao của nhà rông thể hiện sức mạnh, tài trí, uy lực, uy quyền, uy tín của làng và già làng.
- Về mặt linh hồn: Nhà rông là nơi dân làng tụ họp hàng ngày để gặp gỡ, để chờ nhau đi làm, để tổ chức các hoạt động trong đời sống gắn liền với núi rừng. Đấy là nơi lưu giữ các kỷ vật của làng, của các gia đình trong làng trên mọi mặt hoạt động sống và xây dựng. Khi lập làng, các già làng chọn vị trí làm nhà rông trước, người Jrai thường chọn vị trí rộng, bằng phẳng ở giữa làng, sau đó mới bố trí các con đường và các nhà sàn của dân làng. Con đường lớn nhất có hướng đi qua trước nhà rông, xung quanh nhà rông thường hai, ba hoặc bốn con đường, các con đường khác đều hướng ra đường đi qua nhà rông. Nhà sàn của dân làng tỏa về mọi hướng nhưng thuận tiện để đến nhà rông. Hầu hết các hoạt động của con người khi ra khỏi nhà thì thường cũng đi qua nhà rông. Nhà rông gắn bó với mỗi người từ thuở lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay về với cõi Yang, vì thế nó luôn là hình ảnh sâu đậm trong tâm trí, trong tình cảm của mỗi người dân. Hễ nghe tiếng trống báo hiệu, mọi người đều dừng công việc đang làm, khẩn trương đến nhà rông trong tư thế sẵn sàng tuân thủ. Nhà rông và các họa tiết, hoa văn, kết cấu thể hiện tâm hồn, trình độ, tư tưởng của làng và già làng.
- Về luật tục: Nhà rông là nơi thường diễn ra các cuộc họp của già làng để đề ra những quy định, đưa ra quyết sách tổ chức các hoạt động, thống nhất những vấn đề tổ chức xây dựng làng, điều chỉnh các chuẩn mực và quy phạm cho phù hợp. Đấy là nơi già làng quyết định khen thưởng, kỷ luật, xử phạt. Nơi ấy các già làng truyền lại cho những thế hệ sau về luật lệ của làng, về các nghi lễ của làng, về truyền thống của tổ tiên ông cha, về tập tục của dân tộc mình. Đấy là biểu tượng quyền uy để mọi người thực hiện theo luật tục của làng. Đấy là nơi các già làng hội họp để củng cố, ổn định, hoàn thiện các thể lệ nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy, phát triển thể chế xã hội làng và thể chế của người Jrai. Nhà rông là biểu tượng quyền lực tối cao của làng, già làng và của Yang.
- Về xã hội: Ngay từ bé đứa trẻ đã theo mẹ theo cha đến nhà rông trong các cuộc hội họp của cả làng hay của một bộ phận của làng trong không khí náo nhiệt ban ngày, trong sự hồ hởi, háo hức ban đêm, trong âm vang hùng tráng trầm đục rộn rã cồng chiêng. Đó là nơi gặp gỡ để giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sinh hoạt cộng đồng, kinh nghiệm làm người, tổ chức các hoạt động vui chơi, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, kinh nghiệm ứng xử với thiên nhiên, kinh nghiệm ứng xử với đồng loại… Đấy là nơi đón khách, tiếp khách, là cửa ngõ của làng giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nhà rông là nơi thể hiện tập trung cơ chế tổ chức xây dựng làng.
- Về tín ngưỡng: Nhà rông là nơi thần (Yang) giao cảm với làng. Nhà rông là nơi cất giữ những vật linh thiêng của làng, có những vật được coi như là hiện hữu của vị thần bản mệnh. Tất cả những vật này đều được mọi người tôn kính, được cúng lễ, không ai đụng chạm hoặc di chuyển đi chỗ khác. Đây là nơi tổ chức các nghi lễ chung của làng vào các dịp lễ, hội, tết, cúng… mang tính giao cảm với đất, trời, thiên nhiên và các đấng thần linh. Đây còn là nơi cất giữ và trưng bày các sản phẩm lao động, sản phẩm văn hóa có tính quý trọng hiến tế. Nhà rông là nơi mọi người dân gửi gắm niềm tin cuộc đời mình với làng.
- Về văn hóa: Các họa tiết, hoa văn, chạm khắc, đan lát đều có tính biểu tượng. Tất cả đều thể hiện một trình độ điêu luyện, tinh xảo, hài hòa giữa mỹ thuật, kiến trúc, xây dựng, thẩm mỹ và ứng xử của làng với đất trời. Đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong các sinh hoạt cộng đồng của làng vào các dịp lễ, hội, tết, ngày nghỉ, hoặc sự tự tổ chức của thanh niên trai gái và trẻ nhỏ. Đây còn là nơi các thế hệ trước truyền dạy lại cho thế hệ sau về ngôn ngữ dân tộc mình, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, truyền thống của làng mình, bản thể của làng mình. Chính vì nét văn hóa vật thể mà tạo ra nét rất riêng, rất khác biệt của nhà rông làng này với nhà rông làng khác, nhà rông Jrai khác với nhà rông của các dân tộc khác. Hiện nay trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhà rông còn là nơi sinh hoạt và tổ chức các hoạt động mang hơi thở thời đại mới với sự văn minh, tiến bộ, giao thoa với các nền văn minh của các dân tộc khác. Nhà rông là nơi thể hiện tập trung các dạng thức văn hóa vật thể và phi vật thể của làng và người Jrai.
Nhà rông và làng của các dân tộc Jrai, Ba Na và các dân tộc ít người khác nói chung là sản phẩm của núi rừng; là giao hòa, giao cảm, tương hỗ, giao lưu và thích ứng, giao thoa và cộng hưởng lẫn nhau giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với môi trường xung quanh trong quá trình tồn tại, ổn định, xây dựng và phát triển. Ngày nay trong sự tác động đa dạng, phức tạp từ bên ngoài và sự tự tác động gay gắt từ bên trong đã làm cho làng và nhà rông dần biến đổi, có làng không còn nhà rông. Để có các sản vật từ rừng làm nhà rông, làm nhà sàn, làm tượng nhà mồ, xây dựng làng hiện nay thực sự là một vấn đề nan giải, bài toán này khó có lời giải và đáp số. Nhà rông, nhà sàn, cồng chiêng, nhà mồ và tượng nhà mồ là một số những mấu chốt cơ bản để gìn giữ, bảo tồn, phát huy, phát triển bản sắc và truyền thống của làng của các dân tộc bản địa. Giữ được bản sắc, truyền thống của làng là góp phần thực sự giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thế trận lòng dân. Trong sự phát triển chung của đất nước, trong công cuộc xây dựng và phát triển Tây Nguyên nói chung, nên chăng chúng ta cần bảo tồn hoặc khôi phục lại một cánh rừng gắn liền với mỗi một làng.
Nguyễn Thị Thủy (Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh) |